Bạo lực tâm lý là "tảng băng chìm" rất nguy hiểm
Không ít người cho rằng trẻ đánh nhau, bạo hành về thể xác mới là bạo lực học đường. Thực tế không phải vậy. Bạo lực học đường "ẩn mình" dưới nhiều cách thức khác nhau, trong đó bạo lực tâm lý là "tảng băng chìm" nhưng rất nguy hiểm.
Vụ việc mới đây tại Thành phố Vinh (Nghệ An), một nữ sinh trung học phổ thông tự tử nghi do bạo lực học đường khiến gia đình và nhiều người vô cùng bàng hoàng. Gia đình cho biết, trước đó con gái nhiều lần tâm sự với mẹ về việc không muốn đi học và chính mẹ của nữ sinh này cũng đến xin cho con được chuyển lớp nhưng chưa được nhà trường đồng ý. Người mẹ cũng cho biết, nguyên nhân khiến con gái không muốn đi học là do bị tách khỏi nhóm bạn ở lớp và bị cô lập.
Trước sự việc trên, Thạc sĩ, Bác sĩ Thiều Thị Huyền Nhung – nguyên bác sĩ khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Vấn đề bạo lực học đường, rối loạn tâm lý ở trẻ vị thành niên đang diễn ra ngày càng phổ biến. Thực tế việc trẻ vị thành niên tự tử giờ đây không phải là chuyện hiếm gặp. Một nghiên cứu tại Úc chỉ ra rằng, có 20% số trẻ bị trầm cảm, rối loạn tâm lý tự tử. Tại Việt Nam, những năm qua cũng đã xảy ra không ít sự việc đau lòng, thậm chí trẻ tự tử ngay trước mặt phụ huynh.
Bạo lực học đường "ẩn mình" dưới nhiều cách thức khác nhau
Về vấn đề bạo lực học đường, bác sĩ Huyền Nhung phân tích, hiện không ít người cho rằng trẻ đánh nhau, bạo hành về thể xác mới là bạo lực học đường. Thực tế không phải vậy, bạo lực học đường "ẩn mình" dưới nhiều cách thức khác nhau, trong đó bạo lực tâm lý là "tảng băng chìm" nhưng rất nguy hiểm.
Ví dụ như trường hợp nữ sinh nói trên, vì bị cô lập, tách khỏi nhóm bạn từ đó dẫn tới suy nghĩ tiêu cực là không muốn đi học. "Với những trường hợp này, thay vì tìm cách chuyển trường, chuyển lớp cho con thì cha mẹ nên hướng dẫn con ứng phó với vấn đề mình gặp phải, từ đó trẻ tìm ra cách giải quyết để thoát khỏi sang chấn tâm lý, lo âu trầm cảm".
Quá trình thăm khám, bác sĩ Huyền Nhung cũng đã từng gặp một nữ sinh bị các bạn cô lập, không ai chơi cùng vì có thân hình mập mạp. Ngoài bị cô lập, nữ sinh còn bị các bạn viết giấy gửi những lời trêu chọc quá đáng, hoặc nói thẳng vào mặt với những lời miệt thị. Khi bị như vậy, nữ sinh đã "bật lại" các bạn cũng bằng lời nói khó nghe, khiến cho sự cô lập ngày càng gia tăng.
Kết quả nữ sinh này chán nản, muốn bỏ học, bị sang chấn tâm lý… May mắn bố mẹ đã phát hiện, kịp thời đưa em đến gặp bác sĩ khám và điều trị nên không để lại hậu quả đau lòng. Bởi trong quá trình thăm khám, chính nữ sinh này thổ lộ "đã từng nghĩ đến ý định tự tử".
Gia đình là cốt lõi trong giải quyết vấn đề
Để giải quyết vấn đề học sinh bị cô lập tại trường lớp, bác sĩ Huyền Nhung cho rằng cha mẹ cần phải tìm hiểu lý do vì sao con mình bị các bạn cô lập, có vấn đề gì trong giao tiếp và hòa nhập hay không?
Muốn biết được điều này, cha mẹ cần chú ý quan sát và nhận ra những bất thường của con. Nên dành nhiều thời gian trò chuyện với con, quan sát diễn biến tâm lý của con để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều gia đình đang xem nhẹ và bỏ qua vấn đề này. Nhiều cha mẹ nhận thấy có sự bất thường trong tâm lý của trẻ nhưng lại bỏ qua, chỉ đến khi xảy ra hậu quả mới cuống cuồng tìm cách giải quyết.
Với kinh nghiệm nhiều năm thăm khám và điều trị cho trẻ vị thành niên bị bạo lực học đường, rối loạn tâm lý, bác sĩ Thiều Thị Huyền Nhung cho rằng: Nguyên nhân thường xuất phát từ chính nội tại gia đình. Đầu tiên, đó chính những mâu thuẫn xảy ra trong gia đình như bố mẹ đánh nhau, cãi nhau hoặc gia đình quá nghiêm khắc với con. Thứ hai, là xuất phát từ chính bản thân đứa trẻ, vì nhiều gia đình rất tốt nhưng trẻ có nhân cách yếu, suy nghĩ hoặc lo lắng quá mức, sống thu mình, ngại giao tiếp và dễ bị các bạn bắt nạt, trêu chọc. Thứ ba, những sang chấn tâm lý trẻ gặp phải như thay đổi môi trường sống, chuyển trường, mất người thân… cũng khiến trẻ ngại giao tiếp.
Ngoài những vấn đề trên, một phần nguyên nhân có thể đến từ trường học, đó là sự thiên vị của thầy cô giáo, sự trù dập trong học tập. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân xuất phát từ nhóm này thường trẻ sẽ lập tức chia sẻ với phụ huynh.
Từ những phân tích trên, bác sĩ Huyền Nhung cho rằng khi con gặp vấn đề về tâm lý, bạo lực học đường thì bố mẹ cần nhìn nhận nguyên nhân trong chính gia đình mình trước, kết nối với nhà trường để nắm bắt tình hình của con, chứ không nên đổ lỗi ngay cho cô giáo hay nhà trường.
"Một lớp học có khoảng 35-40 học sinh, cô giáo chủ nhiệm không thể nắm bắt được từng vấn đề nhỏ của các học sinh. Còn một gia đình chỉ có 1-2 cháu nên việc phát hiện những bất thường về tâm sinh lý trẻ là rất dễ dàng. Thế nhưng, điều đáng buồn là khi có sự việc xảy ra đa số các gia đình lại đổ lỗi cho nhà trường, chứ không nhận lỗi về mình", bác sĩ Nhung nhìn nhận.
Lấy ví dụ cụ thể về một ca bệnh mình từng thăm khám, bác sĩ Nhung dẫn chứng, đó là một nam sinh 12 tuổi bị rối loạn tâm lý, học hành giảm sút, tự cô lập mình vì bố mẹ suốt ngày cãi nhau, thậm chí bạo lực gia đình xảy ra ngay trước mặt con. Từ đó, dẫn tới việc con chán nản, nghĩ rằng học tập cũng chẳng để làm gì và tìm đến chất gây nghiện, tự cô lập mình và muốn kết thúc cuộc đời vì nghĩ rằng cuộc sống này vô nghĩa.
Hay như trường hợp khác, bố mẹ không quan tâm đến con, mải làm ăn kiếm tiền để con một mình làm bạn với các thiết bị điện tử. Đến khi con nghiện mạng xã hội, nghiện game mới áp dụng hình thức cấm đoán đột ngột, dẫn tới trẻ bị sang chấn tâm lý, rơi vào trầm cảm, cho rằng mình không được tôn trọng, rồi muốn kết thúc cuộc đời.
Làm sao để phát hiện "nỗi niềm" của trẻ và hướng giải quyết bạo lực học đường
Bác sĩ Huyền Nhung cho rằng, một đứa trẻ bị rối loạn tâm lý thường rất dễ nhận biết qua các biểu hiện cụ thể, chẳng qua phụ huynh không để ý hoặc cho rằng đó là điều lặt vặt nên không coi trọng.
Cụ thể, những dấu hiệu cần phải đặc biệt chú ý là: Ngại giao tiếp; lười vận động; ở một mình; hay nói những điều tiêu cực; chống đối, bướng bỉnh với bố mẹ; bỏ ăn hoặc không ăn; học hành giảm sút; nghiện chơi điện thoại…
Khi thấy con gặp những dấu hiệu trên, bố mẹ trước hết cần gần gũi, làm bạn với con, sẵn sàng nghe con tâm sự để có tư vấn, tháo gỡ vấn đề cùng con.
"Ngay bản thân bố mẹ không làm bạn được với con, không nói chuyện được với con, không hiểu con thì làm sao có thể đổ lỗi cho cô giáo, nhà trường. Có thể, bố mẹ không đầy đủ kiến thức, kỹ năng để can thiệp, khi đó cần đưa con đến bác sĩ, nhà tâm lý để tìm cách giải quyết. Nhưng trước khi làm điều đó thì bố mẹ cần phải hiểu con và nhận ra những bất thường của con", bác sĩ Huyền Nhung nhấn mạnh.
Ngoài gia đình, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cũng cần phải có những sự can thiệp, điều chỉnh kịp thời để ngăn chặn từ "mầm mống" những nguy cơ bạo lực học đường; bởi ở lứa tuổi vị thành niên, đôi khi mâu thuẫn chỉ xuất phát từ đốm lửa nhỏ cũng rất dễ bùng phát thành đám cháy lớn, nếu không được dập tắt kịp thời.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google