Sự hình thành siêu lục địa có thể khiến động vật có vú bị tuyệt chủng trong 250 triệu năm tới

Hồng Ngọc
09:09 - 27/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo một nghiên cứu mới, khí hậu cực đoan dẫn đến sự hình thành siêu lục địa có khả năng khiến phần lớn các loài động vật có vú trên cạn, bao gồm cả con người tuyệt chủng trong 250 triệu năm tới.

Mass  - Ảnh 1.

Theo một nghiên cứu mới, sự hình thành siêu lục địa trên Trái đất có thể quét sạch con người và bất kỳ loài động vật có vú nào khác vẫn còn tồn tại trong vòng 250 triệu năm tới. Ảnh: ScitechDaily

Nhiệt độ, bức xạ cực cao, nguồn thức ăn cạn kiệt do sự hình thành siêu lục địa có thể gây ra tuyệt chủng hàng loạt

Theo một nghiên cứu mới được công bố ngày 25/9/2023 trên tạp chí Nature Geoscience, do Đại học Bristol (Vương quốc Anh) dẫn đầu, nhiệt độ Trái đất sẽ tiếp tục tăng lên mức cực đoan, siêu lục địa hình thành dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt tiếp theo kể từ khi khủng long biến mất, "quét sạch" gần như tất cả các loài động vật có vú.

Đây là nỗ lực đầu tiên nhằm mô hình hóa mức độ khắc nghiệt của khí hậu khi tất cả các lục địa hiện tại hợp nhất lại với nhau tạo thành một siêu lục địa siêu khô và siêu nóng - được gọi là Pangea Ultima - trong 250 triệu năm tới.

Nghiên cứu dự báo nhiệt độ trên Trái đất sẽ tiếp tục tăng khi mặt trời già hơn, phát ra nhiều bức xạ hơn, các sa mạc nội địa ở vùng nhiệt đới cũng mở rộng diện tích. Các quá trình kiến tạo xảy ra ở lớp vỏ Trái đất, dẫn đến sự hình thành siêu lục địa cũng như các vụ phun trào núi lửa thường xuyên hơn, tạo ra lượng khí carbon dioxide khổng lồ thải vào khí quyển, khiến hành tinh của chúng ta càng nóng hơn.

Động vật có vú, bao gồm cả con người, đã tồn tại trong lịch sử nhờ khả năng thích nghi với các điều kiện thời tiết giá lạnh thông qua các khả năng thích nghi như lớp lông dày hay ngủ đông.

Tuy nhiên, với khả năng thích ứng với nhiệt độ cao phát triển khá chậm, động vật có vú sẽ phải đối mặt với những thách thức khủng khiếp trong kỷ nguyên siêu lục địa Pangea Ultima.

siêu lục địa

Trong vòng 250 triệu năm tới, siêu lục địa mới hình thành có thể làm tăng nhiệt độ toàn cầu lên mức chưa từng thấy kể từ kỷ Permi Trias (260 triệu năm trước), khi hơn 90% loài bị tiêu diệt. Ảnh: Dmitry Rukhlenko/Alamy

Tiến sĩ Alexander Farnsworth tại Đại học Bristol, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Siêu lục địa mới sẽ tạo ra 3 thách thức cùng lúc, bao gồm hiệu ứng siêu lục địa, lượng khí carbon dioxide nhiều hơn trong khí quyển, nhiệt độ tiếp tục tăng cao. Kết quả là tạo một môi trường vô cùng khắc nghiệt, thiếu nguồn thức ăn và nước uống cho động vật có vú. Nhiệt độ phổ biến từ 40 đến 50 độ C (thậm chí mức nhiệt cao nhất hàng ngày còn cực đoan hơn), cộng với độ ẩm cao, cuối cùng, con người và nhiều loài khác sẽ chết do không thể tỏa nhiệt qua mồ hôi và làm mát cơ thể".

Mặc dù biến đổi khí hậu do con người gây ra và sự nóng lên toàn cầu là một trong những nguyên nhân gây ra căng thẳng nhiệt độ và nhiều ca tử vong ở một số khu vực, nhưng hành tinh này vẫn có thể sinh sống được cho đến khi cấu tạo địa chấn thay đổi trong tương lai xa. Khi siêu lục địa hình thành, theo nghiên cứu, chỉ khoảng 8-16% diện tích đất liền là nơi động vật có vú có thể sinh sống.

Viễn cảnh về siêu lục địa và thảm họa tuyệt chủng là một lời nhắc nhở nghiêm túc

Tiến sĩ Alexander Farnsworth nhấn mạnh, viễn cảnh về một thảm họa tuyệt chủng là một lời nhắc nhở nghiêm túc: "Trái đất có một môi trường rất dễ thay đổi. Con người đang là loài thống trị nhưng Trái đất và khí hậu sẽ quyết định điều đó kéo dài bao lâu. Điều gì xảy ra sau đó thì ai cũng đoán được. Loài chiếm ưu thế có thể là một loài hoàn toàn mới".

Đồng tác giả, Tiến sĩ Eunice Lo tại Đại học Bristol cho biết: "Điều cực kỳ quan trọng là không được bỏ qua cuộc khủng hoảng khí hậu hiện tại, vốn là kết quả của việc con người phát thải khí nhà kính. Trong khi chúng ta dự đoán một hành tinh không thể ở được trong 250 triệu năm nữa, thì ngày nay chúng ta đang phải hứng chịu sức nóng cực độ gây bất lợi cho sức khỏe con người. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải đạt được mức phát thải ròng bằng 0 càng sớm càng tốt".

Các tác giả của nghiên cứu cho biết, dự báo của họ có mức độ không chắc chắn cao do khung thời gian cực dài, nhưng họ hy vọng cảnh báo về siêu lục địa sẽ cung cấp những hiểu biết hữu ích về các cuộc tuyệt chủng hàng loạt trong quá khứ và khả năng sự sống tồn tại ở những hành tinh khác.

Cho đến nay, khi các nhà thiên văn học nghiên cứu các thiên hà xa xôi để tìm các hành tinh con người có thể sinh sống được, họ chủ yếu xem xét khoảng cách tới mặt trời gần nhất và sự xuất hiện của nước. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng kiến tạo (các quá trình chi phối cấu trúc và đặc điểm của lớp vỏ hành tinh và sự tiến hóa của nó theo thời gian) cũng là một yếu tố quan trọng quyết định khí hậu của một hành tinh.

Tiến sĩ Farnsworth cho biết: "Nếu NASA chỉ có thể gửi một tàu con thoi đến một hành tinh duy nhất thì tôi sẽ chọn hành tinh không có siêu lục địa. Tốt hơn là nên có nhiều lục địa rải rác xung quanh, như trên Trái đất hiện nay".

Kỳ đại tuyệt chủng lớn nhất trên Trái đất là Permian Trias, xảy ra khoảng 250 triệu năm trước và kéo dài hơn 60.000 năm, khiến 97% các loài (để lại hóa thạch) biến mất vĩnh viễn.

Một vụ phun trào núi lửa lớn giải phóng các chất hóa học đã tước bỏ tầng ozone của Trái đất, khiến các sinh vật sống tiếp xúc với bức xạ chết người của Mặt trời, được cho là đã gây ra cuộc tuyệt chủng hàng loạt Permi Trias.

Sự kiện này ảnh hưởng sâu sắc nhất đến hệ sinh thái của hành tinh chúng ta. Tất cả sự sống trên Trái đất ngày nay chỉ là nguồn gốc của khoảng 10% động vật, thực vật và vi sinh vật sống sót sau cuộc đại tuyệt chủng Permi Trias.


Nguồn: ScitechDaily, The Guardian