Sau khi uống rượu bia, dắt xe máy qua chốt kiểm tra nồng độ cồn có bị xử phạt không?

Hồng Ngọc
12:10 - 15/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nếu người điều khiển phương tiện đã uống rượu bia, khi thấy Cảnh sát giao thông hoặc chốt kiểm tra nồng độ cồn mới xuống dắt xe đi bộ nhằm né việc kiểm tra, thì đây có thể được coi là hành vi đối phó với lực lượng chức năng.

Sau khi uống rượu bia, dắt xe máy qua chốt kiểm tra nồng độ cồn có bị xử phạt không?- Ảnh 1.

Nếu có căn cứ trước đó người uống rượu bia điều khiển xe, nhưng khi tới gần chốt kiểm tra lại xuống dắt xe máy thì Cảnh sát giao thông có thể kiểm tra nồng độ cồn đối với người này và xử phạt theo quy định. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Chỉ xử phạt vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý theo quy định.

Đối chiếu các quy định trong pháp luật hiện hành, những người dắt bộ xe máy không thuộc trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vì không ngồi trên xe để điều khiển phương tiện. Do đó, lực lượng chức năng không có căn cứ xử lý những trường hợp này về vi phạm nồng độ cồn.

Cụ thể, Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nêu rõ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng.

Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.

Người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Hành vi né tránh chốt kiểm tra nồng độ cồn để đối phó với lực lượng chức năng có thể bị xử phạt

Tuy nhiên, nếu người điều khiển phương tiện uống rượu bia khi thấy Cảnh sát giao thông hoặc chốt kiểm tra nồng độ cồn mới xuống dắt xe đi bộ nhằm né việc kiểm tra, thì đây có thể được coi là hành vi đối phó với lực lượng chức năng.

Trong trường hợp này, nếu có căn cứ trước đó người uống rượu bia điều khiển xe (như camera ghi lại hình ảnh trước đó người uống rượu bia mà vẫn lái xe), nhưng khi tới gần chốt kiểm tra nồng độ cồn lại xuống dắt xe máy thì Cảnh sát giao thông có thể kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe và xử phạt theo quy định.

Về chế tài xử phạt, theo Điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi điều khiển phương tiện là xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện sau khi sử dụng rượu bia là từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn và tạm giữ phương tiện vi phạm.

Trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì có thể bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.

Theo thống kê của Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an, 11 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã xử lý 696.264 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chiếm 23% so với tổng số vi phạm trật tự an toàn giao thông, trung bình 1 ngày xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã và đang kiểm tra, xử lý quyết liệt vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, xảy ra 222 vụ tai nạn giao thông nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, làm chết 99 người, bị thương 168 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 77 vụ (-25,8%), giảm 99 người chết (-50%), giảm 49 người bị thương (-22,6%).

Cục Cảnh sát giao thông cho biết, việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn là việc làm xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ngoài xử lý theo quy định, lực lượng Cảnh sát giao thông còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với các cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan.

Để tiếp tục duy trì, thực hiện quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn, nhằm tạo chuyển biến tích cực, từng bước hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc vẫn đang triển khai quyết liệt, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn.

Nhằm lan tỏa thông điệp xử lý vi phạm về nồng độ cồn với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng tăng cường công tác tuyên truyền bằng hình thức lưu động đến các khu dân cư, khu vực tập trung nhiều người, để người dân biết và thực hiện.