Chủ xe có thể bị phạt nếu người mượn xe vi phạm nồng độ cồn
Trên thực tế, nhiều trường hợp cho người thân, bạn bè mượn xe, nhưng người mượn lại vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành, người cho mượn xe (tức chủ sở hữu xe) sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trên thực tế, không ít cá nhân tham gia giao thông bị xử phạt hành chính do vi phạm nồng độ cồn, nhưng phương tiện điều khiển khi tham gia giao thông là mượn của người khác.
Vậy trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật, người cho mượn xe (tức chủ sở hữu xe) có bị xử phạt không?
Người mượn xe vi phạm nồng độ cồn thì chủ xe có bị xử phạt không?
Căn cứ vào Khoản 10, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.
Khoản 1 Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ" như sau:
Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
- Làm chết người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Trường hợp làm chết, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe từ 2 người trở lên và gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng trở lên thì áp dụng Khoản 2 hoặc Khoản 3 của Điều luật này.
Căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên thì: Trường hợp biết rõ người mượn xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vẫn cố tình cho mượn dẫn đến người mượn xe gây tai nạn làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe, gây thiệt hại về tài sản của người khác thì chủ xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đặc biệt, để truy tố tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ" đối với chủ xe thì phải có hậu quả xảy ra, tức hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
Nếu hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm.
Ví dụ: Người cha là chủ sở hữu xe ô tô, biết rõ con mình không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (vừa sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khác, trong tình trạng say xỉn, không có bằng lái...) mà vẫn giao xe cho con mượn. Sau đó, người con điều khiển chiếc ô tô mượn và gây tai nạn chết người.
Trong trường hợp này, nếu cơ quan điều tra chứng minh được có hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ và dẫn đến gây tai nạn, làm chết người thì người giao xe sẽ bị khởi tố theo Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Mặt khác, nếu có căn cứ cho rằng, chủ xe không biết người mượn xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ hoặc người đó tự ý lấy xe và chủ xe không biết hoặc không thể biết thì không bị coi là giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xe cho mượn bị tạm giữ thì chủ xe có được quyền đi lấy về?
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 9 Thông tư số 47/2014 của Bộ Công an thì người đến nhận lại phương tiện phải là người vi phạm có phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Như vậy, người đến nhận lại xe bị tạm giữ phải là người vi phạm được ghi trong Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chứ không phải chủ chiếc xe cho mượn.
Nếu chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân vi phạm ủy quyền cho người khác đến nhận tại phương tiện bị tạm giữ thì phải lập văn bản ủy quyền.
Khi đi nhận lại phương tiện giao thông bị tạm giữ phải mang theo các giấy tờ như: Căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, biên bản tạm giữ, quyết định trả lại phương tiện để người tạm giữ phương tiện có thể kiểm tra và thực hiện việc trao trả phương tiện bị tạm giữ.
Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định rõ 3 mức phạt đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định rõ 3 mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn như sau:
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Ngoài ra, theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì tất cả các hành vi vi phạm giao thông đến nồng độ cồn đều có thể bị tạm giữ xe, và thời hạn tạm giữ xe tối đa là 7 ngày.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google