Sử dụng AI hợp lý tại các trường học Nhật Bản

Lam Linh
13:45 - 24/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, học sinh cần cáp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào học tập đúng cách và phải hiểu rõ đặc điểm của AI, bao gồm cả ưu điểm và nhược điểm của nó.

Sử dụng AI hợp lý tại các trường học Nhật Bản - Ảnh 1.

AI sẽ giúp giáo viên lập kế hoạch, hợp lý hóa các nhiệm vụ hành chính và cải thiện phương pháp giảng dạy. Ảnh: Reuters

AI nên được sử dụng như thế nào trong các trường học?

Trong một công bố gần đây, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã nhấn mạnh rằng, học sinh cần biết cách sử dụng AI.

Theo hướng dẫn về cách sử dụng AI của Bộ Giáo dục Nhật Bản, học sinh nên hiểu rõ các đặc điểm của AI, bao gồm cả ưu điểm và nhược điểm của nó, đặc biệt là vấn đề rò rỉ thông tin cá nhân và vi phạm bản quyền trước khi sử dụng. 

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục Nhật Bản cảnh báo rằng, học sinh không được sao chép các báo cáo, các bài tiểu luận hoặc bất kỳ tác phẩm nào khác do AI tạo ra.

Ngoài ra, trong hướng dẫn cũng khuyến khích trường học áp dụng AI trong các tiết học tiếng Anh. Đồng thời tích hợp AI vào các giờ thảo luận nhóm để học sinh có thể đặt câu hỏi và bày tỏ quan điểm riêng của mình. Từ đó nâng cao chất lượng của giờ học thảo luận.

Sử dụng AI hợp lý tại các trường học Nhật Bản - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nhật Bản - bà Keiko Nagaoka cam kết sẽ nâng cao hiểu biết và kỹ năng sử dụng AI cho giáo viên

"Chúng tôi cam kết sẽ nâng cao hiểu biết và kỹ năng sử dụng AI cho giáo viên. Bên cạnh đó sẽ thúc đẩy một môi trường an toàn và hiệu quả để áp dụng AI trong giáo dục", Bộ trưởng Giáo dục - bà Keiko Nagaoka khẳng định.

Việc giáo viên hiểu biết và biết cách sử dụng AI vô cùng quan trọng. Bởi AI sẽ giúp giáo viên lập kế hoạch, hợp lý hóa các nhiệm vụ hành chính và cải thiện phương pháp giảng dạy. Từ đó có thể giảm tải khối lượng công việc của giáo viên.

Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng gợi ý giáo viên cần loại bỏ các phương pháp kiểm tra và làm bài tập truyền thống. Chẳng hạn như việc viết bài luận có thể dễ dàng thực hiện bằng AI.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục Nhật Bản khuyên giáo viên đưa ra các ví dụ về thông tin giả mạo do AI tạo ra làm tài liệu giảng dạy để học sinh có thể học cách phát hiện, kiểm tra thực tế.

Nâng cao hiểu biết của giáo viên Nhật Bản về việc sử dụng AI

Theo Hisanobu Muto, trưởng nhóm dự án số hóa trường học của Bộ Giáo dục Nhật Bản thì cần tiến hành một số hoạt động thử nghiệm AI vào trường học dựa trên hướng dẫn của Bộ Giáo dục. Từ đó sẽ xem xét đầy đủ về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo mật và bản quyền để kiểm tra đầy đủ kết quả thử nghiệm AI.

"Nếu giáo viên làm quen và học cách sử dụng AI một cách thành thục, an toàn và thông minh, AI sẽ giúp ích cho họ rất nhiều trong hoạt động giáo dục. Do đó cần cải thiện kiến thức về AI cho giáo viên bằng cách tiến hành đào tạo và thúc đẩy việc sử dụng thông tin phù hợp trong dịch vụ công", Hisanobu Muto nói thêm.

Liên quan đến những lo ngại về rò rỉ thông tin cá nhân khi sử dụng AI, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch yêu cầu các công ty AI xem xét cải thiện sản phẩm của họ dưới góc độ giáo dục. 

Chẳng hạn như, Bộ Giáo dục Nhật Bản đề xuất nên tăng cường lọc các nội dung có hại, triển khai các tính năng bảo vệ thông tin cá nhân và phát triển các công cụ AI được thiết kế cho mục đích giáo dục.

Thêm vào đó, Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch hợp tác với đài truyền hình để sản xuất các video giới thiệu AI một cách tổng quát và cách sử dụng nó trong học tập. Các video hướng dẫn này dự định sẽ được giới thiệu không chỉ ở các trường công lập mà còn ở các cơ sở giáo dục khác.

Phụ huynh Nhật Bản lo lắng về việc sử dụng AI

Một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 4 và tháng 5 bởi Công ty CyberOwl (Tokyo, Nhật Bản) - công ty quản lý phương tiện trực tuyến liên quan đến giáo dục, cho thấy khoảng 70% trong số 508 phụ huynh của học sinh từ lớp 3 đến cấp 3 tin rằng việc sử dụng AI, cụ thể là ChatGPT của trẻ em là cần thiết.

Trong khi đó, 49% cảm thấy tương đối lo lắng và 15% cảm thấy lo lắng khi con cái họ sử dụng AI. Khoảng 35% nghi ngại AI sẽ làm giảm khả năng tư duy phản biện và 34% bày tỏ lo lắng về việc con cái họ sẽ tiếp cận với thông tin sai lệch do AI tạo ra.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, tỉ lệ phụ huynh lo lắng khác nhau đáng kể tùy thuộc vào việc bản thân họ có sử dụng ChatGPT hay không.

Trong khi khoảng 44% phụ huynh đã sử dụng ChatGPT cho biết họ lo lắng hoặc tương đối lo lắng về việc con cái sử dụng các chatbot AI như vậy, thì con số này đã tăng lên 72,9% đối với những người chưa sử dụng ChatGPT.

Tatsuya Horita, Giáo sư Công nghệ và Thông tin tại Đại học Tohoku, Nhật Bản cho biết: "AI có thể dễ dàng sử dụng trên điện thoại thông minh và máy tính. Vì vậy, theo tôi, thay vì lo lắng hay mơ hồ về điều gì mà mình không biết thì giáo viên và phụ huynh nên thử trực tiếp sử dụng nó. Giáo dục Nhật Bản muốn đưa AI vào trường học để áp dụng cho việc giảng dạy và học tập là bởi họ đã hiểu cơ chế và cách sử dụng AI một cách hợp lý".

ChatGPT là một chatbot trí tuệ nhân tạo do Công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022. ChatGPT được xây dựng dựa trên GPT-3.5 - một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI được tinh chỉnh đồng thời bằng cả 2 kỹ thuật học tăng cường và học có giám sát. ChatGPT có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát câu hỏi của người dùng trên nhiều lĩnh vực kiến thức, ngôn ngữ khác nhau.

ChatGPT là một ví dụ điển hình của AI tạo sinh. AI tạo sinh có nhiều ứng dụng thực tế và sáng tạo, như tạo ra các thiết kế sản phẩm mới, tối ưu hóa các quy trình kinh doanh, soạn email, bài luận, mã lập trình, thơ ca, truyện ngắn, hình ảnh, bài hát... Tuy nhiên, AI tạo sinh cũng gặp phải nhiều thách thức về vấn đề bảo mật và quyền riêng tư của người dùng. Một số quốc gia châu Âu đã cấm hoặc điều tra AI tạo sinh vì nghi ngờ công cụ này vi phạm luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.


Nguồn: The Japan Times