Đi xe máy, xe ô tô vi phạm nồng độ cồn bị phạt bao nhiêu tiền?

Lam Linh
19:00 - 15/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tính đến hết tháng 9/2023, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý hơn 500.000 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Vậy cá nhân điều khiển xe máy, xe ô tô trong tình trạng say xỉn bị phạt bao nhiêu tiền?

Đi xe máy, xe ô tô vi phạm nồng độ cồn bị phạt bao nhiêu tiền? - Ảnh 1.

Mọi trường hợp điều khiển xe máy, xe ô tô vi phạm nồng độ cồn đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Ảnh: chinhphu.vn

Trong thời gian qua, tính từ ngày 30/8 đến 5/10, các tổ công tác thuộc Cục Cảnh sát giao thông tại 45 tỉnh, thành phố đã phát hiện hàng nghìn trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.

Cụ thể, các tổ công tác đã trực tiếp kiểm soát 150.763 phương tiện, phát hiện và bàn giao cho Công an địa phương xử lý 5.284 trường hợp vi phạm. Trong đó liên quan đến nồng độ cồn có 5.053 trường hợp, 44 tài xế không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

Vậy mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô, xe máy được quy định như thế nào?

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP). Theo đó, mức xử phạt nồng độ cồn đối với xe máy và xe ô tô sẽ tùy thuộc vào nồng độ cồn được đo trên 100 mililít máu hoặc 1 lít khí thở.

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy

Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định rõ 3 mức phạt đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Như vậy, tài xế xe máy vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất lên tới 8.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe 2 năm.

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe ô tô

Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định rõ 3 mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn như sau:

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Như vậy, tài xế ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất lên tới 40.000.000 và tước giấy phép lái xe 2 năm.

Ngoài ra, theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì tất cả các hành vi vi phạm giao thông đến nồng độ cồn đều có thể bị tạm giữ xe, và thời hạn tạm giữ xe tối đa là 7 ngày.

- Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.

- Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước.

- Cồn thực phẩm là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H5OH và có tên khoa học là ethanol đã được loại bỏ tạp chất, đạt yêu cầu dùng trong thực phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có khả năng gây nghiện và gây ngộ độc cấp tính.

- Độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, bia tính theo phần trăm thể tích. Độ cồn được tính bằng số mililít ethanol nguyên chất trong 100 ml dung dịch ở 20 °C.

Nồng độ cồn là một chỉ số đo lượng cồn có trong các loại đồ uống như rượu, bia. Theo quy định của pháp luật, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải duy trì mức nồng độ cồn không vượt quá một giới hạn cố định.