Nhật Bản: AI tạo sinh được phép sử dụng có giới hạn trong trường học
Bộ Giáo dục Nhật Bản dự kiến ban hành các hướng dẫn mới cho phép các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nước này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh (như ChatGPT) cho mục đích học tập.
Sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong phạm vi trường học
Theo Kyodo News, trong dự thảo hướng dẫn của Bộ Giáo dục Nhật Bản, những công cụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh sẽ không được phép sử dụng tự do, tràn lan, đặc biệt là trong các kỳ thi đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Theo đó, điều quan trọng là "hình thành khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có suy nghĩ" trong hoạt động giáo dục; đồng thời lưu ý tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với kỹ năng tư duy phản biện và sự sáng tạo của học sinh, cũng như nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân và vi phạm bản quyền. Học sinh sẽ bị coi là gian lận nếu nộp bài luận do trí tuệ nhân tạo thực hiện cho giáo viên hoặc tham gia các cuộc thi.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng được khuyến khích sử dụng AI tạo sinh để giảm khối lượng công việc, chẳng hạn như soạn thảo chương trình cho ngày thể thao, ra đề thi hay viết thông báo cho phụ huynh... Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp này, giáo viên vẫn cần chỉnh sửa và kiểm tra nội dung cẩn thận.
Dự thảo hướng dẫn nhấn mạnh rằng giáo viên và học sinh nên lưu ý không nhập thông tin cá nhân hay tài liệu mật vào các chương trình AI tạo sinh. Đồng thời nhận thức những rủi ro vi phạm bản quyền nếu các văn bản hoặc hình ảnh do AI tạo ra được công khai bên ngoài lớp học, chẳng hạn như trên các trang web của trường.
Dự kiến, hướng dẫn sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh trong trường học sẽ được Bộ Giáo dục Nhật Bản ban hành sớm nhất vào tháng 7/2023 sau khi thống nhất ý kiến của các bên liên quan và thực hiện các sửa đổi cần thiết.
Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Artificial Intelligence Generation) là một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo liên quan đến việc sử dụng các thuật toán AI để tạo ra các nội dung mới mà không cần sự can thiệp của con người. Các nội dung này có thể bao gồm văn bản, hình ảnh, âm thanh, video hoặc bất kỳ loại dữ liệu nào khác.
32% sinh viên đại học Nhật Bản sử dụng chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT
Kyodo News cho biết, một nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến với 4.000 sinh viên đang theo học tại các trường đại học trên toàn quốc về ChatGPT.
Khảo sát được tiến hành trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng việc sử dụng ChatGPT có thể ảnh hưởng đến kỹ năng tư duy phản biện và khả năng sáng tạo của học sinh.
Khoảng 32% số sinh viên đại học Nhật Bản được hỏi cho biết họ đã sử dụng chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT, trong đó nhiều người cho rằng công cụ này giúp tăng cường khả năng tư duy của họ.
ChatGPT được sinh viên các khoa khoa học, công nghệ và nông nghiệp sử dụng nhiều nhất, với tỉ lệ chung là 45,5%; ở sinh viên nam là 44,8% và nữ 27,1%.
ChatGPT được sử dụng bởi 33% tổng số sinh viên trong các khoa nhân văn, khoa học xã hội và giáo dục và 21,2% trong các khoa y, nha khoa và dược học.
Khoảng 14% số người được hỏi đã sử dụng ChatGPT để viết báo cáo và các khóa học khác. Trong số đó, có 91,8% kiểm tra lại thông tin để đảm bảo rằng văn bản được tạo là chính xác hoặc thực hiện các điều chỉnh khác.
Khi được hỏi liệu việc sử dụng ChatGPT ảnh hưởng thế nào đến khả năng tư duy của họ, có 70,7% chọn tích cực, trong khi 15,4% có suy nghĩ ngược lại.
Trong số sinh viên tham gia khảo sát, có 2 luồng ý kiến: một số người cho rằng nên cấm sử dụng các công cụ AI khi thực hiện các bài tập ở trường để đảm bảo tính công bằng, trong khi đó vẫn có những người phản đối lệnh cấm chung.
ChatGPT là một chatbot trí tuệ nhân tạo do Công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022. ChatGPT được xây dựng dựa trên GPT-3.5 - một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI được tinh chỉnh đồng thời bằng cả 2 kỹ thuật học tăng cường và học có giám sát. ChatGPT có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát câu hỏi của người dùng trên nhiều lĩnh vực kiến thức, ngôn ngữ khác nhau.
ChatGPT là một ví dụ điển hình của AI tạo sinh. AI tạo sinh có nhiều ứng dụng thực tế và sáng tạo, như tạo ra các thiết kế sản phẩm mới, tối ưu hóa các quy trình kinh doanh, soạn email, bài luận, mã lập trình, thơ ca, truyện ngắn, hình ảnh, bài hát... Tuy nhiên, AI tạo sinh cũng gặp phải nhiều thách thức về vấn đề bảo mật và quyền riêng tư của người dùng. Một số quốc gia châu Âu đã cấm hoặc điều tra AI tạo sinh vì nghi ngờ công cụ này vi phạm luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google