Thiếu giáo viên, Đức đề xuất tuyển dụng giáo viên nước ngoài

Lam Linh
06:02 - 21/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thiếu giáo viên là thách thức lớn nhất hiện nay đối với ngành Giáo dục Đức. Dự kiến vào năm 2030, quốc gia này sẽ thiếu hơn 80.000 giáo viên. Do đó, một số nhà nghiên cứu giáo dục Đức đã đề xuất cần tuyển thêm giáo viên người nước ngoài để lấp đầy khoảng trống thiếu giáo viên.

thiếu giáo viên, Đức đề xuất tuyển dụng giáo viên nước ngoài - Ảnh 1.

Đức ước tính sẽ thiếu hơn 80.000 giáo viên vào năm 2030. Ảnh: Wikimedia Commons

Lý do Đức đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên

Tại nước Đức, các trường học đang trong tình trạng hư hỏng. Thạch cao trên tường bị bong tróc, nhà vệ sinh bị hỏng và các phòng tập thể dục phải đóng cửa để sửa chữa. 

Bên cạnh đó, trang thiết bị trường học cũng không được cung cấp đầy đủ. Nhiều trường học không có mạng Wi-Fi và máy tính thì khan hiếm. Đặc biệt sau đại dịch COVID-19, giáo viên Đức trở nên kiệt sức, nhiều học sinh của đất nước này có nguy cơ bị bỏ lại sau khi nhiều trường học đóng cửa trong một khoảng thời gian dài.

Các nhà nghiên cứu giáo dục cho biết, hệ thống giáo dục Đức phải đối mặt với khủng hoảng trên là kết quả của sự quản lý yếu kém và các chính sách, phương hướng, kế hoạch hoạt động của ngành Giáo dục còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, việc được kỳ vọng sẽ mang lại nền giáo dục chất lượng cao và thu hút nhiều sinh viên nước ngoài hơn của các trường học Đức đã khiến ngành Giáo dục của đất nước này càng thêm chồng chất khó khăn và áp lực.

Thiếu giáo viên, Đức đề xuất tuyển dụng giáo viên nước ngoài - Ảnh 2.

Các trường học ở Đức đang xuống cấp. Ảnh: Uwe Anspach/dpa

Tuy nhiên, theo các nhà quản lý giáo dục Đức, tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng là thách thức lớn nhất hiện nay của ngành Giáo dục Đức. "Ước tính có khoảng 30.000-40.000 vị trí giảng dạy chưa được tuyển dụng", Dagmar Wolf, một nhà nghiên cứu giáo dục tại Đức cho biết.

Trước đó, Hội nghị các bộ trưởng giáo dục của 16 bang ở Đức đã đưa ra con số vị trí giảng dạy chưa được tuyển dụng là 12.000. Nhưng theo Hiệp hội Giáo viên Đức, con số này đã bị thêm thắt bởi thực tế là một số trường học đã liệt kê cả phụ huynh học sinh và những tình nguyện viên với tư cách là giáo viên trong số liệu thống kê.

Tình trạng thiếu giáo viên ở Đức đang trở nên trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua

Heinz-Peter Meidinger, Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Đức, nói rằng: "Hồi chuông báo động về tình trạng thiếu giáo viên ở Đức đã vang lên từ lâu. Nhưng đây là thời điểm vấn đề thiếu giáo viên trở nên nghiêm trọng nhất".

Theo Heinz-Peter Meidinger, bất chấp tỉ lệ sinh tăng nhưng số lượng giáo viên tập sự ở Đức đã giảm ồ ạt trong vòng 20-30 năm qua. Thêm vào đó, giáo viên không còn là nghề hấp dẫn tại quốc gia này bởi sinh viên ngành Sư phạm hiện không được bảo đảm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Điều cuối cùng mà Heinz-Peter Meidinger cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở Đức là bởi quốc gia này phải chứng kiến những làn sóng người tị nạn. 

Viện Kinh tế Đức ước tính rằng, nếu 3,5% trong số 7,5 triệu trẻ em Ukraine đến Đức thì nước này sẽ cần thêm 13.500 giáo viên.

Gần đây nhất, hơn 200.000 trẻ em đến từ Ukraine đã di cư đến Đức. Trong khi đó, pháp luật Đức quy định rằng, trẻ em từ 6 đến 16 tuổi phải đi học. Do đó, các trường học ở Đức chưa kịp chuẩn bị để chào đón những học sinh nhập cư này.

Dự kiến Đức sẽ thiếu 80.000 giáo viên vào năm 2030

Trong tương lai, thiếu giáo viên vẫn là thách thức lớn mà ngành Giáo dục Đức phải đối mặt. Bởi những giáo viên Đức sinh vào đầu những năm 1960 đang bước vào tuổi nghỉ hưu.

Một số nhà nghiên cứu ước tính đến năm 2030, Đức sẽ thiếu hơn 80.000 giáo viên. Không chỉ vậy, một số vị trí khác trong ngành Giáo dục Đức cũng sẽ có nguy cơ "trắng" chỉ tiêu như: nhân viên xã hội, cố vấn tâm lý, cố vấn trường học.

Hiện nay, chỉ có 7% sinh viên Đức theo học chuyên ngành Sư phạm để trở thành giáo viên. Trong nhiều số sinh viên đó đã có nhiều người bỏ học hoặc cho biết sẽ không làm giáo viên sau khi tốt nghiệp đại học.

Điều giáo viên Đức mong muốn nhất hiện nay không phải là tăng lương mà họ cần có nhiều thời gian hơn để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là giảng dạy của mình. Bởi giáo viên Đức hiện nay phải gánh vác cả những công việc hành chính.
Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Đức

Cạnh tranh tuyển dụng giáo viên tại các bang ở Đức

Thiếu giáo viên, Đức đề xuất tuyển dụng giáo viên nước ngoài - Ảnh 6.

Bang Bavaria (miền nam nước Đức) sẽ cung cấp cho giáo viên từ bang khác đến làm việc một khoản trợ cấp tái định cư hậu hĩnh và một mức lương vô cùng hấp dẫn, cao hơn các bang khác. Ảnh: Đức Vũ

Tình trạng thiếu giáo viên ở các trường học của các bang tại Đức đã làm dấy lên một cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm tuyển dụng giáo viên ở đất nước này.

Chẳng hạn như bang Brandenburg đã khuyến khích người trẻ chọn học Sư phạm khi đưa ra các chính sách như: đảm bảo việc làm sau khi ra trường cho sinh viên ngành Sư phạm hay hứa hẹn sẽ đặc cách cho họ trở thành công chức ngay sau khi có tấm bằng cử nhân.

Tại bang Bavaria giàu có ở miền nam nước Đức đã đưa ra lời kêu gọi đầy hấp dẫn để thu hút giáo viên từ các bang khác đến làm việc đó là cung cấp cho giáo viên một khoản trợ cấp tái định cư hậu hĩnh và một mức lương vô cùng hấp dẫn, cao hơn các bang khác.

"Chiến lược của Thủ hiến bang Bavaria - ông Markus Soder là cố gắng thu hút nhiều nhất có thể giáo viên từ các bang khác vào năm tới" - theo nhà nghiên cứu giáo dục Dagmar Wolf.

Trước tình trạng thiếu giáo viên, một ủy ban do các bộ trưởng bộ giáo dục các tiểu bang tại Đức thành lập đã đưa ra đề xuất riêng. Trong đó bao gồm việc khuyến khích giáo viên nghỉ hưu, cho phép giáo viên được dành nhiều thời gian để giảng dạy hơn, tăng quy mô lớp học và tuyển sinh viên tốt nghiệp làm trợ giảng. Đồng thời hạn chế tình trạng làm việc bán thời gian của giáo viên Đức.

"Có khoảng 49% giáo viên Đức đang làm việc bán thời gian và đây là nơi có tiềm năng khai thác nguồn nhân lực lớn nhất", Ủy ban cho biết trong một thông cáo báo chí.

Mặt khác, Chủ tịch Ủy ban Astrid-Sabine Busse cũng cho rằng, cần đào tạo thêm nhiều giáo viên để dạy những môn học mà các trường học Đức đang cần đó là môn Toán, Hóa học, Vật lí, Âm nhạc và Nghệ thuật.

Ngoài ra, bà Astrid-Sabine Busse cũng khuyến khích cần có cơ chế để hỗ trợ tâm lý cho giáo viên nhiều hơn, đồng thời nên thành lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý khủng hoảng mà giáo viên đưa ra.

Thiếu giáo viên, Đức đề xuất tuyển dụng giáo viên nước ngoài - Ảnh 7.

Đề xuất tuyển dụng giáo viên nước ngoài để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở Đức. Ảnh: IT/images

Đề xuất tuyển dụng giáo viên nước ngoài 

Tuy nhiên, Công đoàn Lao động Đức đã nhanh chóng chỉ trích đề xuất trên là sẽ gây thêm áp lực cho giáo viên. 

Theo Liên minh Công nhân Giáo dục và Khoa học Đức, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên thì cần tuyển dụng thêm nhân viên hành chính và các chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin tại các trường học để giáo viên có thể tập trung vào nhiệm vụ chính là giảng dạy.

Tuy nhiên, Đức đang thiếu lao động lành nghề ở tất cả các lĩnh vực và việc khuyến khích người nước ngoài có tay nghề nhập cư được cho là một giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu lao động nói chung và thiếu giáo viên nói riêng ở Đức.

Cả ủy ban bộ trưởng và Liên minh Công nhân Giáo dục và Khoa học Đức đều đồng ý rằng, việc tuyển dụng giáo viên nước ngoài là một giải pháp nhằm giảm bớt tình trạng thiếu giáo viên tại đất nước này. 

Theo đó, cần tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài bước vào nghề giáo viên và công nhận bằng cấp của các giáo viên đến từ những quốc gia khác. Bởi theo nhà nghiên cứu giáo dục Dagmar Wolf, vấn đề không phải là có quá ít người nước ngoài nộp đơn làm giáo viên tại Đức mà quá trình công nhận người nước ngoài là giáo viên của Đức rất khó khăn.

"Quy định về điều kiện trở thành giáo viên ở Đức chưa có sự thống nhất trong hệ thống liên bang. Vì vậy, dù có nhiều giáo viên người nước ngoài đã sở hữu bằng cử nhân ngành Sư phạm nhưng cơ hội dành cho họ được dạy học tại Đức là rất ít. Do đó hầu như không có người nước ngoài nào gia nhập vào đội ngũ giáo viên Đức vì những rào cản về quy định và chính sách", Dagmar Wolf nói thêm.

Nguồn: abs-cbn.com