Thế giới cần chuẩn bị cho những kịch bản khí hậu cực đoan nhất

PV
15:44 - 04/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các nhà nghiên cứu dự báo những khu vực nhiệt độ cực cao (trung bình hàng năm trên 29 độ C) có thể ảnh hưởng đời sống của 2 tỉ người vào năm 2070.

Lập kế hoạch cho những kịch bản khí hậu với cấp độ nghiêm trọng tăng dần

Mới đây, các nhà khoa học đã công bố một nghiên cứu khí hậu mới, qua đó kêu gọi thế giới chuẩn bị cho các kịch bản khí hậu cực đoan nhất, để hiểu hơn và lập kế hoạch ứng phó với những tác động thảm khốc có thể xảy ra của do hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Các mô hình khí hậu hiện đại với khả năng đưa ra dự đoán về mức độ ấm lên toàn cầu - dựa trên lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đang ngày càng trở nên tinh xảo, giúp cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách quỹ đạo chính xác về sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Thế giới cần chuẩn bị cho những kịch bản khí hậu cực đoan nhất - Ảnh 1.

Hạn hán ở Somalia, châu Phi.
Ảnh: AfricaNews

Tuy nhiên, giới khoa học lại chưa tìm hiểu sâu về hậu quả của các hiện tượng cụ thể, như mất mùa và thiệt hại về cơ sở hạ tầng do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt. Đáng chú ý, mức độ ảnh hưởng của các hiện tượng này thường tăng dần, tương đương với mỗi mức tăng nhiệt độ.

Các nhà khoa học tại Đại học Cambridge (Anh) và Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (PIK) đã cân nhắc những lỗ hổng trong kiến thức liên quan các kịch bản khí hậu, theo đó đề xuất một chương trình nghiên cứu quốc tế để giúp các chính phủ lập kế hoạch cho những kịch bản khí hậu với cấp độ nghiêm trọng tăng dần.

Nghiên cứu đề ra 4 vấn đề chính cần được quan tâm liên quan biến đổi khí hậu, bao gồm nạn đói và suy dinh dưỡng, thời tiết khắc nghiệt, xung đột và các bệnh lây truyền qua vật trung gian.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, các báo cáo khoa học về khí hậu của Liên hợp quốc hiện chủ yếu tập trung dự báo các hậu quả có thể xảy ra khi nhiệt độ tăng 1,5 - 2 độ C, đồng thời cảnh báo tránh để xảy ra khả năng nhiệt độ tăng thêm.

Tuy nhiên, khả năng nhiệt độ Trái Đất tăng tới 2,7 độ C vào thế kỷ này tương đối cao. Mức tăng này cao hơn nhiều mức giới hạn 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp được đưa ra theo Hiệp định Paris 2015, song lại chưa được nghiên cứu sâu rộng. Các nhà khoa học khuyến cáo xu hướng nghiên cứu hiện tại có thể không phù hợp với thực tế trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu đã tính toán và dự báo những khu vực có nhiệt độ cực cao - với nhiệt độ trung bình hằng năm trên 29 độ C - có thể ảnh hưởng đời sống 2 tỉ người vào năm 2070.

Họ cảnh báo rằng nhiệt độ tăng cao có nguy cơ dẫn đến tình trạng mất mùa do hạn hán như ở Tây Âu, hay các đợt nắng nóng cực đoan, tương tự như đợt nóng hồi tháng Ba và tháng Tư đã ảnh hưởng đến mùa vụ lúa mỳ của Ấn Độ.

Nhóm nghiên cứu đã kêu gọi Liên hợp quốc đưa ra báo cáo đặc biệt, đặt trọng tâm vào "các kịch bản biến đổi khí hậu thảm khốc". Họ cho rằng việc tăng cường nghiên cứu các kịch bản nghiêm trọng nhất có thể giúp nhân loại chuẩn bị ứng phó tốt hơn, đồng thời nghiêm túc hơn trong thực hiện mục tiêu hạn chế khí thải.

Kêu gọi tài trợ giúp châu Phi giảm tác động của biến đổi khí hậu 

Châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Các nước ở khu vực này phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề hơn của những hiện tượng thời tiết như các trận siêu bão, hạn hán, các đợt nắng nóng và lũ lụt, trong khi những quốc gia này lại chỉ phát ra rất ít lượng khí thải nhà kính làm Trái Đất ấm lên.

Ủy ban Kinh tế châu Phi của Liên hợp quốc (UNECA) mới đây đã ra lời kêu gọi các nước nhanh chóng tài trợ thêm nhằm giúp các nước châu Phi giảm thiểu những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu.

Thế giới cần chuẩn bị cho những kịch bản khí hậu cực đoan nhất - Ảnh 3.

Hàng chục nghìn người dân Somalia phải đi sơ tán vì hạn hán nghiêm trọng. Ảnh: NRC

Thư ký điều hành UNECA Vera Songwe nêu rõ: "Các quỹ phát triển khẩn cấp cần được cấp cho châu Phi để khu vực này thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng ứng phó trên toàn châu lục".

Bà Songwe kêu gọi thiết lập cơ chế ấn định giá carbon công bằng và minh bạch để "Lục địa Đen" có thể nhận được khoảng 180 tỉ USD/năm nhằm giảm thiểu những tác động do biến đổi khí hậu gây ra. Bà cũng kêu gọi các nước châu Phi đảm bảo tự chủ lương thực bằng cách tối đa hóa sử dụng đất canh tác màu mỡ và tăng sản lượng phân bón. 

Theo bà Songwe, các đồng nội tệ ở ít nhất 23 quốc gia châu Phi đã bị mất giá hơn 15% do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực gần đây. Bà nêu rõ: "Cuộc khủng hoảng Ukraine ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng của châu Phi trong việc mua lương thực, nhiên liệu và phân bón". Châu Phi hiện phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực từ Nga và Ukraine.