"Sóng nhiệt đại dương" làm nóng nước biển Địa Trung Hải

PV
15:39 - 18/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong khi khách du lịch được tận hưởng sự ấm áp của biển Địa Trung Hải thì các nhà khoa học khí hậu lại cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng đối với sinh vật đại dương khi nước biển ấm lên.

Hiện tượng "sóng nhiệt đại dương" 

Địa Trung Hải là một phần của Đại Tây Dương được bao quanh bởi đất liền (phía Bắc bởi châu Âu, phía Nam bởi châu Phi và phía Đông bởi châu Á), có diện tích khoảng 2.510.000 km². 

Theo các nhà khoa học, nhiều thành phố ven biển Địa Trung Hải, từ Barcelona của Tây Ban Nha đến Tel Aviv của Israel, đang trải qua những ngày mùa hè nóng bức chưa từng thấy, với nhiệt độ cao hơn từ 3 - 5oC so với cùng kì năm ngoái. Nhiệt độ nước biển có những ngày vượt quá 30oC.

Nhiệt độ nước biển Địa Trung Hải vượt mức 30 độ C đe dọa các loài sinh vật biển - Ảnh 1.

Vịnh Zakynthos (Hy Lạp) thuộc Địa Trung Hải. Ảnh: Barefootnomad

Hiện tượng này được gọi là "sóng nhiệt đại dương", xảy ra do các dòng hải lưu tạo ra các vùng nước ấm. Nhiệt độ khí quyển gia tăng cũng có thể khiến nhiệt độ nước biển ấm lên. Và giống như các đợt nắng nóng trên đất liền, các đợt "sóng nhiệt đại dương" cũng kéo dài hơn, thường xuyên hơn và dữ dội hơn do tác động của biến đổi khí hậu.

Các đợt nắng nóng kéo dài gần đây trong một khoảng thời gian nhất định gây ra hiện tượng không mưa và ít gió. Nắng nóng trên đất liền gây ra nhiệt độ đại dương ấm lên và cả hai xu hướng tác động lẫn nhau trong một vòng luẩn quẩn và khiến khí hậu trái đất nóng lên nhiều hơn. Những đợt nắng nóng kéo dài trên đất liền đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia xung quanh Địa Trung Hải, gây ra hiện tượng cháy rừng, hạn hán, mất mùa và nhiệt độ cao khủng khiếp.

Theo các kết quả nghiên cứu công bố gần đây, từ năm 1982 đến năm 2018, cứ mỗi thập kỷ nhiệt độ bề mặt nước biển ở Địa Trung Hải lại tăng 0,4oC.

Đe dọa nghiêm trọng thế giới sinh vật biển

Trong khi thời tiết nắng nóng ở châu Âu và các quốc gia bên bờ Địa Trung Hải đang thu hút sự quan tâm lớn, thì vấn đề nhiệt độ nước biển tăng cao ít được chú ý hơn.

Tuy nhiên, các nhà khoa học khí hậu cũng cảnh báo nước biển ấm lên dưới cái nắng thiêu đốt có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với thế giới sinh vật biển.

Nhiệt độ nước biển Địa Trung Hải vượt mức 30 độ C đe dọa các loài sinh vật biển - Ảnh 2.

Cỏ biển Posidonia ở Địa Trung Hải có thể hấp thụ một lượng lớn carbon dioxide. Ảnh: Pinterest

Theo nhà nghiên cứu Joaquim Garrabou tại Viện Hải dương học ở Barcelona, tình hình rất đáng lo ngại, cần phải hành động vì khí hậu càng sớm càng tốt. Ông Garrabou là một trong những tác giả của nghiên cứu công bố gần đây trên tạp chí Global Change Biology về các đợt nắng nóng ở Địa Trung Hải.

Nghiên cứu cho biết nắng nóng là nguyên nhân khiến các loài sinh vật biển chết hàng loạt. Khoảng 50 loài sinh vật biển cư trú dọc theo hàng nghìn kilomet bờ biển Địa Trung Hải, đặc biệt ở lưu vực phía Đông, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mặc dù chiếm chưa đến 1% diện tích bề mặt đại dương toàn cầu, nhưng Địa Trung Hải là một trong những đại dương có đa dạng sinh học biển chiếm đến 18% số loài sinh vật biển được biết đến trên thế giới. Nhiều loài sinh vật là chìa khóa để duy trì hoạt động và sự đa dạng của môi trường biển như cỏ biển Posidonia (có thể hấp thụ một lượng lớn carbon dioxide) và san hô - nơi cư trú của nhiều loài sinh vật biển đều đang gặp nguy hiểm dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ nước biển Địa Trung Hải vượt mức 30 độ C đe dọa các loài sinh vật biển - Ảnh 3.

Các rạn san hô ở Địa Trung Hải đang gặp nguy hiểm dưới tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: INN

Một tác giả khác của nghiên cứu - nhà sinh vật học Gil Rilov tại Viện nghiên cứu địa chất và hải dương học của Israel, cho biết nhiệt độ nước biển trung bình ở Địa Trung Hải trong mùa hè này luôn ở mức trên 31oC, trong đó Israel, Cyprus, Liban và Syria là những nước có vùng biển ấm nhất. Mức nhiệt này khiến nhiều loài sinh vật biển ở Địa Trung Hải gặp nguy hiểm. Trong những năm tới, tình trạng mất đa dạng sinh học dự báo sẽ mở rộng về phía Tây Địa Trung Hải đến Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha.

Ông Garabou cho biết, các vùng biển đã giúp cân bằng Trái đất của chúng ta bằng cách hấp thụ 90% nhiệt lượng dư thừa của Trái đất và 30% carbon dioxide thải vào khí quyển do sản xuất than, dầu và khí đốt.

Trong thời gian dài, đại dương luôn trong trạng thái khỏe mạnh. Tuy nhiên, hiện tại con người đang đẩy đại dương đến một trạng thái không cân bằng, thậm chí là "rối loạn chức năng".

Hiện nay, khoảng 8% biển Địa Trung Hải đang được bảo vệ. Các nhà khoa học đại dương đang phối hợp với cơ quan chức năng nhằm đảm bảo 30% diện tích biển sẽ được bảo vệ khỏi các hoạt động của con người như đánh bắt cá, nhằm tạo cơ hội phục hồi và phát triển sinh vật biển.

Nhà nghiên cứu Garrabou và Rilov cho rằng các nhà hoạch định chính sách hầu như không nhận thấy những hệ lụy của việc nước biển ở Địa Trung Hải đang ấm lên.

Theo hai chuyên gia này, các đợt "sóng nhiệt đại dương" có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với các quốc gia ven Địa Trung Hải và hơn 500 triệu cư dân nếu không sớm có hành động ứng phó. Bên cạnh đó, nguồn hải sản cũng sẽ trở nên cạn kiệt và du lịch sẽ bị ảnh hưởng.


Nguồn: tổng hợp