Tranh cãi về việc hạn chế đào tạo đại học bằng tiếng Anh tại Hà Lan

Lam Linh
12:02 - 21/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chính phủ Hà Lan đang thảo luận về việc các trường đại học phải giảng dạy ít nhất 2/3 chương trình cử nhân tiêu chuẩn bằng tiếng Hà Lan và hạn chế giảng dạy bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ các chuyên gia giáo dục và gây xôn xao trong cộng đồng sinh viên quốc tế.

Kế hoạch hạn chế đào tạo đại học bằng tiếng Anh của Hà Lan

Khi Anh có kế hoạch rời Liên minh châu Âu (EU), các trường đại học ở Hà Lan bắt đầu tăng cường cung cấp nhiều khóa đào tạo đại học bằng tiếng Anh nhằm thu hút sinh viên quốc tế nói chung và sinh viên EU nói riêng. 

Tuy nhiên, Chính phủ Hà Lan mới đây đã thay đổi kế hoạch của mình. Theo đó, Chính phủ quốc gia này đang thảo luận về đề xuất giới hạn số lượng sinh viên ngoài EU trong một số chương trình học. Đồng thời yêu cầu các trường đại học phải giảng dạy ít nhất 2/3 chương trình cử nhân tiêu chuẩn bằng tiếng Hà Lan.

Sinh viên quốc tế cũng có thể được yêu cầu học tiếng Hà Lan cơ bản nhằm tăng cơ hội ở lại nước này làm việc và trang bị các kỹ năng cần thiết khi tìm việc làm.

Tranh cãi về việc hạn chế đào tạo đại học bằng tiếng Anh tại Hà Lan - Ảnh 1.

Hệ thống giáo dục Hà Lan được đánh giá cao trên quốc tế vì các chương trình đào tạo tiếng Anh phổ biến và kỹ năng kỹ thuật số tốt. Ảnh: Ian Dagnall/Alamy

Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan, ông Robbert Dijkgraaf, cho biết: "Theo tôi, ngôn ngữ giáo dục là tiếng Hà Lan. Các trường đại học có thể giảng dạy bằng ngôn ngữ khác nhưng không nên quá 1/3 số lượng chương trình đào tạo. Điều đó đồng nghĩa với việc phần lớn nội dung giáo dục đại học bằng tiếng Hà Lan nhưng sinh viên vẫn được phép học một số chuyên ngành bằng tiếng Anh".

Ông Robbert Dijkgraaf lấy ví dụ, các chương trình đào tạo nghệ thuật như Vĩ cầm có thể giảng dạy bằng tiếng Anh để thu hút sinh viên nước ngoài và đào tạo nên những nghệ sĩ vĩ cầm tài hoa bậc nhất thế giới.

Hạn chế đào tạo đại học bằng tiếng Anh có thể khiến giảm số lượng du học sinh tại Hà Lan

Dự thảo trên của Hà Lan đang gây xôn xao trong nước lẫn quốc tế. Với hơn 122.000 sinh viên quốc tế đang theo học, chiếm 15% tổng số sinh viên cả nước, Hà Lan là điểm đến du học hấp dẫn. Hệ thống giáo dục nước này cũng được đánh giá cao trên quốc tế vì các chương trình đào tạo tiếng Anh phổ biến và kỹ năng kỹ thuật số tốt.

Kết quả thảo luận sẽ được công sau 1 năm tham vấn và nếu được thông qua, dự thảo sẽ có hiệu lực từ tháng 9 năm 2024. Tuy nhiên cho đến nay, kế hoạch này vấp phải nhiều phản ứng trái chiều.

David Schindler, Phó Giáo sư Kinh tế tại Đại học Tilburg, Hà Lan bày tỏ quan điểm: "Các trường đại học nên dạy những gì hữu ích cho sinh viên nhưng kế hoạch bắt buộc có thể ảnh hưởng đến nền học thuật Hà Lan. Điều tôi lo lắng nhất là việc sụt giảm chất lượng nghiên cứu và đổi mới, một trong những động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế".

Theo ông David Schindler, nhiều sinh viên quốc tế sẽ chuyển sang du học Anh hoặc Thụy Điển nếu kế hoạch trên thành sự thật. 

Đồng quan điểm, Nghị sĩ Jeanet van der Laan cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về dự thảo trên của Chính phủ Hà Lan khi cho rằng: "Giảng dạy bằng tiếng Hà Lan cần được duy trì. Nhưng việc bắt buộc tất cả các sinh viên quốc tế phải tham gia các khoá học bằng tiếng Hà Lan là một bất cập. Bởi với chính sách giáo dục như vậy có thể khiến sinh viên quốc tế chuyển hướng sang du học các nước khác thay vì chọn Hà Lan. Điều này có thể khiến Hà Lan mất cơ hội thu hút những sinh viên tài năng mà các trường đại học đang tìm kiếm".

Trong khi đó, Hiệp hội các trường đại học Hà Lan cho rằng sinh viên địa phương nên cải thiện tiếng Hà Lan còn sinh viên quốc tế nên học ngôn ngữ này.

Năm 2022, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nhà ở, một số trường đại học ở Hà Lan đã cảnh báo sinh viên quốc tế không nên đến nước này học tập trừ khi đã tìm được chỗ ở. Bộ Giáo dục cũng yêu cầu các trường đại học giảm tuyển sinh quốc tế, trong khi đó, thị trưởng thành phố Amsterdam, ông Femke Halsema, đã đề nghị cư dân nước ngoài tăng cường học tiếng Hà Lan.

Nguồn: The Guardian