Doanh thu sách giáo khoa cao, người học chới với

Phạm Thanh Khương
20:18 - 04/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Việc giá sách giáo khoa cao quá tầm với của những gia đình nghèo, khiến phụ huynh và học sinh chao đảo đã có "lời giải" thông qua doanh thu quá cao từ sách giáo khoa của các nhà xuất bản.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa công bố "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021". Đơn vị này có vốn điều lệ 596 tỉ đồng, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Năm 2021, Nhà xuất bản đạt doanh thu hơn 1.828 tỉ đồng, chiếm tới 97% trong đó là phát hành sách. Nếu tính lãi ròng sau thuế, Nhà xuất bản "hưởng" 287 tỉ đồng, cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao.

Trước đó, chiều 21/6/2022, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã "mạnh dạn" đưa ra đề xuất "sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện trường, cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần". 

  Dường như là một sáng kiến, một mô hình sử dụng sách giáo khoa đưa ra trong lúc dư luận đang sục sôi vì giá sách cao ngút, lại như xoa dịu làm bớt "đau ví" phụ huynh. Kì thực, về bản chất đó lại là thêm một cách "bấu" vào ngân sách. 

Doanh thu sách cao, người học chới với  - Ảnh 1.

Giá sách giáo khoa làm đau ví các phụ huynh. Ảnh TH

Phải nói ngay rằng, đề xuất trên là cách "đẩy gánh nặng" sang ngân sách nhà nước trước làn sóng học sinh, phụ huynh học sinh "kêu" giá sách cao. Bởi, giá có cao bao nhiêu đi nữa thì ngân sách nhà nước bỏ ra, sách mua nhập về thư viện các nhà trường và học sinh chỉ có việc đến đăng ký mượn học.  Nhưng, tiền ngân sách từ thuế mà ra. Mà việc sử dụng ngân sách lâu nay như "bầu sữa mẹ", ai dám chắc không có thất thoát, cải thiện được sự lãng phí, tắc trách và tham ô của công! 

Ngân sách nhà nước không phải "chùm khế ngọt". Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 448/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022- 2024 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022. Theo quyết định, tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2024 tối đa khoảng 2,044 triệu tỉ đồng, trong đó vay cho ngân sách Trung ương khoảng 1,927 triệu tỉ đồng, vay về cho vay lại khoảng 117 nghìn tỉ đồng. Tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2022- 2024 khoảng 1,116 triệu tỉ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 971 nghìn tỉ đồng, trả nợ vay lại khoảng 145 nghìn tỉ đồng. Việc dùng ngân sách "mua sách" rồi đưa vào thư viện như đề xuất, có khác gì, chất thêm lên vai chính phủ một khoản "vay, nợ" như hòn đá tảng, đã nặng còn nặng thêm.

Chưa hết, sáng kiến trên sẽ không thực hiện chỉ một năm, một lần mà sẽ diễn ra hằng năm, mà  năm sau lại "cao hơn năm trước" như lâu nay  vẫn vậy. Nói thế, bởi, nội dung sách giáo khoa chưa ổn định, sách dùng một lần vì "kiêm luôn" sách làm bài tập, khi học sinh dùng xong, lớp sau, năm sau lại phải  mua mới. Đã có chuyện mỗi năm học, sách mỗi khác, phụ huynh lại phải bổ sung, mua sách mới cho năm học mới. Lúc đó, ngân sách có "bổ sung" không? 

Việc dùng ngân sách để mua, đưa vào thư viện, cho học sinh mượn, khi và chỉ khi, nội dung sách ổn định, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo, giáo viên dạy chủ yếu dựa vào khung chương trình quy định như các nước có nền giáo dục tiên tiến đã áp dụng. Có thể, đây là bước "đi trước đón đầu" nhưng xem ra, cách làm sách giáo khoa như hiện nay, chắc "ngốn" và "tốn" kha khá ngân sách và chỉ làm cho báo cáo doanh thu của Nhà xuất bản hằng năm cao ngất mà thôi. 

Để câu chuyện giáo dục, đào tạo không còn là vấn đề nóng, có lẽ, tất cả mọi hoạt động, từ tư duy đến thực tiễn, cần triệt tiệu mục đích kiếm tiền là trên hết, mà phải tập trung làm nội dung sách chất lượng. Sách phải là chuẩn mực, không "sạn", ổn định, sử dụng lại nhiều lần như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Hiểu và cảm thông với những khó khăn, thử thách cũng như những vướng mắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Tuy nhiên, việc khắc phục và tháo gỡ khó khăn phải bắt đầu từ chính Bộ Giáo dục và Đào tạo với quyết tâm và ý chí cao mới đạt kết quả tốt đẹp như mong muốn.

Những tưởng từ những bức xúc về giá sách, con số doanh thu của nhà xuất bản có chức năng xuất bản sách giáo khoa sẽ "làm xẹp" dư luận, trái lại đó là một cú  đánh vào dư luận. 

Đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc này có khác gì vắt thêm sữa từ "bầu sữa mẹ" vào các nhà xuất bản. Vẫn biết, doanh thu từ giá thành sách giáo khoa cao, thuế cũng cao, nhưng cuối cùng mọi nỗi lo vẫn đổ lên mỗi người học, mỗi gia đình, phụ huynh và học sinh.