Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng cực đoan: Mưa dữ dội hơn, nắng nóng, hạn hán cũng khắc nghiệt hơn

Hồng Ngọc
18:14 - 04/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Biến đổi khí hậu đang gây ra những thay đổi đáng báo động về thời tiết cực đoan (như mưa, bão, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán,...) ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

Biến đổi khí hậu làm tăng lượng mưa trên khắp thế giới

Biến đổi khí hậu là nguyên nhân sâu xa nhất gây nên các tình hình thời tiết cực đoan trên Trái đất. Những tác động của con người như phá rừng, khai thác khoáng sản, mở rộng khu dân cư,... gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính,... đều khiến nhiệt độ Trái đất tăng cao, làm ấm tầng khí quyển, nước biển dâng. Một số khu vực ngày càng dễ xảy ra thời tiết cực đoan như mưa, bão và lũ lụt bất ngờ.

Theo Hiệp hội Đại học Nghiên cứu Khí quyển (UCRA) có trụ sở tại Mỹ, khí hậu nóng lên đang gây ra những thay đổi về thời tiết ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Đặc biệt, nó đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn những gì chúng ta từng thấy trong quá khứ. Những hiện tượng thời tiết cực đoan này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người, hạn chế khả năng tiếp cận nước uống sạch, thực phẩm và nơi ở và thách thức khả năng chống chọi với thời tiết cực đoan của con người.

Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng cực đoan: Mưa dữ dội hơn, nắng nóng, hạn hán cũng khắc nghiệt hơn - Ảnh 1.

Lũ lụt tại Philippines sau cơn bão Doksuri vào ngày 29/7/2023. Ảnh: Earvin Perias/AFP/Getty Images

Với lượng bốc hơi nhiều hơn, có nhiều nước trong không khí hơn nên các cơn bão có thể tạo ra các trận mưa dữ dội hơn ở một số khu vực. Điều này có thể gây ra lũ lụt - một nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe con người. Nước trên bề mặt đại dương ấm hơn có thể tăng cường các trận cuồng phong và bão nhiệt đới, dẫn đến các điều kiện nguy hiểm hơn khi những cơn bão này đổ bộ vào đất liền. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu xem biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào đến số lượng các cơn bão này, tuy nhiên, họ cảnh báo, các cơn bão sẽ rất mạnh và có sức tàn phá lớn trong tương lai.

Tháng 8/2022, sau khi lũ lụt khiến 1.700 người thiệt mạng và 8 triệu người phải sơ tán ở Pakistan, các nhà nghiên cứu tại World Weather Attribution đã tính toán rằng biến đổi khí hậu khiến lượng mưa trở nên dữ dội hơn 75%. Khi cơn bão Ian đổ bộ vào Cuba và Florida (Mỹ) 1 tháng sau đó, các nhà nghiên cứu ước tính rằng biến đổi khí hậu khiến lượng mưa tăng hơn 10%.

Từ đầu năm đến nay, lũ lụt do mưa đã tấn công các khu vực bao gồm Ấn Độ, Philippines và California, Vermont ở Mỹ.

Ngày 2/8/2023, Trạm Thủy văn Bắc Kinh của Trung Quốc thông báo ghi nhận lượng mưa lớn chưa từng thấy trong 140 năm qua khi mưa liên tục trút xuống thủ đô nước này trong những ngày gần đây do ảnh hưởng của cơn bão Doksuri.

Lượng mưa tối đa đo được tại hồ chứa Wangjiayuan ở quận Xương Bình, thủ đô Bắc Kinh là 744,8mm, mức cao nhất trong 140 năm kể từ khi cơ quan trên bắt đầu thu thập các số liệu thống kê.

Bão Doksuri đã quét qua phía Bắc Trung Quốc sau khi đổ bộ tỉnh Phúc Kiến ở miền Nam nước này hồi tuần trước. Kể từ ngày 29/7, mưa lớn bắt đầu trút xuống thủ đô và các khu vực lân cận, với lượng mưa đo được trong vòng 40 giờ gần bằng lượng mưa trung bình của cả tháng 7 tại đây.

Theo Bloomberg, Tiến sĩ Anthony J. Broccoli - chuyên gia khoa học khí quyển tại Đại học Rutgers và đồng Giám đốc Viện Khí hậu Rutgers (Mỹ) cho biết: "Bầu khí quyển giữ thêm 7% hơi nước cho mỗi 1 độ C tăng lên. Cho đến nay, Trái đất đã nóng lên khoảng 1,3 độ C. Tổ chức Climate Action Tracker đã dự đoán nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,7 độ C vào năm 2100".

Tiến sĩ Broccoli cho biết, việc hiểu chính xác cách thức nước bốc hơi trong khí quyển và lượng mưa tiếp theo sẽ được phân phối vẫn còn khó nắm bắt, bởi vì các mô hình khí tượng "không hoạt động tốt trong việc dự báo những thay đổi về lượng mưa" khi nhiệt độ thay đổi.

Những mô hình đó dựa trên cả hồ sơ thời tiết từ những năm 1800 và dữ liệu khí hậu cổ - thông tin thu thập được từ các nguồn địa chất và môi trường trong quá khứ như mẫu lõi băng và vòng cây, để tái tạo lại điều kiện khí hậu và khí quyển cổ đại của Trái đất.

Lượng dữ liệu phong phú đó cho thấy sự nhất quán tương đối về nhiệt độ trung bình toàn cầu, nhưng sự thay đổi đáng kể về lượng mưa khiến cho việc phân tích vai trò của biến đổi khí hậu đối với lượng mưa trở nên khó khăn hơn.

Tiến sĩ Upmanu Lall - Giám đốc Trung tâm Nước tại Đại học Columbia (Mỹ), đồng thời là người dẫn đầu Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia (NCA) năm 2018 cho biết, khi khí hậu ấm lên, không khí bốc lên chứa nhiều nước hơn và có thể tạo ra lượng mưa lớn khi chạm tới tầng khí quyển phía trên và những tình huống này rất dễ dẫn đến lũ quét. Cường độ mưa trung bình trên Trái đất đã tăng lên rất nhiều trong 20, 30 năm qua.

Biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân khiến nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng hơn

Không chỉ làm tăng mưa bão, biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân khiến các đợt nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng trở nên phổ biến hơn ở nhiều khu vực trên thế giới.

Theo USA Today, nghiên cứu do Climate Central (một tổ chức khoa học khí hậu có trụ sở tại bang New Jersey, Mỹ) mới được công bố ngày 2/8 cho thấy, đợt nắng nóng dữ dội trong tháng 7 vừa qua đã thiêu đốt nhiều nơi trên hành tinh, ảnh hưởng hơn 6,5 tỉ người trên khắp Trái đất (tức 81% dân số toàn cầu).

Tháng 7 đã chứng kiến những đợt nắng nóng kỷ lục trên khắp Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu. Đợt nóng này được ghi nhận là nóng nhất lịch sử địa cầu, đã gây ra loạt trận cháy rừng nghiêm trọng ở miền Nam châu Âu và Canada.

Theo nghiên cứu, tần suất và cường độ ngày càng tăng của những sự cố tàn khốc này chính là hậu quả của việc thải khí CO2 ra môi trường, chủ yếu từ việc đốt than, dầu và khí tự nhiên. Hầu như không nơi nào trên Trái đất thoát khỏi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vào tháng 7 vừa qua.

Bên cạnh đó, nhiệt độ nóng hơn khiến lượng nước bốc hơi nhiều hơn, biến nước thành hơi trong không khí và gây ra hạn hán nghiêm trọng ở một số khu vực trên thế giới. Những nơi dễ bị hạn hán dự kiến sẽ còn trở nên khô hạn hơn trong thế kỷ tới.