Cơ quan thẩm tra nhất trí quan điểm cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Trung tướng Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, trung bình có 43% vụ vi phạm giao thông nghiêm trọng do rượu, bia. Chính vì vậy, việc phòng, chống tác hại của rượu bia là mệnh lệnh cần thực hiện.
"Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" là hành vi bị cấm
Ngày 29/11/2023, sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Văn phòng Quốc hội đã họp báo công bố kết quả kỳ họp. Trung tướng Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã trả lời câu hỏi về nội dung cấm tuyệt đối nồng độ cồn được quy định trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo đó, Trung tướng Nguyễn Minh Đức cho biết, tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông có hành vi uống rượu, bia trước, trong khi lái xe.
“Về nguyên tắc của pháp luật Việt Nam là thống nhất trong hệ thống pháp luật, luật ra sau phải trên cơ sở lấy nguồn của luật trước đó. Trên cơ sở của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đề xuất quy định này. Đây là đề xuất ban đầu, đang đưa ra Quốc hội thảo luận. Qua thảo luận, Quốc hội sẽ đánh giá, cho ý kiến đầy đủ, thấu đáo nhất” - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nên rõ và cho biết thêm, nếu cần sẽ lấy ý kiến rộng rãi về nội dung này.
“Quan điểm của Cơ quan thẩm tra hoàn toàn đồng ý với Cơ quan soạn thảo là phải tuân thủ quy định của pháp luật. Hàng năm, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra các báo cáo về an toàn giao thông, qua tổng kết các vụ tai nạn giao thông đường bộ cho thấy, trung bình có 43% vụ vi phạm giao thông nghiêm trọng do rượu, bia. Chính vì vậy, việc phòng, chống tác hại của rượu bia là mệnh lệnh cần thực hiện. Nội dung này cũng được nhiều người dân ủng hộ. Tôi tin rằng, Quốc hội sẽ cơ bản đồng ý nội dung này” - Trung tướng Nguyễn Minh Đức khẳng định.
Quy định về nồng độ cồn nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông
Trước đó, ngày 24/11/2023, trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là quy định cấm tuyệt đối với người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối với người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, cơ sở khoa học để đưa ra mức giới hạn thấp nhất.
Giải trình nội dung này, Cơ quan soạn thảo cho rằng, quy định cấm hành vi "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông. Nội dung này cũng thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" là hành vi bị cấm).
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.
Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể. Với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định mức tỷ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google