Thi tuyển hiệu trưởng chưa tạo ra bước đột phá
Việc thi tuyển hiệu trưởng vẫn chỉ dừng lại với cơ hội dành cho những đối tượng đã được địa phương quy hoạch và cử đi học các lớp chính trị, quản lý từ trước?
Theo các chuyên gia giáo dục, việc thi tuyển chức danh hiệu trưởng là để tìm người tài cho ngành giGiáo dục, chứ không phải tìm chức danh. Một số địa phương đã và đang thực hiện thi tuyển hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Các nhà giáo đã và đang công tác tại cơ sở giáo dục đều mong muốn có được những cán bộ quản lý nhà trường gương mẫu, tận tâm cho ngành Giáo dục. Điều đặc biệt là tránh được phe phái, mất đoàn kết nội bộ và cũng có thể hạn chế được tình trạng lạm thu hiện nay.
Tuy nhiên, một thực tế là trong bối cảnh hiện nay, việc thi tuyển hiệu trưởng vẫn chưa tạo bước đột phá và chưa tạo ra những cơ hội cho những nhà giáo không nằm trong quy hoạch cán bộ nguồn.
Vai trò của hiệu trưởng trong bối cảnh hiện nay
Vai trò của hiệu trưởng các nhà trường thì giai đoạn nào cũng quan trọng và đặc biệt là thời điểm hiện nay, ngành giáo dục đang triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 càng đòi hỏi năng lực, phẩm chất, tài quản trị của người đứng đầu đơn vị. Theo hướng dẫn hiện hành, hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường. Trong đó, hiệu trưởng sẽ là người quản lý nhân sự, tài chính và tài sản nhà trường.
Đặc biệt, hiệu trưởng là người duy nhất trong nhà trường không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp. Điều này cho thất, hiệu trưởng hiện nay có một vai trò rất quan trọng trong mỗi trường học.
Nếu trường có một hiệu trưởng giỏi chuyên môn sẽ biết cách quản lý; giao nhiệm vụ; khích lệ; động viên giáo viên phát huy được năng lực của mình và đương nhiên hiệu quả giáo dục sẽ cao. Nếu hiệu trưởng liêm khiết sẽ biết cách chi tiêu phù hợp và chia sẻ quyền lợi với giáo viên, không chủ trương kêu gọi những khoản đóng góp vô tội vạ như một số trường học đang làm. Trong quản lý nhân sự, sẽ biết cách tuyển chọn được những giáo viên giỏi và đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của giáo viên khi đánh giá viên chức hàng năm và đề nghị khen thưởng những giáo viên xứng đáng.
Nhìn chung, hiệu trưởng phải hội tụ đầy đủ phẩm chất, năng lực biết dừng lại trước cám dỗ của đồng tiền và nói không với những lợi nịnh bợ của cấp dưới. Mỗi khi có sự cố, dám chịu trách nhiệm trước cấp trên, nhà trường, phụ huynh, học sinh. Một khi làm không tốt, biết can đảm làm đơn từ chức, không thoái thác trách nhiệm để kéo dài công tác quản lý.
Tuy nhiên, với cơ chế bổ nhiệm hiệu trưởng như hiện nay, rất khó để tạo nên sự đột phá ở các nhà trường. Bởi lẽ, trước khi làm hiệu trưởng, nhà giáo đó đã nằm trong quy hoạch nhiều năm; được cử đi học lớp cán bộ quản lý giáo dục; học trung cấp chính trị. Khi điều kiện chín muồi, phòng (sở) giáo dục; phòng (sở nội vụ) sẽ làm thực hiện các quy trình bổ nhiệm. Người ký quyết định bộ nhiệm cho hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là chủ tịch hoặc phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện (thị); ký quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng trường trung học phổ thông là chủ tịch hoặc phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố).
Thông thường, một khi nhà giáo nào đã được bổ nhiệm hiệu trưởng sẽ làm hiệu trưởng mãi cho đến khi về hưu (nếu không có vi phạm nghiêm trọng, hoặc làm đơn xin nghỉ) vì hết nhiệm kỳ trường này sang trường khác. Thậm chí, một số hiệu trưởng vi phạm ở trường này sẽ được luân chuyển sang làm hiệu trưởng ở trường khác. Vì thế, ít tạo ra những đột phá và những tiêu cực, hạn chế (có thể) sẽ kéo dài.
Vì sao thi tuyển hiệu trưởng chưa thể áp dụng đại trà cho tất cả các cơ sở giáo dục?
Những năm học vừa qua, đã có một số địa phương thực hiện việc thi tuyển dụng hiệu trưởng các trường công lập nhưng vẫn còn rất nhỏ giọt, mới chỉ dừng lại ở việc thí điểm mà thôi. Hơn nữa, việc những địa phương thực hiện việc thi tuyển vẫn chủ yếu là đối với những người đã nằm trong quy hoạch chức danh này chứ giáo viên đứng lớp không kiêm nhiệm chức vụ gần như chưa có cơ hội thử sức với việc thi tuyển hiệu trưởng.
Bởi lẽ, theo tiêu chí của những tỉnh (thành) đã tổ chức thi tuyển hiệu trưởng thì ngoài yêu cầu về bằng cấp chuyên môn; năm công tác theo quy định cứng thì những người tham gia thi tuyển hiệu trưởng phải có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên; có văn bằng, chứng chỉ quản lý nhà nước về giáo dục…
Trong khi, nếu giáo viên không nằm trong quy hoạch cán bộ nguồn thì sẽ không có cơ hội được cấp có thẩm quyền cử đi học Quản lý giáo dục và tất nhiên không có cơ hội được cử đi học trung cấp chính trị. Vì thế, việc thi tuyển hiệu trưởng ở một số địa phương vừa qua chủ yếu chỉ dành cho các phó hiệu trưởng hoặc các giáo viên đang là cán bộ nguồn (tổ trưởng, chủ tịch công đoàn; bí thư đoàn trường) mà thôi. Nhìn từ thực tế và các tiêu chuẩn cho những những nhà giáo tham gia thi tuyển cho thấy việc tổ chức thi tuyển chức vụ hiệu trưởng nhà trường vẫn là việc xa xôi đối với đa phần các nhà giáo không kiêm nhiệm chức vụ.
Vậy nên, muốn mở rộng được đối tượng thi tuyển hiệu trưởng thì việc đầu tiên phải mềm dẻo hơn với tiêu chí "có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên" và "có văn bằng, chứng chỉ quản lý nhà nước về giáo dục". Nếu không, việc thi tuyển hiệu trưởng vẫn chỉ dừng lại với những đối tượng đã được địa phương quy hoạch và cử đi học các lớp chính trị, quản lý từ trước.
Thiết nghĩ, những nhà giáo có tâm, có tài, hội đủ điều kiện, khả năng đảm trách được chức vụ quản lý nhà trường nhưng còn thiếu 2 loại chứng chỉ này thì cơ quan chức năng có thể chọn và cho họ bổ sung sau khi đã trúng tuyển. Hoặc, chủ trương thi tuyển các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cần được duy trì thường xuyên để những nhà giáo có nguyện vọng trở thành nhà quản lý giáo dục có thời gian chuẩn bị các chứng chỉ chuyên môn cần thiết.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google