Thời tiết cực đoan khiến các bệnh truyền nhiễm ngày càng nghiêm trọng
Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, nắng nóng, hạn hán đã làm trầm trọng hơn nhiều bệnh truyền nhiễm ở con người như sốt rét, tả…
Biến đổi khí hậu làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm
Nhóm nghiên cứu từ 2 trường Đại học Hawaii và Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) đã xem xét mối tương quan giữa 375 bệnh truyền nhiễm được biết đến và biến đổi khí hậu.
Kết quả cho thấy có đến 218 bệnh trở nên nghiêm trọng hơn bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu mà nguyên nhân trực tiếp là việc tăng phát thải khí nhà kính.
Xem xét 10 dạng hiểm họa khí hậu nhạy cảm với khí nhà kính (lũ lụt, hạn hán, bão, nắng nóng…), các nhà khoa học đã xác định 1.006 con đường mà dịch bệnh từ virus, vi khuẩn, nấm, động - thực vật các loại… có thể bị kích hoạt.
Các nhóm nguyên nhân chính của hiện tượng này gồm: Hiểm họa khí hậu mang mầm bệnh đến gần con người và đưa con người đến gần mầm bệnh; tác nhân gây bệnh được tăng cường, như nắng nóng buộc virus "chịu nhiệt" phải mạnh hơn, tăng độc lực, gây sốt cao hơn; con người bị suy yếu bởi hiểm họa khí hậu do căng thẳng, phải di tản nên suy dinh dưỡng, mất vệ sinh, không được tiếp cận y tế…
Ông Jonathan Patz, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu thuộc Trường Đại học Wisconsin-Madison, cũng là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Khí hậu đang thay đổi, nguy cơ mắc những bệnh này cũng đang thay đổi". Nên xem những căn bệnh này như "triệu chứng của một trái đất bị bệnh".
277 dịch bệnh có thể bùng phát
Chúng ta đang sống trong một thời điểm mà nhiều dịch bệnh "bùng phát", nguy cơ "dịch chồng dịch" luôn hiện hữu.
Nghiên cứu đã đối chiếu cụ thể lịch sử bệnh tật, các biến số đối với khí hậu trong quá khứ, hiện tại và những dự đoán tương lai, từ đó các nhà khoa học đưa ra cảnh báo rằng: Có tới 277 căn bệnh đã biết mà con người cần đưa vào vòng theo dõi nghiêm ngặt để ngăn ngừa sự bùng phát trong tương lai.
Biến đổi khí hậu từ lâu đã được cảnh báo là nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng các dịch bệnh. Các hiểm họa khí hậu biểu hiện bằng sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt, sự thu hẹp môi trường sống tự nhiên đang khiến các loài sinh vật tiếp xúc gần với con người hơn. Từ đó gây ra các bệnh truyền nhiễm như Zika, sốt rét, sốt xuất huyết, cúm và Ebola.
Biển đổi khí hậu còn thúc đẩy sự phát triển của nhiều loài mầm bệnh, vốn rất ưa chuộng sự nóng lên toàn cầu. Lịch sử tiến hóa đã cho thấy biến đổi lớn về môi trường sẽ gây ra biến đổi trong thế giới sinh vật
Trong 375 mầm bệnh được phân tích có 286 mầm bệnh liên quan đến 1 tác nhân duy nhất và 277 trong số đó đã có dấu hiệu trầm trọng hơn khi đối mặt với ít nhất 1 nguy cơ khí hậu.
Bên cạnh đó, một mối đe dọa tiềm tàng khác đang ẩn trong các khối băng giá vĩnh cửu, nơi các mầm bệnh ngủ đông hàng thế kỷ cũng có nguy cơ trỗi dậy khi trái đất ngày càng nóng lên làm băng ở hai cực đang tan nhanh hơn dự báo.
Hệ quả của biến đổi khí hậu và một môi trường khắc nghiệt, ô nhiễm làm con người ốm yếu hơn, tăng nguy cơ mắc các bệnh về dị ứng, bệnh da, các vấn đề về sức khỏe do mất nước, biến chứng thai kỳ...
"Chúng ta chỉ khỏe mạnh như thế giới chúng ta đang sống" - các nhà khoa học kết luận, khẳng định mối liên quan mật thiết giữa sức khỏe nhân loại và sức khỏe của địa cầu.
Hệ lụy từ các vụ cháy rừng
Mùa hè năm 2022, châu Âu đang phải trải qua đợt nắng nóng kỷ lục và các đám cháy rừng tàn phá khắp Ðịa Trung Hải. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc ghi nhận, ở hầu hết các vùng đất, biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng thời tiết cực đoan, khiến các đợt sóng nhiệt trở nên nghiêm trọng hơn và thường xuyên hơn.
Hệ thống giám sát cháy rừng của châu Âu (EFFIS) thống kê, chỉ trong một vài tuần, các đám cháy rừng bùng phát khắp châu Âu đã thiêu rụi diện tích đất rừng rộng lớn hơn tổng diện tích từng bị tàn phá trong cả năm 2021.
Một nghiên cứu trên tạp chí Nature (Anh) chỉ ra, các đợt nắng nóng ở châu Âu đã tăng nhanh hơn 3 đến 4 lần so các vùng cùng vĩ độ trung bình phía Bắc khác, như Mỹ.
Biến đổi khí hậu được xem là nguyên nhân chính khiến thời tiết trở nên nóng và hanh khô hơn, tạo điều kiện cho các đám cháy rừng lan nhanh và kéo dài lâu hơn, thải ra nhiều chất ô nhiễm không khí gây các bệnh về tim mạch và đường hô hấp, cùng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn, tiếp tục làm Trái đất ấm lên.
Cháy rừng phát thải hàng triệu tấn cacbon vào bầu khí quyển
Trong năm 2021, các chuyên gia ước tính cháy rừng đã thải ra 1,76 tỷ tấn CO2 trên toàn cầu do các đám cháy nghiêm trọng và kéo dài hoành hành tại các vùng ở Siberia, Mỹ và Ðịa Trung Hải. Các đám cháy rừng năm nay lan rộng ở khu vực miền Nam châu Âu và Bắc Phi, làm hàng triệu người phải sơ tán khỏi khu vực bị ảnh hưởng bởi khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây ô nhiễm môi trường và tàn phá sức khỏe con người.
Theo Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), các vụ cháy rừng ở Tây Ban Nha đã phát thải 1,3 triệu tấn cacbon vào bầu khí quyển, mức cao nhất so cùng kỳ tháng 6 và 7 hằng năm, kể từ năm 2003 khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu.
Mark Parrington, nhà khoa học thuộc Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu cho biết, lượng phát thải do cháy rừng ở Tây Ban Nha hiện đã cao hơn lượng phát thải trong 20 năm qua ở nước này.
Pháp cũng ghi nhận lượng phát thải do cháy rừng cao gần kỷ lục 344.000 tấn CO2, mức cao nhất kể từ tháng 6/2003.
Hệ thống giám sát cháy rừng của châu Âu dự báo, châu Âu có thể kết thúc năm 2022 với diện tích rừng bị thiêu rụi nhiều hơn năm 2017 – vốn là năm ghi nhận tình trạng cháy rừng tồi tệ nhất với gần 1 triệu ha rừng bị tàn phá.
Theo các nhà khoa học khí hậu, tính trung bình trên đất liền, những đợt thời tiết khắc nghiệt xảy ra cứ 10 năm một lần thời kỳ tiền công nghiệp, giờ đây đã thường xuyên hơn gấp ba lần.
Các hiện tượng này được dự đoán còn trở nên thường xuyên hơn, kéo dài hơn và khốc liệt hơn nữa trong tương lai. Và như vậy, các bệnh truyền nhiễm cũng trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn nhiều so với hiện nay.
Việt Nam là quốc gia xếp thứ sáu trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Mỗi năm, các diễn biết thời tiết ngày càng phức tạp và không thể dự báo trước được gây ra tỉ lệ tử vong và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng rất cao, chẳng hạn như trường học và trung tâm y tế, và tác động xấu đến sinh kế của nhóm dân số thiệt thòi ở thành thị và nông thôn.
Những xu hướng này được dự báo sẽ tăng cường theo thời gian. Đến năm 2050, nhiệt độ trung bình dự kiến tăng thêm 1-2 độ C có thể dẫn đến tỉ lệ hạn hán cao hơn với cường độ lớn hơn và tăng lượng mưa dẫn đến mực nước biển dâng cao 1 mét dọc theo các vùng ven biển.
(Nguồn: unicef.org)
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google