Thanh tra, kiểm tra liên quan việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa

TTH
15:11 - 19/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra, hoàn thiện quy định về biên soạn, phát hành, mua và sử dụng sách giáo khoa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 85/NQ-CP về Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022. Nghị quyết này tập trung vào phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm toàn diện các lĩnh vực trong đó chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu thực hiện thanh tra, kiểm tra, hoàn thiện quy định về biên soạn, phát hành, mua và sử dụng sách giáo khoa. 

Cụ thể như sau: 

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

- Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện năm học 2021 - 2022 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm học 2022 - 2023; nghiên cứu đề xuất, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan đến tự chủ đại học; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, công bằng, khách quan.

- Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; nghiên cứu, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phân bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, hoàn thiện quy định về biên soạn, phát hành, mua và sử dụng sách giáo khoa.

- Ban hành chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các Chương trình nhằm hỗ trợ để phát triển giáo dục cho vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Liên quan đến việc chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, biên soạn, phát hành sách giáo khoa mới, trước đó, ngày 5/7, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cảnh cáo ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Đây là nhà xuất bản đã vi phạm nghiêm trọng trong chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, biên soạn, phát hành sách giáo khoa mới.

Trong "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021" của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị này đã phát hành 164,6 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch đề ra.

Kết quả, lãi sau thuế của Nhà xuất bản Giáo dục là 287 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và vượt 150% kế hoạch được giao. Theo tính toán, cứ phát hành một quyển sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục thu về hơn 11.100 đồng và lãi gần 1.750 đồng. 

Cùng với đó, việc lựa chọn các đầu sách, bộ sách và phát hành sách giáo khoa theo kênh từ nhà sách liên kết với các nhà trường nảy sinh nhiều bất cập, gây khó cho giáo viên và học sinh trong việc dạy và học. 


Bình luận của bạn

Bình luận