Khẩn cấp ngăn chặn bạo lực học đường bằng cách nào?

Phan Huyền
13:29 - 21/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Gần đây, chuyện học sinh đánh nhau gây thương tích nặng hoặc dẫn đến tử vong thường xảy ra, mật độ dày hơn. Đáng chú ý những vụ bạo hành học đường diễn ra càng về sau càng hung hãn hơn những vụ trước.

Trong tháng 4/2023, vụ án bạo lực học đường tăng vọt, đã có án mạng  

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip hơn 7 phút ghi lại cảnh nữ sinh bị một nhóm bạn đánh hội đồng. Bạo lực học đường phải chăng đã đến lúc báo động đỏ?

Vụ việc xảy ra ngay trong lớp học. Nữ sinh bị đánh chỉ biết khóc, van xin. Nhiều học sinh khác chứng kiến đã cổ vũ cho hành vi này.

Cũng trong cuối tháng 4 này, một nhóm nữ sinh đã đánh 1 nữ sinh lớp 8 ở Hà Nội phải nhập viện.

Trước những sự việc xảy ra, dư luận bao giờ cũng tập trung mũi nhọn chỉ trích nhà trường và cho rằng để xảy ra sự việc đau lòng như trên hoàn toàn do giáo dục chưa nghiêm, giáo dục đã thất bại…

Rõ ràng, dư luận đau lòng và phẫn nộ, nhà trường phải chịu một phần trách nhiệm khi để xảy ra chuyện bạo hành ngay trong trường, trong lớp.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thật công tâm thì mới có thể ngăn chặn được bạo lực học đường. Công tâm ở chỗ vai trò của gia đình mới thật sự quan trọng, cách giáo dục của gia đình ảnh hưởng nhiều đến tính cách của các học sinh. Thầy cô giáo dù có nỗ lực hết mình dạy dỗ nhưng trẻ em hư là nỗi đau của người lớn, rất khó giúp các em hướng thiện được.

Khẩn cấp ngăn chặn bạo lực học đường bằng cách nào? - Ảnh 2.

Một bức ảnh truyền thông trên mạng xã hội với thông điệp chung tay ngăn chặn bạo lực học đường. Ảnh: Hoàng Tiến Việt

Trong khuôn khổ bài viết này, người viết bài là một giáo viên, sẽ cung cấp đến độc giả một số trường hợp mắt thấy tai nghe để chúng ta cùng nhận diện bạo lực học đường mức độ nguy hại đến đâu. 

Cách hành xử hằng ngày của cha mẹ ảnh hưởng lên con cái, mầm mống của bạo lực học đường

Câu chuyện thứ nhất: cha cầm dao lùa ông nội, con cầm dao lùa cha và bạn bè

Gia đình chị Lan anh Dũng có cậu con trai tên Dương. Chị cưng và nuông chiều con từ nhỏ. Cháu đòi gì được nấy. Nhiều lần cháu hỗn với người lớn, chị Lan không răn dạy con, mà luôn nói: "Nó nhỏ thì biết gì? Lớn lên khắc biết".

Riết rồi, càng lớn Dương càng hư và cũng chẳng ai dám góp ý nữa. Khi Dương vào lớp 6 thường trốn học đi chơi game. Nhà trường thường xuyên gọi điện về cho gia đình nhưng lúc này cha mẹ có khuyên bảo Dương cũng không nghe, còn chửi thề với cả cha mẹ.

Anh Dũng buồn, chán vì thường xuyên bị nhà trường mời họp về việc của con. Gia đình bị làng xóm chê cười con cái hư hỏng. Anh Dũng trở nên thích đi rượu chè thâu đêm. Có lần bất lực với con, anh Dũng đã bạt tai Dương. Thế là cậu bé xông vào ba cào cấu, văng tục thậm chí còn rút dao lùa ba đòi chém.

Làng xóm chứng kiến cảnh ấy chỉ biết thở dài. Nhiều người cho biết: cha nó có lần cầm dao đòi chém ông nội thì nó cũng bắt chước chứ sao.

Cũng có lần đi học, Dương thủ sẵn con dao trong cặp. Mâu thuẫn nhỏ cũng mang ra đòi chém bạn đã bị giám thị bắt gặp mời phụ huynh. Bố Dương bất lực nói với thầy cô: "Tôi chịu thua rồi, nhà trường muốn xử sao thì tùy".

Câu chuyện thứ hai: gia đình không an toàn, con phát triển bất bình thường

Mới học lớp 2 nhưng Hùng nổi tiếng là cậu bé hung hăng, lỳ đòn. Một mình em có thể đánh nhau với dăm ba bạn mà không hề run sợ.

Em có thể lấy bút đâm vào mắt bạn chỉ vì bạn không cho mượn cái thước. Có lần Hùng lấy hòn đá to đập vào đầu bạn chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ trong lúc chơi. Hùng lấy chân đạp túi bụi vào người một em nhỏ tuổi hơn mình hay lấy nón bảo hiểm đánh xối xả vào mặt một học sinh lớn hơn vài tuổi chỉ vì không vừa ý…

Tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình Hùng, chúng tôi được biết ba Hùng có 2 vợ. Mẹ Hùng ở với ba được vài tháng bỏ Hùng lại và đi đâu biệt tích. Hai người anh của Hùng cũng được mệnh danh là "giang hồ số má" ai ai cũng ngại va chạm.

Vì kế mưu sinh, cha Hùng đi làm suốt ngày. Ngoài giờ lên trường Hùng đi lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm với đủ trò ăn xin, ăn cắp rồi lại vào tiệm game online ngồi thâu đêm suốt sáng mới về.

Hùng thường xuyên gây gổ đánh nhau. Ba Hùng phải thốt lên với nhà trường là tôi không dạy nó được nữa rồi. Như vậy thì giáo viên có dạy nổi không?

Câu chuyện thứ ba: "con tao là con cầu con khẩn, ông thách đứa nào đụng đến nó?"

Cậu học trò tên Bách thường xuyên vi phạm nội quy. Bách mới học lớp 3 nhưng đã thủ sẵn con dao trong cặp. Có lần, giáo viên phát hiện đã mời phụ huynh lên trao đổi. Tưởng gia đình sẽ rày la em nhưng giáo viên bất ngờ bị chất vấn.

Ông bố Bách lớn tiếng chỉ mặt cô: "Nó bỏ dao trong cặp chứ đã đâm đứa nào chưa mà cô làm lớn chuyện? Nó bỏ trong cặp để phòng thân không được hay sao?".

Nói rồi, vị phụ huynh còn hăm dọa: "Nó là con cầu con khẩn, ông thách đứa nào đụng đến nó".

Được thể, Bách thường xuyên cà khịa và hành hung bạn. Mỗi lần thế, giáo viên chỉ dám nói chuyện khuyên bảo nhẹ nhàng nhưng cũng chẳng ăn thua.

Giáo viên tìm hiểu biết được ông bố Bách là dân chuyên đi đòi nợ thuê. Bởi thế, ai cũng thấy e dè với lời tuyên bố ấy nên cũng chẳng ai dám nói gì nữa.

Giáo viên cũng bất lực với học sinh vì không còn chung quan điểm dạy dỗ trẻ với gia đình. Gia đình lại hung hãn nữa, nên giáo viên cũng ngại. 

Công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, tôi nhận thấy trước đây, chuyện học sinh đánh nhau gây thương tích nhẹ trong trường học xảy ra khá ít chứ nói gì đến đâm chém nhau dẫn đến tử vong.

Đó là khi gia đình cho con đi học là trông cậy thầy cô có quyền giáo dục. Tâm lý "trăm sự nhờ thầy cô chỉ bảo" của gia đình khiến học trò sợ thầy cô giáo một phép.

Có em bị giáo viên phạt ở trường về nhà không dám mách ba mẹ vì sợ bị truy vấn vì sao bị phạt. Nhiều khi nghe chuyện xong, cha mẹ lại phạt nhiều hơn.

Ngày nay, có không ít phụ huynh vừa nghe con nói bị thầy cô phạt ở lớp mà chưa hiểu đầu cua tai nheo gì đã lớn tiếng trước mặt con theo kiểu cô (thầy) mày dám nói thế à? Để mai tao lên cho một trận. Rồi có khi lên trường nạt nộ thầy cô trước mặt học trò. Thế là không còn trẻ nào sợ thầy cô giáo nữa. Thầy cô nói cũng chẳng nghe, trốn học đi chơi game, không làm bài tập...

Khẩn cấp ngăn chặn bạo lực học đường bằng nhiều cách

Thứ nhất, con cái gần như là bản sao của cha mẹ. Muốn con cái chăm ngoan, lễ phép cha mẹ phải luôn là tấm gương sáng để con noi theo.

Thứ hai, thực hiện tốt câu nói "dạy con từ thuở còn thơ". Khi con cái đến trường, cha mẹ hãy để giáo viên có quyền răn dạy các em, đừng can thiệp quá sâu. Khi giáo viên được phụ huynh ủng hộ chắc chắn các em sẽ biết tôn trọng và nghe lời thầy cô hơn.

Gia đình và nhà trường cần có sợi dây liên kết để cùng phối hợp giáo dục. Thầy cô và cha mẹ cần thông báo cho nhau những biểu hiện về hành vi cả mặt ưu và khuyết của các con để động viên khuyến khích cũng như uốn nắn kịp thời.

Thứ ba, về phía trường học phát huy hiệu quả của phòng tư vấn tâm lý học sinh. Những giáo viên được giao trọng trách phải là những thầy cô giáo có tâm, nhiệt tình và có kỹ năng giao tiếp.

Được thế, những thầy cô giáo này mới tiếp cận được những học sinh cá biệt. Giáo viên mới áp sát được học sinh đang gặp rắc rối về tâm lý, đang lâm hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ kịp thời. Họ sẽ góp phần ngăn chặn những tư tưởng bạo lực vừa mới manh nha.

Thứ tư, ngành giáo dục cần có quy định xử phạt thật nghiêm khắc những trường hợp học sinh cố tình vi phạm nội quy nhà trường. Đặc biệt là đối với những học sinh có biểu hiện gom bè phái, tập hợp hội nhóm lêu lổng, hay dùng bạo lực với bạn. Bởi trong thực tế, có những học sinh không thích hợp với việc giáo dục mật ngọt mà cần được áp dụng luật để uốn nắn, đưa về thái độ phù hợp. 

Có như vậy mới làm gương cho những học sinh khác. Và giáo viên có cơ hội dập tắt được những suy nghĩ bạo lực dù mới manh nha trong đầu những đứa trẻ.