Hội thảo về bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp
Ngày 27/12, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo bàn về bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội thảo.
Cùng dự có lãnh đạo đại diện các cơ quan ban, ngành Trung ương: Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục thường xuyên; lãnh đạo đại diện các cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Liên minh các hợp tác xã Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Đảng ủy khối các cơ quan trung ương và Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương; lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm
Phát biểu khai mạc hội thảo, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan khẳng định: Giáo dục – đào tạo toàn diện, trong đó, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và mức độ quan tâm ngày càng sâu sắc.
Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư đã đề cập đậm nét đến vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng, đảng viên, trước hết là người đứng đầu với khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Triển khai Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 489/QĐ-TTg ngày 8/4/2020 cũng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội,… và nhấn mạnh về sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với tổ chức Đảng trong triển khai Kết luận 49-KL/TW và vai trò của các trường đại học trong xây dựng xã hội học tập.
Ngày 30/7/2021, chính phủ ký Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" đã cụ thể hóa Quyết định 489/QĐ-TTg với nhiều điểm nổi bật so với quyết định 89/QĐ-TTg về "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020".
Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học Việt Nam đã triểu khai Quyết định số 1373/QĐ-TTg và chỉ thị 14/CT-TTg được hơn 1 năm.
Với Hội Khuyến học Việt nam, 2 đề án 387/QĐ-TTg và 677/QĐ-TTg đã vận hành bước đầu. Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ, đăc biệt là Bộ đã xây dựng và đang thực hiện thí điểm 2 mô hình "Huyện học tập: và "Tỉnh học tập" ở 8 tỉnh, thành, đã ban hành thông tư về tiêu chí đánh giá mô hình "Đơn vị học tập".
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về bộ tiêu chí xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp. Ảnh: NA.
Trong Quyết định số 1373/QĐ-TTg có nêu các chỉ tiêu cần đạt được. Trong đó, có chỉ tiêu xây dựng các mô hình học tập trong xã hội. Cụ thể, muốn xây dựng mô hình học tập cần có: 40% công dân đạt danh hiệu "Công dân học tập", 25% huyện, quận, thị xã được công nhận "Huyện học tập", 15% tỉnh được công nhận tỉnh học tập.
Vấn đề đặt ra là: Nội dung của xã hội học tập có liên quan gì đến các chỉ số "Công dân học tập", "Gia đình học tập", "Đơn vị học tập", "Cộng đồng học tập" mà Bộ Giáo dục vào Đào tạo cùng Hội Khuyến học Việt Nam đang được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện? Mối quan hệ giữa các tiêu chí trong mô hình "Đơn vị học tập", "Huyện học tập", "Tỉnh học tập" với các mô hình mà Hội Khuyến học Việt Nam đang triển khai cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo? Và một số vấn đề cần bàn để thống nhất, giúp sớm ban hành được bộ tiêu chí đánh giá và việc thực hiện xây dựng xã hội học tập theo yêu cầu của Thủ tướng chính phủ.
"Chưa có bộ tiêu chí này thì chưa thể đánh giá được địa phương nào thực hiện tốt, địa phương nào chưa thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập. Chính vì vậy, cần thiết phải có cuộc hội thảo hôm nay", nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.
Bộ tiêu chí sẽ là công cụ quản lý xây dựng xã hội học tập
Báo cáo tổng quan hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, cố vấn của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết khoảng 70% các tham luận tập trung đề xuất bộ tiêu chí phải thật cụ thể, chi tiết. Đồng thời khẳng định: "Bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập là công cụ quản lý tiến hành triển khai xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp. Nhờ có bộ công cụ này, trên các địa bàn hành chính các cấp có sự thống nhất tiến độ thực hiện, đặt ra mục tiêu cần đạt trong từng giai đoạn, từ đó bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp".
"Đồng thời, Bộ tiêu chí này cũng là công cụ đánh giá thực trạng xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp trong từng giai đoạn. Nhà điều hành triển khai bộ tiêu chí này để đưa vào cuộc sống, nắm được tình hình, kết quả…"
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong cho rằng việc triển khai các mô hình học tập cấp xã, huyện, tỉnh sẽ rất khó khăn nếu không có "Ban chỉ đạo Quốc gia về xây dựng xã hội học tập".
Rào cản lớn nhất của xây dựng xã hội học tập là nhận thức về tính cấp bách cần phải học tập của người lao động, với tư cách là nguồn nhân lực. Chìa khóa mở ra vẫn là học tập suốt đời để có nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó tạo nên khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước cũng như từng địa phương trong giai đoạn sắp tới.
Hội thảo đã nhận được 18 tham luận, tập trung làm rõ chủ đề về bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp.
*Tạp chí Công dân và Khuyến học sẽ tiếp tục đăng tải các ý kiến tham luận tại hội thảo đến độc giả.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao các ý kiến trình bày tại hội nghị. Với tinh thần lắng nghe, cầu thị, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sử dụng kết quả của hội thảo dùng làm tư liệu để tiến hành xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trong thời gian ngắn nhất.
Tổng kết hội thảo, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã khái quát các vấn đề đã được nêu. Các ý kiến đều nhất chí phải sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập. Khẳng định, các mô hình học tập là yếu tố cốt lõi của xây dựng xã hội học tập.
Các ý kiến tại hội thảo đặt ra nhiều vấn đề đáng chú ý như: Mối liên hệ giữa tiêu chí nông thôn mới, khu đô thị văn minh với bộ tiêu chí xây dựng xã hội học tập, bổ sung thiết chế giáo dục, điều kiện vật chất để người dân học tốt; Thay đổi các từ, cụm từ cho phù hợp trong bộ tiêu chí...
Tại hội thảo này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin về việc sẽ sửa các thông tư 22/2020/TT-BGDĐT và 44/2014/TT-BGDĐT của Bộ để thống nhất giữa các văn bản ban hành các bộ tiêu chí.
Về tính thẩm quyền ban hành bộ tiêu chí "Công dân học tập", Hội Khuyến học Việt Nam sẽ thảo luận lại với Chính phủ để đảm bảo tính pháp lý.
Các ý kiến cũng đề cập đến vai trò của ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp tỉnh. Việc thực hiện sẽ cụ thể với tình hình của từng địa phương.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn nhắc các Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực hơn nữa trong xây dựng các mô hình học tập. Bộ nghiên cứu các ý kiến phát biểu và kết quả của hội thảo để sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá xây dựng xã hội học tập. Đồng thời đề nghị thường vụ, chủ tịch hội khuyến học các tỉnh tiếp tục là nòng cốt trong triển khai các mô hình học tập trong thời gian sắp tới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google