Đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm tạo hứng thú học tập của sinh viên đối với bộ môn Lịch sử Đảng
Làm thế nào để mọi người, trước hểt là sinh viên yêu thích bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiệm vụ đó đặt vào những giảng viên đang và sẽ đứng trên bục giảng.
Hệ thống các môn lý luận chính trị nói chung và môn Lịch sử Đảng Cộng sản nói riêng ở các trường đại học và cao đẳng hiện nay đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện "vừa hồng vừa chuyên" không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có lý tưởng sống cách mạng, trung thành với sự nghiệp lãnh đạo của Đảng và có tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Có thể thấy rằng đặc trưng của bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là bộ môn thuộc khoa học xã hội nhân văn có nhiều sự kiện, hiện tượng, nội dung, số liệu thống kê đòi hỏi sinh viên phải nắm bắt được. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ các bạn sinh viên không chú trọng học tập môn này, tâm lý học môn phụ, học cho qua môn vẫn đang còn tồn tại. Chính vì vậy, muốn sinh viên học tốt bộ môn này người dạy phải gây được hứng thú, yêu thích của người học. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên không chỉ truyền đạt, giảng giải theo các tài liệu trong sách giáo giáo trình hay tài liệu chuẩn... một cách dập khuôn máy móc làm cho sinh viên học tập một cách thụ động. Nếu chỉ dạy như vậy thì việc học tập của sinh viên sẽ diễn ra thật đơn điệu, tẻ nhạt và chắc chắn kết quả học tập sẽ không cao.
Yêu cầu của giáo dục hiện nay đòi hỏi phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, giảng viên có vai trò định hướng còn học sinh là đối tượng chủ động nắm bắt kiến thức. Vậy làm thế nào để mọi người, trước hểt là sinh viên yêu thích bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiệm vụ đó đặt vào những giảng viên đang và sẽ đứng trên bục giảng. Mỗi giảng viên nên tìm tòi những cách thức và biện pháp khác nhau trong giờ học để gây nên được hứng thú học tập cho các em. Để góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm tạo hứng thú của các bạn sinh viên trong quá trình học tập bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
Phương pháp tổ chức trò chơi
Là giáo viên dạy môn này, trong quá trình giảng dạy, tôi nhận thấy việc tổ chức trò chơi trong dạy học có sức hấp dẫn kì lạ, không đơn thuần là phương tiện giải trí bổ ích mà qua đó giúp học sinh dễ hiểu, dễ khắc sâu kiến thức, nắm được một số kĩ năng quan trọng như kĩ năng giao tiếp, kĩ năng vận động nhanh nhẹn, khéo léo, kĩ năng hợp tác, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng ra quyết định, điều đặc biệt hơn cả là qua tổ chức trò chơi sẽ kích thích học sinh học tập, các em sẽ lĩnh hội tri thức lịch sử một cách dễ dàng, củng cố kiến thức một cách vững vàng, tạo niềm say mê, hứng thú hơn trong các giờ học.
Có rất nhiều hình thức tổ chức trò chơi trong giờ học nhưng tùy vào thời gian và điều kiện cụ thể, chúng ta có thể sắp xếp, tổ chức thực hiện sao cho phù hợp. Thông thường hiện nay với quy mô của lớp học, giảng viên chỉ tiến hành giờ dạy mỗi buổi hai tiết, mỗi tiết 50 phút. Vì vậy đối với mỗi trò chơi được tổ chức trong giờ dạy đòi hỏi người giảng viên cần có sự chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng để đảm bảo đúng theo yêu cầu giáo dục bộ môn và phù hợp với điều kiện giảng dạy của nhà trường. Tuy nhiên có những trò chơi, thường là trong những tiết ôn tập, tổng kết hoặc làm bài tập... có nhiều thời gian thì bên cạnh sự chuẩn bị của giảng viên cần có sự tập trung chuẩn bị của sinh viên. Chẳng hạn những trò chơi cần có đội chơi, sau khi chia thành các đội chơi theo nhóm những thành viên có nhiệm vụ tìm hiểu những tư liệu cụ thể hoặc chuẩn bị theo các yêu cầu của giáo viên.
Các dạng trò chơi trong giờ học áp dụng được với môn học Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam rất phong phú và đa dạng như: trò chơi ô chữ, trò chơi trả lời nhanh, trò chơi chiếc nón kỳ diệu, trò chơi đoán ý đồng đội, trò chơi ghi nhớ sự kiện... mỗi trò chơi có tác dụng và ý nghĩa không hoàn toàn giống nhau nhưng đều nhằm mục đích tạo hứng thú cho sinh viên trong học tập để nắm bắt các kiến thức cơ bản, trọng tâm của bài học. Tùy vào thời gian và nội dung của từng bài, từng chương học và giảng viên áp dụng những trò chơi cho thích hợp với mục đích giáo dục
Sử dụng phương pháp trực quan trong quá trình dạy học
Trực quan là một phương pháp giảng dạy mà người dạy sử dụng các phương tiện dạy học tác động trực tiếp đến các cơ quan cảm giác của người học nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình dạy học. Các phương tiện trực quan bao gồm: các vật tượng trưng như: bản đồ, sơ đồ, bảng biểu và các vật tạo hình như: tranh ảnh, phim, tivi, máy tính....Tùy theo nội dung và kiến thức cụ thể mà giảng viên vận dụng phương pháp này sao cho phù hợp với đối tượng nhận thức. Một số hình thức trực quan trong giảng dạy bộ môn Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam như sau:
Thứ nhất, sử dụng đồ dùng trực quan như tranh ảnh, phim... giúp sinh viên nắm vững kiến thức cơ bản
Ví dụ: Khi giảng dạy về bối cảnh lịch sử của nước ta trước khi tiến hành Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) giảng viên có thể sử dụng các thước phim tư liệu chân thật về tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của người dân lúc đó. Qua những thước phim tư liệu đó, sinh viên nắm được tình hình khủng hoảng đất nước, sự lạc hậu của cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp và yêu cầu đổi mới đất nước là cần thiết.
Thứ hai, sử dụng phương pháp trực quan kết hợp với thảo luận nhóm
Giảng viên chia lớp thành các nhóm nhỏ, yêu cầu các nhóm hoàn thành sơ đồ, bảng biểu, lập bảng so sánh... Sau đó các nhóm lên thuyết trình.
Ví dụ: giảng viên chia lớp thành các nhóm phù hợp, sử dụng bảng biểu tổng hợp liệt kê những nội dung lớn, sự kiện lớn diễn ra trong một thời gian dài. Như yêu cầu sinh viên lập bảng biểu về quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc.
Hay các bảng so sánh dùng để đối chiếu, so sánh các sự kiện, các nội dung nhằm làm nổi bật bản chất, đặc trưng của các sự kiện để rút ra kết luận, khái quát có tính chất nguyên lý. Ví dụ: yêu cầu sinh viên lập bảng so sánh thời kỳ cách mạng 1930-1931 và 1936-1939 về mục tiêu, nhiệm vụ, kẻ thù, hình thức đấu tranh, lực lượng...
Đối với câu hỏi hoạt động nhóm có thể là câu hỏi có tính chất khái quát, tổng hợp; để giải quyết vấn đề cần huy động trí tuệ của nhiều sinh viên tham gia góp ý kiến. Phương pháp này giúp sinh viên mở rộng, đào sâu thêm những vấn đề học tập trên cơ sở nhìn nhận vấn đề một cách có suy nghĩ, phân tích có lý lẽ, có dẫn chứng minh họa, phát triển được tư duy khoa học.
Thứ ba, sử dụng máy vi tính
Giúp sinh viên sử dụng các phần mềm dạy học tạo điều kiện cho các em tìm kiếm thông tin, tư liệu, giúp sinh viên học tập một cách tích cực, chủ động
Sử dụng hiệu quả phương pháp dạy học nêu vấn đề
Dạy học nêu vấn đề có ý nghĩa đặc biệt đối với việc hình thành kiến thức trên cơ sở hoạt động tư duy độc lập của người học. Cách dạy học này giúp người học tiếp thu bài học Lịch sử một cách chủ động, hào hứng. Dạy học nêu vấn đề bao gồm các thành tố: Trình bày nêu vấn đề, tình huống có vấn đề và bài tập nêu vấn đề.
1. Trình bày nêu vấn đề
Giảng viên đặt sinh viên trước sự giải quyết một điều mới, điều chưa biết, đồng thời hướng dẫn học sinh độc lập tìm ra vấn đề đó trên cơ sở phần trình bày của giáng viên và những kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo, vốn sống thực tế của các em. Khi trình bày nêu vấn đề, phải đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính Đảng, ngôn ngữ trong sáng..., khơi gợi và quyết định hoạt động tư duy độc lập của người học.
- Tình huống có vấn đề
Tình huống có vấn đề hay tình huống học tập là trạng thái tâm lý xuất hiện khi con người gặp phải tình huống khó khăn giải quyết bằng tri thức đã có, bằng cách thức đã biết không thể được mà đòi hỏi phải lĩnh hội tri thức mới và cách thức hành động mới.
- Có những loại tình huống có vấn đề sau
Tình huống nghịch lý; Tình huống bác bỏ; Tình huống tại sao. Như vậy, để giải quyết các tình huống trên đòi hỏi người học phải vận dụng kiến thức và kĩ năng vốn có đẻ giải quyết vấn đề đặt ra. Người học phải tìm ra được các mối liên hệ đặc biệt là mối liên hệ nhân quả. Tìm ra được nguyên nhân dẫn đến kết quả đó.
Ví dụ khi giảng dạy về thắng lợi của cách mạng tháng Tám, giảng viên có thể nêu ra tình huống: Các học giả phương Tây cho rằng thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám là do ăn may, ý kiến của em là gì? Để giải quyết vấn đề này, sinh viên phải vận dụng kiến thức thực tiễn về quá trình đảng đề ra đường lối cách mạng cho từng giai đoạn, chuẩn bị, lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong điều kiện khi thời cơ cách mạng xuất hiện từ đó bác bỏ luận điểm trên và khẳng định tầm quan trọng quyết định sự thắng lợi của cách mạng là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng
2. Đưa ra bài tập nêu vấn đề (bài tập nhận thức)
Đây là bài tập mà việc độc lập giải quyết nó sẽ dẫn đến chố tạo ra sự hiểu biết mới bằng phương thức giải quyết mới mà trước đó học sinh chưa biết. Việc xây dựng và sử dụng bài tập nêu vấn đề trong dạy học phải nhằm vào mục đích: Tăng cường hoạt động nhận thức tích cực, độc lập thông minh sáng tạo của sinh viên trong việc lĩnh hội kiến thức; giúp học sinh nắm vững, hiểu sâu sắc, đầy đủ hơn hệ thống kiến thức của môn học, bài học; rèn luyện cho sinh viên kỹ năng tư duy, lôgic... bồi dưỡng tư tưởng tình cảm đạo đức nói chung, tinh thần chuyên cần trong lao động học tập, thái độ vượt khó nói riêng.
Kết luận
Đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học các bộ môn lý luận chính trị trong đó có môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của các cấp các ngành. Để tạo nên một môi trường học tập thực sự chất lượng và hiệu quả yêu cầu giảng viên phải thật sự tâm huyết với nghề, đầu tư thiết kế cho mỗi bài giảng để tạo nên sức hấp dẫn của bộ môn từ đó tăng sự hào hứng yêu thích học tập của sinh viên. Muốn làm được như vậy, chúng ta cần áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo và vai trò trung tâm của người học. Để từ đó bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy mục tiêu giáo dục thế hệ trẻ "vừa hồng vừa chuyên" của đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Hải Yến (2016), Nghĩ về các kĩ năng cần thiết trong mục tiêu giáo dục, Tạp chí Dạy và Học ngày nay, số 5, tr 11.
2. Trịnh Đình Tùng - Nguyễn Mạnh Hưởng (2016), Xác định hệ thống năng lực cần hình thành và phát triển cho học sinh trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông, Tạp chí Giáo dục, kì 1/tháng 12.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google