Trong hơn 1 tháng, xử lý gần 200 cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn

Hồng Ngọc
15:33 - 12/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Từ ngày 30/8 đến 5/10, các tổ công tác thuộc Cục Cảnh sát giao thông tại 45 tỉnh, thành phố đã phát hiện hàng nghìn trường hợp người điểu khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.

Xử lý hơn 500.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 9 tháng đầu năm 2023

Từ ngày 30/8/2023 đến 5/10/2023, 6 tổ công tác đặc biệt của Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công An thực hiện nhiệm vụ tại 45 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, với phương châm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ".

Cụ thể, các tổ công tác đã trực tiếp kiểm soát 150.763 phương tiện, phát hiện và bàn giao cho Công an địa phương xử lý 5.284 trường hợp vi phạm. Trong đó liên quan đến nồng độ cồn có 5.053 trường hợp, 44 tài xế không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

Trong hơn 1 tháng, xử lý gần 200 cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn - Ảnh 1.

Lực lượng Công an tiếp tục kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Cục Cảnh sát giao thông

Việc kiểm soát, xử lý vi phạm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" được thực hiện nghiêm khi có tới 192 trường hợp người vi phạm là đảng viên, cán bộ đang công tác tại cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang bị phát hiện. Đối với những trường hợp này, ngoài xử phạt hành chính, các tổ công tác Cảnh sát giao thông sẽ gửi thông tin vi phạm về các cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định.

Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các tổ công tác đã phát hiện, lập biên bản, bàn giao cho công an địa phương khởi tố 3 vụ, 4 đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; 3 vụ chống người thi hành công vụ (tại Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng); 2 vụ với 2 đối tượng về hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (tại Cao Bằng, Thái Nguyên).

Tính đến hết tháng 9/2023, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý hơn 500.000 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chống đối người thi hành công vụ 

Để tiếp tục duy trì, thực hiện quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn, nhằm tạo chuyển biến tích cực, từng bước hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc vẫn đang triển khai quyết liệt, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn.

Công an một số tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ kiểm tra vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung vào kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, gồm nhiều lực lượng như: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy và Công an cấp huyện, bố trí kiểm tra chéo, tiếp tục xử lý vi phạm với tinh thần “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”.

Đặc biệt, Công an các tỉnh, thành phố cũng đã tham mưu cho chính quyền địa phương có những chỉ đạo kịp thời về không can thiệp vào công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm, nhất là vi phạm nồng độ cồn.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn là việc làm xuyên suốt. Để lan tỏa thông điệp xử lý vi phạm về nồng độ cồn với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng tăng cường công tác tuyên truyền bằng hình thức lưu động đến các khu dân cư, khu vực tập trung nhiều người, để người dân biết và thực hiện.

Ngày 21/9/2023, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 149/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.

Chương trình nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới. Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đã đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông.

Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.


Bình luận của bạn

Bình luận