Nhật Bản lo ngại AI tạo sinh sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh
Bộ Giáo dục Nhật Bản hy vọng AI sẽ cải thiện kết quả giáo dục, nhưng việc sử dụng công nghệ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về rò rỉ dữ liệu cá nhân và vi phạm bản quyền, cũng như có thể làm giảm tính sáng tạo và động lực học tập của học sinh.
Sử dụng AI có thể làm giảm tính sáng tạo và động lực học tập của học sinh
Ngày 4/7, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã công bố văn bản hướng dẫn việc sử dụng AI tạo sinh (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) trong các trường học. Trong văn bản hướng dẫn cũng nêu bật những rủi do cho học sinh khi áp dụng AI tạo sinh một cách tự do.
Đồng thời, bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng đưa ra các ví dụ về việc sử dụng AI không phù hợp, trong đó học sinh đã coi các bài tập do AI làm ra thành bài tập của mình hoặc sử dụng công nghệ này trong khi làm bài kiểm tra, theo The Japan News.
Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết, các công cụ AI tạo sinh bước đầu đã đi vào thử nghiệm tại một số trường học và được báo cáo là không phù hợp. Theo đó, các chuyên gia đã cảnh báo rằng, việc sử dụng công nghệ tùy tiện có thể cản trở khả năng nhận thức của học sinh.
Trường trung học Nagasaki Kita tại tỉnh Nagasaki, Nhật Bản đã thử nghiệm AI tạo sinh từ tháng 6 với việc sử dụng ChatGPT (một ứng dụng được AI phát triển) trong các lớp học Tiếng Anh dành cho học sinh năm thứ hai. Cụ thể, học sinh sẽ được sử dụng ChatGPT để sửa bài viết của họ.
Một học sinh cho biết: "Thông thường, em sẽ mất 1 giờ đồng hồ để sửa bài tập của mình. Nhưng sử dụng ChatGPT chỉ mất vỏn vẹn 18 giây".
Tuy nhiên, một học sinh khác cho biết, sử dụng ChatGPT giúp em giải đáp bài tập rất nhanh, nhưng sau đó không có gì đọng lại trong đầu học sinh này.
"Việc sử dụng ChatGPT có tiềm năng cải thiện kỹ năng tiếng Anh của học sinh. Nhưng bên cạnh đó cũng có mặt tiêu cực. Bởi AI tạo sinh khiến các em dựa dẫm, bị động mà không tự suy nghĩ về câu trả lời", giáo viên của những học sinh trên cho hay.
Tháng 5 vừa qua, một giáo viên tại một trường trung học tư thục tọa lạc vùng Kyushu (Nhật Bản) đã giao bài tập về nhà là viết một bài luận bằng tiếng Anh cho học sinh.
Nhận bài làm từ một học sinh của mình, giáo viên này đã nghi ngờ về tính trung thực của bài luận. Bởi theo giáo viên này, một bài luận hoàn hảo như vậy không thể nào được viết bởi một học sinh có năng lực học tập trung bình. Cảm thấy khả nghi, giáo viên đã yêu cầu học sinh này viết tại lớp bài viết tương tự và phát hiện ra rằng, nam sinh đã sao chép toàn bộ tác phẩm do ChatGPT tạo ra.
"Tôi có thể không phát hiện ra tất cả, và tôi không còn cách nào khác ngoài việc nói đi nói lại với học sinh rằng, phụ thuộc vào ChatGPT để sao chép bài luận, đáp án là điều không được phép", giáo viên trường tư thục chia sẻ.
AI được sử dụng và kiểm soát như thế nào trong trường học Nhật Bản?
Trong hướng dẫn của Bộ Giáo dục Nhật Bản nêu rõ, AI tạo sinh không được phép sử dụng tự do, tràn lan, đặc biệt là trong các kỳ thi đánh giá kết quả học tập của học sinh.
AI tạo sinh chỉ nên được sử dụng trong các cuộc thảo luận như một cách để tìm và tham khảo thêm các quan điểm mới. Điều đó có nghĩa là học sinh phải chủ động sáng tạo, đưa ra phản biện, các quan điểm cá nhân rồi sau đó mới được tìm đến AI tạo sinh để tìm thêm các ý khác làm sâu sắc thêm cuộc tranh luận.
Tuy nhiên, một hiệu trưởng trường trung học cơ sở công lập ở tỉnh Miyagi, Nhật Bản cho biết: "Không rõ cuộc thảo luận nên được đào sâu ở giai đoạn nào. Việc sử dụng AI tạo sinh sai thời điểm có thể khiến gián đoạn việc suy nghĩ của học sinh".
Trong văn bản hướng dẫn sử dụng AI tạo sinh cũng quy định về việc các trường học phải dạy học sinh về vi phạm bản quyền. Song, phó hiệu trưởng một trường trung học cơ sở công lập ở tỉnh Toyama, Nhật Bản cho biết: "Thực tế là không thể kiểm tra câu trả lời của từng học sinh".
Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Jiyu Gakuen ở Tokyo, Nhật Bản đã mời một chuyên gia công nghệ về để cảnh báo học sinh rằng, các câu trả lời do AI tạo ra có thể không đúng.
"AI tạo sinh chỉ cần kết hợp các từ trên mạng Internet và soạn các câu "nghe có vẻ đúng". Vì vậy các bạn phải xác nhận thông tin", chuyên gia công nghệ nói.
Có nên cho phép học sinh sử dụng AI?
Vào ngày 13 tháng 6, Hội đồng giáo dục Tokyo Metropolitan đã cảnh báo học sinh trường công lập không được nộp bài luận hoặc các bài tập về nhà khác do AI tạo sinh tạo ra. Sau đó, Hội đồng giáo dục thành phố Saitama, Nhật Bản hứa hẹn sẽ sớm đưa ra các biện pháp ngăn chặn việc học sinh sử dụng AI tạo sinh một cách bừa bãi dựa trên các hướng dẫn của Bộ Giáo dục Nhật Bản.
Trước đó, trường dự bị hàng đầu Kawaijuku đã khảo sát 139 giáo viên trung học cơ sở và giảng viên đại học và nhận thấy rằng, gần 60% cho biết họ đang cân nhắc về việc cho phép học sinh sử dụng AI tạo sinh một cách tự do.
Cụ thể, trong số các giáo viên trung học cơ sở, 49% đồng ý với việc cho học sinh sử dụng AI nhưng yêu cầu phải đặt ra quy định rõ ràng về vấn đề này, 7% lại cho rằng nên cấm sử dụng AI hoàn toàn, 35% cho biết AI nên được sử dụng tự do.
Một số giáo viên cũng đưa ra cách sử dụng AI khi khuyên học sinh, sinh viên không nên tùy tiện sử dụng công nghệ này ở giai đoạn khả năng sáng tạo đang được nuôi dưỡng, hãy chủ động phát triển suy nghĩ của bản thân, sau đó mới dùng AI như một công cụ tham khảo thêm.
Hiệp hội Thư viện trường học Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo đã nêu rõ, điều kiện tiên quyết để đăng ký tham gia cuộc thi báo cáo sách là không chấp nhận các bài dự thi đạo văn hoặc chứa các trích dẫn không phù hợp.
Chủ tịch hiệp hội - ông Keiichi Shitara đã ba lần yêu cầu AI tổng hợp sản xuất các báo cáo về sách và nói rằng tất cả đều tẻ nhạt và không thú vị.
"Các báo cáo do AI soạn thảo không khiến mọi người xúc động. Trong khi đó, mục đích của cuộc thi là giúp học sinh có được khả năng tư duy và diễn đạt, cũng như trau dồi vốn từ vựng", ông Keiichi Shitara nói.
Giáo sư Hideto Takeuchi của Đại học Meijo (Nhật Bản), người nghiên cứu về giáo dục toán học, cho biết: "Bộ não được rèn luyện thông qua thử và sai. Năng lực nhận thức của chúng ta sẽ bị lấy đi nếu chúng ta dựa vào AI để tìm ra câu trả lời trong thời gian ngắn nhất có thể".
Trước đó, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã công bố các hướng dẫn về việc cho phép các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông sử dụng hạn chế AI tạo sinh, như ChatGPT.
Bộ Giáo dục Nhật Bản hy vọng, AI sẽ cải thiện kết quả cho ngành giáo dục. Đồng thời, giáo viên cũng được khuyến khích sử dụng AI tạo sinh để giảm khối lượng công việc, chẳng hạn như soạn thảo chương trình cho ngày thể thao, ra đề thi hay viết thông báo cho phụ huynh, theo Kyodo News.
ChatGPT là một chatbot trí tuệ nhân tạo do Công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022. ChatGPT được xây dựng dựa trên GPT-3.5 - một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI được tinh chỉnh đồng thời bằng cả 2 kỹ thuật học tăng cường và học có giám sát. ChatGPT có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát câu hỏi của người dùng trên nhiều lĩnh vực kiến thức, ngôn ngữ khác nhau.
ChatGPT là một ví dụ điển hình của AI tạo sinh. AI tạo sinh có nhiều ứng dụng thực tế và sáng tạo, như tạo ra các thiết kế sản phẩm mới, tối ưu hóa các quy trình kinh doanh, soạn email, bài luận, mã lập trình, thơ ca, truyện ngắn, hình ảnh, bài hát... Tuy nhiên, AI tạo sinh cũng gặp phải nhiều thách thức về vấn đề bảo mật và quyền riêng tư của người dùng. Một số quốc gia châu Âu đã cấm hoặc điều tra AI tạo sinh vì nghi ngờ công cụ này vi phạm luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google