Cần xử lí mạnh tay lãnh đạo trường học để xảy ra lạm thu

Phan Huyền
11:11 - 01/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ban đại diện phụ huynh Trường Trung học cơ sở Tứ Hiệp (Hà Nội) phải trả lại hơn 162 triệu đồng tiền thu quỹ hội phí. Trường tiểu học Hồng Hà (Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng thu chi quỹ lớp 1 lên đến 313 triệu đồng. Hàng loạt vụ việc lạm thu sai phải trả lại phụ huynh cho thấy tình trạng vi phạm nghiêm trọng.

Còn bao nhiêu lớp học, trường học thu quỹ khủng chưa bị bóc trần?

Thu chi quỹ hội cha mẹ học sinh đang vi phạm nghiêm trọng Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT về ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Điểm a, Khoản 1, Điều 10 của Thông tư này nêu rõ: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

Điểm a, b, Khoản 4, Điều 10 Thông tư 55 quy định: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:

Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;

Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Cần xử lí mạnh tay lãnh đạo trường học để xảy ra lạm thu  - Ảnh 2.

Trường tiểu học Hồng Hà thu mỗi phụ huynh 10 triệu đồng đã vi phạm về nguyên tắc tự nguyện quy định trong Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhìn vào bảng chi của lớp 1/2, Trường Tiểu học Hồng Hà, gần 300 triệu đồng đã được chi cho việc sửa chữa phòng học, tiền sơn bàn ghế, lót gạch bên hông…

Ngày 28/9 vừa qua, hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã họp phụ huynh lớp 1/2 và sau đó chi trả tiền thu sai quy định cho phụ huynh với mỗi phụ huynh được trả hơn 9,5 triệu đồng.

Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm đều bị Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh xử lý kỷ luật bằng hình thức phê bình.

Phải chăng, kỷ luật ngọt ngào dẫn đến tình trạng lạm thu ngày càng biến tướng?

Trường Trung học cơ sở Tứ Hiệp (Hà Nội) sau khi trả lại 162 triệu đồng cho phụ huynh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tứ Hiệp bị phê bình.

Tương tự, sau khi sự việc thu quỹ phụ huynh của một lớp lên đến hơn 300 triệu đồng bị dư luận kịch liệt phản đối thì ngay sau đó, nhà trường đã trả lại tiền cho phụ huynh. Giáo viên bị phê bình vì các sai phạm thu chi.

Hiệu trưởng nhà trường bị phê bình vì chưa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà trường, chưa thực hiện đúng quy trình vận động, công tác thu chi quỹ hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh theo đúng quy định.

Hai sự việc lạm thu trầm trọng xảy ra ở 2 địa phương nhưng cách giải quyết của các cơ quan chính quyền lại khá giống nhau theo một công thức: trả lại và nhận phê bình nhắc nhở.

Với hình thức kỷ luật như này, không ít người nói rằng cứ thu chi thoải mái, nếu bị phát hiện sẽ trả lại và nhận án phê bình là xong. Việc xử lí này chỉ như "gãi ngứa". Khi dư luận lắng xuống, việc lạm thu sẽ lại xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Quản lý tài chính trong trường học sẽ càng mập mờ, không tạo ra môi trường học đường văn minh. 

Cần cương quyết xử lý mạnh tay nếu trường học để xảy ra tình trạng lạm thu

Chắc chắn, 2 vụ thu tiền quỹ hội cha mẹ học sinh khủng như trên không phải là cá biệt. Vẫn còn khá nhiều trường học ở nhiều nơi vi phạm điều này, chỉ là chưa được đưa ra công luận.

Cũng vì phụ huynh ít phản ánh, luôn có suy nghĩ nộp cho xong để con yên ổn học tập. Bên cạnh đó, một số trường học có suy nghĩ, thu quỹ trót lọt thì lợi khủng, nếu bị phát hiện cũng chỉ trả lại là xong. Vì những điều này mà nạn lạm thu đầu năm không thể chấm dứt mà ngày càng biến tướng.

Thử đặt giả thiết như sau, khi 2 vụ lạm thu quỹ cha mẹ học sinh vừa qua tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ngoài việc phải trả lại tiền cho phụ huynh, thì tổ chức thanh kiểm tra toàn bộ việc thu chi quỹ hội cha mẹ học sinh vài năm về trước. Đồng thời, cách chức ngay hiệu trưởng nhà trường và đưa sự việc qua cơ quan điều tra khởi tố. Xem xét vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với giáo viên chủ nhiệm (vì thực ra giáo viên cũng chỉ thực hiện lệnh ngầm của hiệu trưởng) và câu kết với ban cha mẹ học sinh.

Đông đảo đội ngũ giáo viên và phụ huynh học sinh đều mong muốn được tạo ra môi trường học tập bình đẳng cho học sinh, con cái mình. Vì sao lại không thể chống lại việc lạm thu sai quy định? cứ để lạm thu kéo dài từ năm này qua năm khác?