Số hóa tài nguyên học tập là con đường tất yếu xây dựng xã hội học tập

Ngọc Ánh (ghi)
17:07 - 27/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo Tiến sĩ Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, để xây dựng xã hội học tập, cần tạo niềm tin cho người dân, giúp họ trở thành những công dân số.

Ngày 27/12, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo bàn về bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp.

Đẩy mạnh xây dựng thư viện số

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội nhấn mạnh, người dân là một thành tố rất quan trọng trong xây dựng xã hội học tập.

Phải số hóa bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp - Ảnh 2.

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Theo Tiến sĩ Trương Tiến Tùng, để xây dựng xã hội học tập, cần tạo niềm tin cho người dân, giúp họ trở thành những công dân số và phải số hóa bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp.

"Công dân số sẽ tham gia vào hệ thống môi trường số để học tập và tự nguyện đóng góp cho hệ thống. Đây sẽ là nơi thu thập lại thông tin, nhận diện những công dân học tập hay, đơn vị học tập...", nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội gợi mở.

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với hệ thống tài nguyên giáo dục mở mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai. Đó là thư viện số được mở rộng từ các trường phổ thông cho đến các trường đại học, giúp công dân dễ dàng tiếp cận, lan tỏa tri thức.

"Khi công dân truy cập vào thư viện số thì hệ thống sẽ ghi nhận thông tin. Qua đó, các cơ quan quản lý là hội khuyến học các địa phương sẽ biết công dân của mình đang ở đâu, tham gia học tập như thế nào", Tiến sĩ Trương Tiến Tùng chia sẻ.

Cần nâng cao vai trò của các nhà trường trong xây dựng xã hội học tập

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho rằng, hiện nay, vai trò của các nhà trường, các nhà giáo trong việc xây dựng xã hội học tập còn tương đối mờ nhạt.

"Từ trước đến nay, trường chúng tôi có kết hợp với các đơn vị triển khai những hoạt động như đồng hành cùng với quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, đồng hành với quỹ trái tim cho em và đồng hành với quỹ của Hội Khuyến học Việt Nam...

Phải số hóa bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp - Ảnh 3.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, những những sự đồng hành đó có phải là xây dựng xã hội học tập hay không thì nhiều khi chính người làm quản lý như tôi còn lẫn lộn", Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm chia sẻ.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền nhận định, nếu tận dụng đội ngũ lãnh đạo các trường, kể cả trường đại học, phổ thông, mẫu giáo... tận dụng đội ngũ giáo viên để xây dựng xã hội học tập thì việc triển khai sẽ đạt hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, hội khuyến học ở các tỉnh, thành cũng cần quan tâm đến việc động viên giáo viên trong các nhà trường thường xuyên, tích cực tham gia vào công tác xây dựng xã hội học tập.

Về bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm đề xuất, bộ tiêu chí phải được xây dựng phù hợp với tính chất của các địa phương.

Ngoài ra, cần nhấn mạnh đến các chỉ tiêu về các tổ chức hoạt động tuyên truyền, phong trào đọc sách, xây dựng thư viện ở các địa phương bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng xã hội học tập.