Dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa có còn nhiều ý nghĩa?
Để việc chọn sách giáo khoa được minh bạch, khách quan thì đòi hỏi giáo viên phải vững chuyên môn và bảo vệ được chính kiến của mình trước hội đồng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sau khi dự thảo Thông tư này được cơ quan có thẩm quyền ban hành thì việc lựa chọn sách giáo khoa được trao quyền cho giáo viên, nhà trường. Nghĩa là, giáo viên, tổ chuyên môn sẽ có nhiều quyền hơn trong việc lựa chọn sách giáo khoa so với Thông tư hiện hành.
Vấn đề đặt ra là, việc chọn sách giáo khoa theo Thông tư mới có minh bạch, khách quan và tiếng nói giáo viên, nhà trường có được tôn trọng, lắng nghe hay không? Liệu việc lựa chọn lại sách giáo khoa có bất cập, lãng phí hay không?
Giáo viên cần có chính kiến khi lựa chọn sách giáo khoa
Khi Thông tư mới được ban hành thì việc lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT đã được hoàn tất ở các lớp 1, 2, 3, 4 bậc tiểu học, lớp 6, 7, 8 bậc trung học cơ sở và lớp 10, 11 bậc trung học phổ thông.
Như thế, năm học 2025-2026, các nhà trường phổ thông sẽ lựa chọn sách giáo khoa cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12 theo quy định của Thông tư mới.
Dư luận xã hội băn khoăn và đặt vấn đề rằng, khi các nhà trường chọn lại sách giáo khoa thì có thể bộ sách đã được chọn cho các năm học trước đó sẽ bị loại, gây lãng phí, thậm chí lãng phí chồng lãng phí và phụ huynh là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Bên cạnh đó, cũng có luồng ý kiến cho rằng, theo Thông tư mới, việc chọn sách giáo khoa nếu chỉ còn lại ở 3 lớp (lớp 5, 9, 12) thì cũng không còn nhiều ý nghĩa. Nghĩa là, giáo viên có thể sẽ không được chọn lại bộ sách giáo khoa cho các khối lớp khác.
Chia sẻ về việc lựa chọn sách giáo khoa, thầy giáo Phan Anh, giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, ý kiến của các luồng dư luận không phải là không có cơ sở.
"Đầu năm học 2023-2024, khi tham gia họp chuyên môn với chuyên viên một tỉnh nơi tôi đang công tác, một giáo viên đặt câu hỏi, đại ý, năm trước lớp 10 chọn bộ sách A (đang chiếm lĩnh thị trường của địa phương) nhưng năm 11 chuyển sang bộ sách B có được không, thì được vị này khuyên "nên chọn cả 3 năm cho thống nhất".
Tuy vậy, theo tôi, để việc chọn sách giáo khoa được minh bạch, khách quan thì đòi hỏi giáo viên phải vững chuyên môn và bảo vệ được chính kiến của mình trước lãnh đạo nhà trường và trước hội đồng.
Năm học 2022-2023, tổ chuyên môn của tôi chọn bộ sách giáo khoa A theo tinh thần chung (ngầm hiểu) của địa phương. Sau một năm giảng dạy, tôi và các đồng nghiệp nhận thấy bộ sách này không phù hợp với học sinh nên đã đề xuất với hiệu trưởng chọn bộ B cho năm học 2023-2024 và được lãnh đạo chấp nhận", thầy giáo Phan Anh nói thêm.
Dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa có nhiều ưu điểm
Liên quan đến việc lựa chọn sách giáo khoa, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo từng nói với truyền thông rằng: "Trong quá trình rà soát kết quả lựa chọn sách giáo khoa, riêng hai tỉnh Khánh Hòa, Long An có kết quả tổng hợp hơi khác: Toàn tỉnh chỉ chọn duy nhất một bộ sách giáo khoa. Theo tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo Long An về kết quả lựa chọn một bộ sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong năm học 2020-2021, bộ sách được chọn để dạy học tại 100% trường tiểu học của tỉnh này là "Cánh Diều".
Theo văn bản mà tỉnh Khánh Hòa báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, 100% số trường chọn duy nhất bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam".
Điều mà dư luận đang nghi ngại là có "chuyện đi đêm" của các nhà xuất bản hay không? Liệu các nhà xuất bản có đến làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh hay Sở Giáo dục và Đào tạo và hứa hẹn giảm bao nhiêu phần trăm, quyền lợi ra sao nếu trọn gói 100% các trường của địa phương chọn sách giáo khoa của họ?
Về việc lựa chọn sách giáo khoa, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã từng phát biểu: "Cách chọn sách hiện nay thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến nhà trường, giáo viên và điều đó được bắt nguồn từ Thông tư 25 về hướng dẫn chọn sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo".
"Tôi được nhiều ý kiến giáo viên, nhà trường phản ánh ý kiến của họ không được tôn trọng, thậm chí nhiều tổ chuyên môn, nhà trường phải làm lại biên bản chọn sách phù hợp với ý kiến cấp trên".
Vậy nên, ưu điểm lớn nhất của dự thảo Thông tư là việc lựa chọn sách giáo khoa được trao quyền cho giáo viên, nhà trường. Điều này sẽ góp phần hạn chế tối đa việc lựa chọn sách giáo khoa thiếu minh bạch, trong đó có chuyện "đi đêm" như đã đề cập. Giả sử, một nhà xuất bản nào đó muốn "đi đêm" trong việc chọn sách giáo khoa thì cũng sẽ khó hơn trước vì họ phải đến từng trường, và đây không phải là chuyện dễ.
Giáo viên cần chủ động biên soạn giáo trình riêng
Hiện tại có 3 bộ sách giáo khoa được các tỉnh, thành phê duyệt và đều được các nhà trường phổ thông lựa chọn sử dụng là Chân trời sáng tạo, Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống.
Các bộ sách giáo khoa được viết dựa trên khung chương trình của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên việc lựa chọn sách giáo khoa cũng không đến mức căng thẳng, nếu giáo viên và tổ chuyên môn thực sự làm việc nghiêm túc.
Hơn nữa, sách giáo khoa được xem là một tài liệu tham khảo, việc ra đề kiểm tra, đề thi không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa - chẳng hạn môn Ngữ văn - nên mấu chốt nằm ở chỗ đánh giá, khảo thí.
Thầy giáo Phan Anh, giáo viên Ngữ văn tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Tôi đang dạy môn Ngữ văn cả 2 hệ công lập và tư thục, trong đó lớp 10 trường công dạy bộ sách giáo khoa A còn trường tư dạy bộ B. Trong quá trình dạy học, nếu tôi thấy tác phẩm nào đó không phù hợp với học sinh thì tôi chủ động thay bằng một tác phẩm khác tương đương có trong 2 bộ sách kia hoặc lấy từ một nguồn tài liệu khác.
Tôi thấy rằng, mỗi bộ sách giáo khoa đều có những ưu khuyết điểm nhất định, không có bộ nào hoàn hảo cả. Vậy nên, giáo viên cần bám vào chương trình (chứ không phải sách giáo khoa) và dạy học sinh các yêu cầu cần đạt theo quy định là bảo đảm yêu cầu.
Khi đã giảng dạy Chương trình mới quen thuộc, giáo viên giỏi chuyên môn, có bản lĩnh sẽ thoát li sách giáo khoa và tự viết giáo trình cho mình (dựa trên khung chương trình) như các giảng viên đại học thì việc dạy học ở bậc phổ thông mới thành công", thầy giáo Phan Anh nêu quan điểm về chương trình và sách giáo khoa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google