Sách giáo khoa giá khủng: Lập lờ đánh úp… phụ huynh?

An Đôn
16:29 - 11/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tại các trường học ở thành phố Hồ Chí Minh đang có tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo và thiết bị học tập lên đến cả triệu đồng một bộ khiến phụ huynh học sinh than trời.

Ngày 10/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT 2022 về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. 

Chỉ thị có nội dung đáng chú ý: "Không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng".

Thế nhưng, tại các trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh đang có tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo và thiết bị học tập lên đến cả triệu đồng một bộ khiến phụ huynh học sinh than trời.

Giá sách giáo khoa khủng khiến phụ huynh than trời 

Anh Đình có con chuẩn bị lên lớp 2 ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh, nhà trường nhắn tin giới thiệu bộ sách giáo khoa "đóng gói" có giá 768.000 đồng. Cụ thể, bộ sách giáo khoa lớp 2 (bài học, bài tập) và bìa bao có giá 370.000 đồng, bộ sách Tiếng Anh lớp 2 (bài học, bài tập) và bìa bao: 156.000 đồng, Luyện tập Tin học (tập 1, 2) và bìa bao: 54.000 đồng, bộ thực hành Toán 2 (2 hộp): 88.000 đồng.

Giá sách giáo khoa kèm quá nhiều sách thao khảo khiến phụ huynh học sinh than trời. Ảnh: An Đôn

"Tôi không hiểu vì sao bộ sách giáo khoa lại tách sách Tiếng Anh ra riêng. Tôi cũng không có nhu cầu mua bìa bao và bộ thực hành Toán 2 nhưng nhà trường vẫn bán kèm. Hơn nữa, nhiều cháu còn chưa đọc thông viết thạo thì bán sách Luyện tập Tin học để làm gì", phụ huynh này thắc mắc.

Chị Phương ở Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nhà trường giới thiệu bộ sách giáo khoa lớp 4 có giá 87.000 đồng, sách bổ trợ: 185.200 đồng, bộ đồ dùng 170.000 đồng, bộ sách Tiếng Anh: 324.000 đồng, bìa bao sách: 232.000 đồng.

"Nhà trường chỉ giới thiệu giúp, nếu phụ huynh có nhu cầu thì đăng kí mua ở trường. Tôi phải cắn răng mua cả bộ vì không biết ở nhà sách có bán đầy đủ không. Tôi thấy vô lí nhất là giá bìa bao sách quá đắt, phụ huynh có thể sử dụng giấy báo bao sách vở vẫn đẹp, sạch sẽ", chị Phương bày tỏ sự không đồng tình.

Những ngày qua, thông tin trên các phương tiện truyền thông cũng cho biết, tình trạng "đóng gói" sách giáo khoa kèm sách tham khảo hay gợi ý, ép học sinh mua sách ngoài danh mục trong nhà trường đang tồn tại ở rất nhiều địa phương.

Chẳng hạn, một trường tiểu học ở huyện Thanh Trì, Hà Nội thông báo cho phụ huynh gói sách với 24 đầu sách, tổng số tiền là 511.000 đồng, gồm vở bài tập in. Hay, theo thông báo của một trường Tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội, giá bộ sách lớp 4 là 664.200 đồng, gồm 27 đầu mục (cả sách bổ trợ, sách tham khảo, thiết bị, đồ dùng học tập).

Bán sách giáo khoa kiểu lập lờ móc ví… phụ huynh

Nhiều phụ huynh phải mua cả bộ sách giáo khoa "đóng gói" đội giá chóng mặt vì họ không biết đâu là sách giáo khoa, đâu là sách tham khảo. Trong khi đó, trường học gom cả sách giáo khoa, sách tham khảo, gọi lập lờ "sách bổ trợ" khiến rất phụ huynh nhầm tưởng học sinh phải học chừng đó sách. Và sách đó trong danh mục phải mua.

Cùng với đó, học sinh học sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mỗi trường chọn một bộ nên phụ huynh không biết tìm mua chỗ nào cho đủ bộ, cho đúng đầu sách của nhà xuất bản. 

Ngoài ra, thay vì viết vào vở, học sinh làm bài vào vở bài tập được in sẵn. Tuy vở này không nằm trong quy định bắt buộc nhưng do giáo viên đều hướng dẫn học sinh làm bài tập trên loại vở in này nên phụ huynh không còn cách nào khác buộc phải mua.

Trong khi đó, giá của các bộ sách giáo khoa mới lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 chỉ dao động từ 177 ngàn đồng đến 259 ngàn đồng/bộ. Ví dụ, bộ sách lớp 1 - Cánh Diều có giá 179 ngàn đồng, bộ Chân trời sáng tạo: 186 ngàn đồng, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống: 179 ngàn đồng. 

Hay là, bộ sách Cánh Diều lớp 10 giá 198 ngàn đồng, bộ Chân trời sáng tạo: 246 ngàn đồng, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống: 310 ngàn đồng.

Anh Đình, một phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh phàn nàn, ở bậc tiểu học, học sinh có thể sử dụng sách bài tập như Toán, Tiếng Việt để luyện tập thêm, nhưng với sách bài tập các môn Âm nhạc, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm có thực sự cần thiết không?

"Trong danh mục sách lớp 1, nhiều đầu sách bổ trợ như Giáo dục an toàn giao thông, Giáo dục quyền và bổn phận trẻ em, Giáo dục phòng chống bạo lực học đường... cũng được các trường gợi ý cho phụ huynh mua tham khảo là quá vô lí. Học sinh chỉ mới lên 6, sao có thể bắt các em học nhiều đến thế", anh Đình bức xúc.

Có hay không các trường học cố tình làm trái Thông tư của Bộ giáo dục và Đào tạo?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT Quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Bảng giá sách giáo khoa chưa bán kèm sách bổ trợ của nhà xuất bản.

Trong đó, Điều 4 quy định lựa chọn xuất bản phẩm tham khảo dùng chung trong các cơ sở giáo dục như sau: "Tổ (nhóm) chuyên môn, căn cứ vào mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục, sách giáo khoa, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học, các hoạt động giáo dục và đề xuất của giáo viên để lựa chọn, đề xuất danh mục xuất bản phẩm tham khảo tối thiểu liên quan đến môn học/lớp học, hoạt động giáo dục.

Thủ trưởng cơ sở giáo dục quyết định phê duyệt danh mục xuất bản phẩm tham khảo tối thiểu để có kế hoạch mua sắm và sử dụng hằng năm trong cơ sở giáo dục trên cơ sở đề xuất của hội đồng lựa chọn xuất bản phẩm tham khảo, cân đối nguồn kinh phí, quy mô của cơ sở giáo dục, số lượng và chất lượng xuất bản phẩm tham khảo đã có tại cơ sở giáo dục".

Cùng với đó, Điều 5 quy định trách nhiệm của giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp: "Giáo viên có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, nhận định và đề xuất đúng, khách quan, tin cậy cho cơ sở giáo dục để lựa chọn được những xuất bản phẩm tham khảo có chất lượng và sử dụng có hiệu quả trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu.

Như thế để thấy rằng, nhà trường muốn giới thiệu sách tham khảo cho phụ huynh thì phải làm theo quy trình chặt chẽ: tổ chuyên môn thẩm định chất lượng sách; thủ trưởng phê duyệt danh mục sách tham khảo; phụ huynh phải được cung cấp đầy đủ thông tin để có cơ sở lựa chọn.

Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét, sửa đổi Thông tư về sử dụng xuất bản phẩm bằng cách nghiêm cấm các nhà trường bán sách tham khảo trong trường học thì mới chấm dứt được tình trạng "ép" phụ huynh mua sách giáo khoa kèm sách tham khảo gây bức xúc từ nhiều năm nay.