Tăng cường tập huấn kỹ năng sống cho học sinh khi có nguy cơ phát sinh bạo lực với chính mình

Minh Châu
11:36 - 08/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Liên quan đến giải pháp xử lý, ngăn chặn bạo lực học đường, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cần tăng cường tập huấn kỹ năng sống cho học sinh khi có vấn đề nguy cơ phát sinh bạo lực với chính mình…

Tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 8/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội họp phiên cuối cùng và bế mạc Phiên họp Chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của ngành giáo dục

Tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp - đang là một trong những vấn đề nóng nghị trường Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về bạo lực học đường, đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk bày tỏ đồng tình với trả lời của Bộ trưởng về nội dung này liên quan đến những con số bạo lực học đường, những nguyên nhân. Tuy nhiên đại biểu cũng chia sẻ, bình quân mỗi năm học cả nước đã xảy ra hơn 1.500 vụ bạo lực học đường trong và ngoài nhà trường; cứ 5.200 học sinh lại có 1 học sinh đánh nhau…

Đại biểu đề nghị vấn đề này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, trong đó có Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và là trách nhiệm của toàn xã hội, mỗi gia đình để góp phần chấm dứt bạo lực học đường. Về giải pháp, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này.

Tăng cường tập huấn kỹ năng sống cho học sinh khi có nguy cơ phát sinh bạo lực với chính mình - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Trao đổi lại với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vai trò của nhà trường và xã hội trong việc ngăn chặn bạo lực học đường, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum nhận thấy, mặc dù bạo lực học đường là vấn đề mà chúng ta đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn xảy ra với tính chất ngày càng phức tạp hơn.

Chia sẻ với Bộ Giáo dục và Đào tạo vấn đề khách quan trong giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng văn hóa ứng xử đạo đức học đường, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, trong bối cảnh hiện nay có những giá trị văn hóa truyền thống đang bị cạnh tranh, còn những giá trị mới đang hình thành và chưa rõ, chưa được khẳng định. 

Do đó, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, vấn đề này không chỉ của ngành giáo dục mà còn là vấn đề của ngành văn hóa. Ngành văn hóa cần có giải pháp để duy trì, phát huy giá trị văn hóa đạo đức truyền thống, đồng thời định hướng, thúc đẩy, hình thành giá trị văn hóa mới và giải pháp đó như thế nào, đại biểu xin gửi câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tăng cường tập huấn kỹ năng sống cho học sinh khi có nguy cơ phát sinh bạo lực với chính mình - Ảnh 3.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Tập huấn kỹ năng sống cho học sinh khi có vấn đề nguy cơ phát sinh bạo lực với chính mình

Với ý kiến góp ý của đại biểu Tô Văn Tám về vấn đề bạo lực học đường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là ý kiến đúng đắn và sẽ được tiếp thu nghiêm túc.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội liên quan đến giải pháp xử lý, ngăn chặn bạo lực học đường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ cần tăng cường tập huấn kỹ năng sống cho học sinh khi có vấn đề nguy cơ phát sinh bạo lực với chính mình…

Tăng cường tập huấn kỹ năng sống cho học sinh khi có nguy cơ phát sinh bạo lực với chính mình - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng cho giáo viên phụ trách về vấn đề này; bổ sung bố trí vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học đường vào trong các cơ sở giáo dục; tăng cường triển các hoạt động vui chơi, giải trí tích cực, góp phần hạn chế, giảm khả năng phát sinh các vấn đề bạo lực, tiêu cực…

Đồng thời, đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, khâu quan trọng tạo nền tảng gốc rễ để giải quyết được vấn đề này đó là triển khai thật tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển con người, nâng cao nhân cách đạo đức con người Việt Nam...