Rất khó mua đủ bộ sách giáo khoa ngoài thị trường

Ly Hương
09:19 - 13/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều phụ huynh và học sinh đang gặp phải tình trạng khó có thể mua đủ bộ sách giáo khoa khi năm học mới đã cận kề. Nhiều ý kiến cho rằng ngành giáo dục cần nghiên cứu quy định thống nhất một bộ sách giáo khoa dùng cho các cấp học trên địa bàn.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định số 2708/QĐ-UBND Ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, thời gian tựu trường của học sinh bậc phổ thông vào ngày 22/8, ngày khai giảng là 5/9. 

Năm học mới đã cận kề, nhưng thời điểm này, trên thị trường lại đang xuất hiện hiện tượng khan hiếm sách giáo khoa. Nhiều phụ huynh rất khó để mua đầy đủ bộ sách giáo khoa lớp 10 Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện tượng khan hiếm sách giáo khoa

Anh Phan Anh (trú quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ngày 10/8, anh ghé qua 2 chi nhánh của Nhà sách Nhân văn để mua bộ sách giáo khoa lớp 10 cho con. Trường nơi con anh theo học chọn cả 3 bộ sách Chân trời sáng tạo, Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống.

Tuy nhiên, quầy sách chỉ có một số cuốn sách giáo khoa bộ Chân trời sáng tạo, không có sách chuyên đề học tập, còn sách bộ Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống thì không có cuốn nào.

Nhân viên nhà sách cho biết, sách bộ Chân trời sáng tạo tạm thời đã hết hàng từ nhiều ngày trước, đang đợi nhập về. Còn bộ sách Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống cũng chưa có thông tin về việc có hàng hay không. 

Thành phố Hồ Chí Minh: Rất khó mua đủ bộ sách giáo khoa ngoài thị trường - Ảnh 1.

Các kệ sách giáo khoa trống tạm thời trong thời điểm sắp vào năm học mới.
Ảnh: Phan Anh

Tiếp tục đến Nhà sách Tân Bình trên đường đường Trường Chinh (quận Tân Bình), anh Phan Anh cũng chỉ nhận được thông báo hiện sách giáo khoa lớp 10 Chương trình mới chưa có. Tại các nhà sách lớn, nhỏ khác ở quận Phú Nhuận, Tân Phú, quận 1, tình trạng thiếu sách cũng tương tự, không thể mua đủ bộ.

Hiện nay, các trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu chọn bộ sách Chân trời sáng tạo, rất ít trường chọn bộ Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống nên phụ huynh không dễ mua đủ bộ cho con em.

Một vài phụ huynh mua đồ dùng học tập cho con em mình ở Nhà sách Nhân Văn chia sẻ, họ đã đặt sách giáo khoa ở trường, nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được.

"Con tôi rất nóng lòng muốn nhà trường giao đủ bộ sách giáo khoa để xem trước nội dung bài học nhưng vẫn không thấy đâu. Tôi có gọi điện hỏi thì nhân viên nói phụ huynh thông cảm, chừng nào có sách nhà trường sẽ giao cho các em ngay. Tình trạng này không biết đến ngày nhập học liệu có đủ sách hay không", một phụ huynh có con học lớp 10 ở quận Tân Bình chia sẻ đầy lo lắng.

Mỗi cấp học thống nhất dùng một bộ sách giáo khoa có khả thi?

Trước sự khan hiếm sách giáo khoa vì mỗi địa phương chọn một bộ khác nhau, có trường học chọn cả 3 bộ, đã có nhiều ý kiến cho rằng ngành giáo dục cần nghiên cứu quy định thống nhất một bộ sách giáo khoa dùng cho các cấp học trên địa bàn, tránh gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.

Tuy nhiên, việc đề xuất mỗi cấp học dùng một bộ sách giáo khoa là trái với các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Điều 32 Luật Giáo dục 2019 quy định sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, mỗi môn học có một, hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật; Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 30/1/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Điều 2 quy định nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa: "Lựa chọn sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông; Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn một đầu sách giáo khoa; Bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Cùng với đó, Điều 3 quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Thành phố Hồ Chí Minh: Rất khó mua đủ bộ sách giáo khoa ngoài thị trường - Ảnh 3.

Danh mục sách giáo khoa vào lớp 10 của Trường THPT Tây Thạnh.
Ảnh: Phan Anh

Ngày 26/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Điều 10 quy định Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh: Quyết định thành lập Hội đồng; hằng năm thành lập mới Hội đồng, đảm bảo có ít nhất 1/3 số thành viên đã tham gia các Hội đồng những năm trước đó.

Căn cứ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa quy định tại Điều 3 của Thông tư này, quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương và điều kiện tổ chức dạy học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.

Đã từng có ý kiến cho rằng, năm nay đã chọn sách giáo khoa của nhà xuất bản nào thì năm sau phải tiếp tục chọn sách giáo khoa của nhà xuất bản đó nhằm giúp giáo viên thuận lợi trong quá trình giảng dạy.

Việc lựa chọn các bộ sách và cung ứng sách giáo khoa đủ cho năm học mới luôn là việc được bàn thảo nhiều chiều. Vừa tạo được cơ chế tự chủ trong giáo dục để giúp phụ huynh và học sinh tiếp cận với phương pháp giáo dục tốt nhất, nhưng cũng cần kiểm tra giám sát qua thực tế cung ứng sách giáo khoa. 

Chính vì mỗi bộ sách giáo khoa đều có những ưu - khuyết điểm riêng nên dẫn tới sự lựa chọn không đồng đều, chất lượng không đồng nhất gây ra hiện tượng khan hiếm, khó khăn trong lựa chọn và cung ứng sách giáo khoa đầu năm học.