Tăng tính thực tiễn trong giảng dạy bộ môn Luật ở các trường đại học

Trần Thị Tú Anh - Khoa Chính trị - Luật, Trường Đại học Hà Tĩnh
06:20 - 05/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong giảng dạy các môn học pháp luật, tính thực tiễn là một tiêu chí, yêu cầu bắt buộc đối với người giảng viên chuyên ngành.

Sự cần thiết tăng tính thực tiễn trong giảng dạy bộ môn Luật ở các trường đại học

Vận dụng nhuần nhuyễn nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tăng tính thực tiễn để luận giải những nội dung của bộ môn sẽ kích thích hưng phấn, phát huy tính sáng tạo của người học trong tiếp thu tri thức về luật. Qua đó củng cố, phát triển nhận thức cho sinh viên về pháp luật, trách nhiệm chấp hành pháp luật và điều chỉnh hành vi chấp hành pháp luật trong hoạt động thực tiễn của họ.

Bộ môn Luật ở các trường đại học trang bị lý luận chung về pháp luật là ngành khoa học thuộc các ngành khoa học xã hội; bao gồm hệ thống các tri thức chung, cơ bản về pháp luật, được hình thành và phát triển trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, có tiếp thu, phát triển tinh hoa trí tuệ của loài người về nhà nước và pháp luật, cũng như những thành tựu nghiên cứu mới của khoa học pháp lý đương đại.

Đối tượng nghiên cứu của lý luận chung của bộ môn Luật là pháp luật - hiện tượng quan trọng và phức tạp trong thượng tầng chính trị - pháp lý của xã hội. Đối tượng nghiên cứu của Lý luận chung về nhà nước và pháp luật là những vấn đề cơ bản sau đây:

Những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất của pháp luật, chẳng hạn, nguồn gốc, đặc trưng, bản chất, chức năng, bộ máy, hình thức, vai trò của nhà nước; nhà nước pháp quyền...; nguồn gốc, đặc trưng, bản chất, chức năng, hình thức, vai trò và giá trị xã hội của pháp luật; hình thức pháp luật, cơ chế điều chỉnh pháp luật...

Những quy luật và những vấn đề có tính quy luật gắn với sự phát sinh, tồn tại và phát triển của nhà nước và pháp luật. Các mối quan hệ, liên hệ cơ bản, điển hình, phổ biến của nhà nước và pháp luật (như giữa nhà nước và cá nhân, nhà nước với pháp luật; nhà nước, pháp luật với các hiện tượng xã hội khác; giữa các bộ phận cấu thành nhà nước, pháp luật...).

Những nguyên tắc, quy tắc, phương pháp, hình thức về tổ chức quyền lực nhà nước; thiết lập trật tự pháp luật và pháp chế; xây dựng và thực hiện pháp luật; những công cụ và giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của nhà nước và pháp luật...

Từ sự trình bày ở trên có thể nhận định rằng, lý luận chung về pháp luật là hệ thống tri thức về những vấn đề chung, cơ bản, quan trọng nhất của nhà nước và pháp luật, về những quy luật phát sinh, tồn tại và phát triển đặc thù của nhà nước và pháp luật, về những mối liên hệ cơ bản, những nguyên tắc, phương pháp, hình thức tổ chức quyền lực nhà nước, xây dựng và thực hiện pháp luật... Theo đó, vấn đề tăng tính thực tiễn trong giảng dạy bộ môn Luật là một yêu cầu cơ bản mà đội ngũ giảng viên chuyên ngành cần quan tâm nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nói chung, chất lượng giảng dạy pháp luật ở các trường đại học nói riêng.

Những năm qua, các khoa lý luận ở trường đại học nói chung và các bộ môn Luật nói riêng đã tích cực quán triệt và triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo; kiên định, kiên trì đổi mới giáo dục, đào tạo theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Chất lượng giáo dục, đào tạo của các nhà trường được giữ vững và có sự chuyển biến tích cực. Giảng viên bộ môn Luật ở các trường đại học ở Việt Nam đã có nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của môn học, đã thường xuyên tìm các giải pháp nâng cao chất lượng môn học, đặc biệt chú trọng việc cụ thể hóa lý luận, đã gắn lý luận với thực tiễn, làm cho chất lượng các môn học pháp luật được giữ vững và nâng cao, nhiều bài giảng hay thu hút được sự quan tâm, chú ý, tích cực học tập của người học. Tuy nhiên, không ít giảng viên mới chỉ trang bị đủ kiến thức cơ bản mà ít đưa các yếu tố thực tiễn vào để phân tích, định hướng tư tưởng và hướng dẫn hành động cho sinh viên. Dẫn đến, nhiều bài giảng thiếu sức sống, không thuyết phục, không theo kịp sự vận động của thực tiễn đang là một hiện tượng khá phổ biến hiện nay. 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đánh giá: "Nội dung chương trình giáo dục và đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành" [1, tr.82], quá trình giảng dạy thiếu ví dụ thực tiễn, làm cho sinh viên không hứng thú, từ đó ngại học, chất lượng môn học không cao, nhiều em phải thi lại, có em thi lại nhiều lần. Về cơ bản, các bài giảng đã tích cực đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp, kết hợp sử dụng các công cụ, phương tiện dạy học hiện đại. Tuy nhiên, do cả khách quan và chủ quan, một số bài giảng chuyên ngành chưa được đầu tư đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục truyền đạt chậm đổi mới, tính thực tiễn trong giảng bài ở một số giảng viên chưa cao; một số bài giảng còn "khô khan, không có hồn", nhạt lý luận, thiếu hơi thở thực tiễn, nhất là thực tiễn chấp hành pháp luật; tính lôgíc về kết cấu và nội dung chưa phù hợp; thông tin trong bài giảng thiếu cập nhật, ít có sự lập luận phân tích thực tiễn; người dạy đưa ra thông tin mà không được luận giải bằng luận cứ, luận chứng; nội dung của một số bài giảng còn có biểu hiện dàn trải, chưa rõ trọng tâm, trọng điểm, "một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ" [1, tr.90-91], nội dung truyền đạt chưa thật sự thuyết phục người học. Những hạn chế này làm cho bài giảng về pháp luật chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa đưa người học vào tình huống có vấn đề để cùng người dạy giải quyết nhiệm vụ học tập, người học xuất hiện tâm lý nhàm chán, thiếu hứng thú khi tiếp nhận tri thức pháp luật, dẫn đến lúng túng khi vận dụng trong thực tiễn. Từ thực trạng này, tăng tính thực tiễn trong giảng dạy bộ môn Luật ở các trường đại học hiện nay cần tập trung vào một số biện pháp cơ bản sau:

Giải pháp tăng tính thực tiễn trong giảng dạy bộ môn Luật ở các trường đại học hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm của các chủ thể trong giảng dạy bộ môn Luật ở các trường đại học

Đội ngũ giảng viên cần có nhận thức sâu sắc về việc thường xuyên phải đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Luật theo hướng tăng tính thực tiễn trong từng nội dung bài giảng, xác định đây là nhiệm vụ, việc làm thường xuyên, liên tục. Cụ thể, Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường cần quan tâm và xác định rõ chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập bộ môn Luật, tăng tính thực tiễn trong giảng dạy các môn học này. Chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch đổi mới, nâng cao chất lượng bài giảng. Đội ngũ cán bộ, giảng viên khoa, bộ môn Luật cần xác định đúng vị trí của mình - chủ thể quyết định chất lượng hoạt động tăng tính thực tiễn trong giảng dạy bộ môn Luật; hiểu sâu, nắm chắc quan điểm, phương châm, nguyên tắc giáo dục và quy chế đào tạo của từng nhà trường.

Lãnh đạo, quản lý các khoa, bộ môn và giảng viên Luật là lực lượng có vai trò quan trọng, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng tính thực tiễn trong các nội dung giảng dạy Luật. Theo đó, cấp ủy, lãnh đạo, quản lý thường xuyên quan tâm giáo dục cho giảng viên hiểu rõ vị trí, vai trò của bộ môn Luật đối với việc hình thành, phát triển và hoàn thiện mô hình con người mới, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xác định rõ yêu cầu trong mỗi bài giảng, hướng tới xây dựng ở sinh viên những nội dung thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng, có nhận thức sâu sắc về đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, tránh sai lầm, mất phương hướng, góp phần hiện thực hóa các quan điểm, đường lối, chính sách trong thực tiễn.

Hai là, thường xuyên đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy bộ môn Luật theo hướng thống nhất giữa lý luận với thực tiễn

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: "Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục Luật theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn" [1, tr.235]. Luật là những nội dung được khái quát, đúc kết từ thực tiễn, luôn bám sát thực tiễn. Do thực tiễn luôn vận động biến đổi, luôn xuất hiện nhiều vấn đề mới đòi hỏi lý luận phải khái quát, luận giải, làm sáng tỏ. Chương trình, nội dung bộ môn Luật cần điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường. Do đó, việc đổi mới chương trình giảng dạy bộ môn Luật phải theo hướng bám sát thực tiễn, gắn với yêu cầu phát triển về phẩm chất, năng lực toàn diện của người học. Nội dung giảng dạy bộ môn Luật cần thiết thực, hướng đến phát triển những phẩm chất chính trị, đạo đức, phương pháp, tác phong công tác của sinh viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công việc. Các nội dung giảng dạy cần có sự liên hệ chặt chẽ với thực tiễn xã hội, thực tiễn nghề nghiệp và sự phát triển của thực tiễn cuộc sống; phải bảo đảm tính vừa toàn diện, vừa chuyên sâu, thiết thực. 

Ba là, nâng cao phẩm chất, năng lực toàn diện của đội ngũ giảng viên chuyên ngành hướng tới tăng tính thực tiễn trong giảng dạy bộ môn Luật

Nâng cao chất lượng công tác giáo dục Luật nói chung, tăng tính thực tiễn trong giảng dạy các môn học này nói riêng, vấn đề xây dựng đội ngũ giảng viên giữ vị trí quan trọng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "Tập trung xây dựng, củng cố, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị, báo cáo viên" [1, tr.236]. Thực tiễn cho thấy, để tăng tính thực tiễn trong các bài giảng Luật, bên cạnh việc thường xuyên đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, cần chú trọng đến xây dựng đội ngũ giảng viên với trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất đạo đức và năng lực nghề nghiệp tốt.

Trong biên soạn bài giảng, cần căn cứ vào nhiệm vụ, đối tượng đào tạo để biên soạn bài, xác định địa điểm, cơ sở vật chất phục vụ cho bài giảng, dự kiến các tình huống sư phạm, chọn các ví dụ thực tiễn phù hợp đối tượng người học; bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn; nội dung phải cập nhật tính thời sự, xây dựng được các tình huống. Đặc biệt, giảng viên cần nắm chắc nội dung các vấn đề giảng, phương pháp giảng cho từng vấn đề, luyện tập kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm phát sinh trong quá trình giảng dạy. 

Trong giảng dạy, giảng viên cần vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực nhằm kích thích tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học; lập luận làm rõ nội dung, kết hợp mở rộng kiến thức và liên hệ với thực tiễn; kết hợp phương pháp truyền thống và hiện đại trong giảng bài, thể hiện rõ tính lý luận, tính tư tưởng, tính thực tiễn và tính sáng tạo. 

Do đó, giảng viên cần kết hợp phương pháp thuyết trình với các phương pháp dạy học tích cực như phương pháp dạy học nêu vấn đề, trao đổi, đối thoại, khắc phục lối dạy "độc thoại", thông báo thông tin một chiều, nặng về lý thuyết, áp đặt thụ động, máy móc lý luận xa rời thực tiễn không phát huy được tính tích cực sáng tạo của người học. Đối với các ví dụ, tình huống thực tiễn sử dụng trong bài giảng, giảng viên phải có sự đầu tư, lựa chọn kỹ lưỡng với yêu cầu về tính điển hình, tính khái quát, mô phạm, mang tính thời sự, phản ánh sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị - xã hội.

Bốn là, tăng cường các hoạt động thực tiễn đối với giảng viên Luật ở các trường đại học

Để tăng tính thực tiễn trong giảng dạy bộ môn Luật, giảng viên cần nắm bắt, am hiểu sâu sắc các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sâu rộng và biết cách sử dụng yếu tố thực tiễn cần thiết, sát đúng để đưa vào nội dung bài giảng một cách phù hợp, làm cho bài giảng sinh động, dễ tiếp cận. Vì vậy, đối với nhà trường cần tạo điều kiện để giảng viên học tập nâng cao trình độ lý luận, mặt khác giúp tích luỹ kiến thức thực tiễn thông qua hoạt động nghiên cứu thực tế ở các địa phương hoặc cơ sở sản xuất, tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị xã hội. Chú trọng mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức giúp các giảng viên chủ động học tập, nghiên cứu các tài liệu chuyên ngành, liên ngành để mở rộng, đào sâu sự hiểu biết tri thức Luật; tăng cường nghiên cứu, trao đổi, thảo luận trong nhóm chuyên môn và vận dụng giải quyết từng vấn đề theo yêu cầu của đổi mới giảng dạy bộ môn Luật. 

Tăng tính thực tiễn trong giảng dạy bộ môn Luật nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường đại học đòi hỏi sự tham gia của nhiều lực lượng có liên quan, riêng với giảng viên giảng dạy bộ môn Luật, trước hết phải nắm đầy đủ, sâu sắc nội dung từng bộ môn được đảm nhiệm, từ đó có sự lựa chọn đúng, vận dụng hiệu quả các phương pháp nhằm gắn lý luận với thực tiễn, thường xuyên, tích cực trải nghiệm để nắm bắt thực tiễn xã hội, không ngừng nghiên cứu thực tế, tìm hiểu các thông tin để bổ sung kinh nghiệm, vốn sống cho bản thân, phục vụ cho quá trình giảng dạy, nghiên cứu ở các nhà trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. C.Mác và Ph.Ăngnghen Toàn tập, tập 3 (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. V.I.Lênin Toàn tập, tập 33 (2005), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 11 (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.