Siết lại buông lỏng, trừ bỏ trục lợi từ sách giáo khoa

Phạm Thanh Khương
22:45 - 11/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Những ngày gần đây, câu chuyện sách giáo khoa các cấp là một trong những nội dung “nóng” trên nghị trường. Người dân theo dõi các ý kiến chất vấn và trả lời của các “tư lệnh” ngành mà lòng vẫn còn nhiều băn khoăn.

Siết lại buông lỏng, trừ bỏ trục lợi từ sách giáo khoa- Ảnh 1.

Chính sách giáo dục cần tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ đến trường. Ảnh đồ hoạ IT

Trong phiên chất vấn những vấn đề liên quan đến giá sách giáo khoa ở Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khoá 15, "tư lệnh" ngành giáo dục nói rằng, giá sách đắt là do in khổ to và giấy đẹp. Tất nhiên, in khổ to và giấy đẹp thì giá sách phải cao hơn khổ nhỏ và giấy "không đẹp" là đương nhiên. 

Lời giải thích đúng quá mà nghe xong cứ "nghẹn" lòng lại. Sách đẹp, giấy đẹp in ra chỉ dùng một năm rồi bỏ vì hiện tại, các bộ sách đều cho học sinh làm bài trực tiếp vào sách nên sách không còn là ấn phẩm đọc, mà là ấn phẩm thực hành. Vậy có nhất thiết in đẹp, in đắt không? Có nên in khổ to khi nhiều lớp sĩ số vượt quy định, ngồi "nhét" ba, bốn cháu một bàn?

Và câu chuyện "vỡ lở" buông lỏng việc in ấn khuôn khổ sách khi "tư lệnh" ngành nói rằng: Bộ Giáo dục & Đào tạo đang tích cực biên soạn thông tư mới về quy cách, quy chuẩn của sách cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay. Việc này góp phần tác động vào giá sách và Bộ sẽ cố gắng làm thật nhanh. Nói thế là "tư lệnh" ngành đã "huỵch toẹt" buông lỏng việc quy định khổ sách lâu nay.

Đến phiên "tư lệnh" ngành tài chính trả lời chất vấn, vấn đề giá sách lại được đề cập. Lý do việc giá sách chỗ cao chỗ thấp, thì việc mỗi bộ sách một giá khác nhau mới sáng tỏ. Bộ Tài chính chỉ kiểm soát giá từ các bộ sách có liên quan nguồn ngân sách, còn lại "mạnh ai nấy làm", giá do nhà sách quy định. Việc phụ huynh mua sách thì tự lựa chọn, đâu rẻ thì mua. 

Các bộ sách không lấy nguồn ngân sách thì Bộ tài chính "vô can". Nhưng, vấn đề mà bấy lâu nay nhà nước "buông lỏng", không "nhìn đến", "nghĩ đến" chính là sách là mặt hàng thiết yếu, ấy thế nhưng không được đưa vào bình ổn giá. Mạnh ai nấy làm, thoải mái định giá mà không lo "sờ đến". Kẽ hở chính sách như thế này, làm sao các cơ sở in ấn không "tự quyết" giá cao cho được, không trục lợi cho được và đương nhiên, sẽ dẫn đến tình trạng giá sách "loạn cào cào" như hiện tại.

Chính từ việc "buông lỏng" việc in ấn sách giáo khoa của các cơ quan có liên quan đã dẫn đến tình trạng "loạn" giá sách. Các cơ sở in ấn thoải mái "xắn tay áo đốt tiền dân". Người dân "è" cổ chịu mua giá sách mỗi năm một cao, còn các nhà in cứ "vô tư" trục lợi. Việc nhà in "đẩy" giá sách từng năm quả là không thể trách. Làm kinh doanh, cứ lãi, có lợi nhuận là hàng đầu bởi bản chất cốt tử của kinh doanh là lãi. Nếu doanh nghiệp nào, "thoáng nghĩ" đến "đạo đức, lương tâm", trách nhiệm với xã hội thì "may chăng" giá sách thấp "đôi chút".

Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến công tác giáo dục, Người đã dạy rằng: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Trong bài "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng" đăng trên báo Nhân dân số 5526, ngày 1-6-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc và giáo dục tốt cho các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ... Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt". 

Trong Di chúc, Bác cũng viết: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".

Hội nghị Trung ương 8 khóa 11 đã ra Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày ngày 4 tháng 11 năm 2013, trong quan điểm chỉ đạo, Đảng khẳng định: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục-đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

Việc buông lỏng trong quản lý các khâu của các cơ quan có trách nhiệm cho đến các cơ quan chủ quản tạo kẽ hở, "cơ hội" cho thị trường sách giáo khoa náo loạn, "trục lợi" trên lưng của các gia đình phụ huynh và học sinh.

Hơn lúc nào hết, để chủ trương của Đảng "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" giành được kết quả, rất cần sự siết lại các khâu từ biên soạn, in ấn, khuôn khổ sách cho đến định giá sách. Cũng cần có thái độ rõ ràng và xác định trách nhiệm với các cơ quan, ban ngành có liên quan, trực tiếp là giáo dục, đào tạo và tài chính. Cần thiết, kỳ họp thứ 3, quốc hội khóa 15 ra nghị quyết đưa ngay sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, cần bình ổn giá. 

Giá sách cũng là "chìa khoá" tạo cơ hội đến trường cho các cháu hiện nay, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên viễn, đặc biệt khó khăn. Mong lắm nhiều cơ hội hơn nữa để khuyến học, để toàn thể trẻ em được đến trường, không ai bị rớt lại chỉ vì sách giáo khoa mới vừa sang, vừa in giấy tốt, vừa đắt đỏ.