Quỹ phụ huynh: Đừng để "biến tướng"!

Tuyết Trinh
09:36 - 24/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Là một phần quan trọng của hệ thống giáo dục và là cầu nối có nhiều ý nghĩa tích cực đối với công tác giảng dạy, đồng hành giữa nhà trường và gia đình, tuy nhiên, quỹ phụ huynh luôn là vấn đề khiến các nhà quản lý "đau đầu", phải làm sao để tránh những "biến tướng" tiêu cực?

Quỹ phụ huynh hay còn gọi là Quỹ cha mẹ học sinh xưa nay được sinh ra và kết nối với một ý nghĩa quan trọng là hỗ trợ các em học sinh có điều kiện phát triển tốt nhất trong môi trường giáo dục, có sự đồng hành giữa phụ huynh và nhà trường/thầy cô giáo, để học sinh được hưởng một thế giới học tập phong phú, chất lượng và đủ đầy. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, câu chuyện "lạm thu" quỹ phụ huynh đang là một đề tài tốn rất nhiều giấy mực. Các nhà quản lý hết sức đau đầu khi phải xem xét và đưa ra những hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi "trá hình" quỹ phụ huynh, "ép" cha mẹ học sinh tham gia vào những khoản thu "trên trời"! 

Quỹ phụ huynh: Đừng để "biến tướng"! - Ảnh 1.

Phải chăng, quỹ phụ huynh đã và đang dần bị bóp méo, biến tướng trở thành "công cụ" của khối giáo dục để trở thành một hình thức "moi tiền" phụ huynh  trá hình như dư luận vẫn thường phê phán? 

Tầm quan trọng của Quỹ phụ huynh trong hệ thống giáo dục

Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận được tầm quan trọng của Quỹ phụ huynh đối với hệ thống giáo dục của bất cứ nền giáo dục nào.

Thực tế, quỹ phụ huynh đã chứng minh được rất nhiều hiệu quả của một nhịp cầu nối ý nghĩa giữa trường học, học sinh và phụ huynh. Ý nghĩa của Quỹ phụ huynh không chỉ là tài chính, mà còn là sự hỗ trợ tinh thần và tham gia tích cực vào việc giáo dục. 

Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định nội dung về việc tài trợ cho giáo dục là các khoản đóng góp hỗ trợ tự nguyện không hoàn lại bằng tiền, hiện vật hoặc phi vật chất từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các cơ sở giáo dục. 

Như vậy, một phần quan trọng của Quỹ phụ huynh là cung cấp hỗ trợ tài chính cho trường học. Bản chất của Quỹ phụ huynh là phần đóng góp ý nghĩa, quan trọng đối với công tác song hành giảng dạy giữa nhà trường và gia đình, mục tiêu cuối cùng là cho các em học sinh được hưởng một không gian giáo dục lành mạnh, có điều kiện phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần. 

Trong bất cứ lĩnh vực nào, tài chính luôn là vấn đề quan trọng, quyết định phần nhiều vào sự thành công của công việc. Đối với lĩnh vực giáo dục, từ cơ sở vật chất trường học, công cụ, thiết bị hỗ trợ giảng dạy cho tới các hoạt động ngoại khóa, các chương trình sinh hoạt làm phong phú thêm đời sống, gia tăng sự gắn kết cho học sinh đều cần tới tài chính. Mà điều này, đối với hầu hết các cơ sở giáo dục, là phần đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh.

Với mong muốn hỗ trợ một phần các chi phí tài chính cho giáo dục, Quỹ phụ huynh đã làm tốt vai trò hỗ trợ cho chương trình giảng dạy và các hoạt động ngoại khóa nhằm tạo ra cơ hội cho học sinh tham gia vào các lĩnh vực khác nhau, bất kể là nghệ thuật, thể thao, khoa học hay ngôn ngữ. Quỹ này cũng có thể tài trợ cho các chương trình đặc biệt như học bổng để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Có thể nói, với mục tiêu hoạt động khá rõ ràng, Quỹ phụ huynh luôn làm tốt vai trò đồng hành, dẫn dắt hỗ trợ các hoạt động dạy và học của thầy cô và học sinh trên lớp. Đó cũng là yếu tố tiên quyết để Quỹ phụ huynh tồn tại và phát triển. 

Quỹ phụ huynh: Đừng để "biến tướng"! - Ảnh 3.

Quỹ phụ huynh luôn làm tốt vai trò đồng hành, dẫn dắt hỗ trợ các hoạt động dạy và học. Ảnh minh họa: IT

Tuy nhiên, làm sao để tránh "biến tướng" Quỹ phụ huynh? 

Mặc dù, Quỹ phụ huynh tạo điều kiện cho sự tham gia của phụ huynh vào Quỹ để họ trở thành một phần tích cực của cộng đồng trường học. Tuy nhiên, nó cũng tạo cơ hội cho phụ huynh dễ cho rằng, cứ đầu tư càng nhiều tiền vào cùng các hoạt động đắt đỏ, tốn kém thì hiệu quả của việc hỗ trợ giáo dục của con cái mình càng tốt. 

Điều này thực sự không cần thiết, hầu hết thời gian trên lớp, nhà trường đã và đang có đủ giáo trình, công cụ hỗ trợ để giảng dạy kiến thức một cách hoàn chỉnh cho học sinh. Việc thêm vào các hoạt động do Ban phụ huynh tổ chức chỉ là một phần bổ trợ thêm thời gian giao lưu, gắn kết ngoài học tập cho các con. Mặt khác, quỹ thời gian học tập chính của các con cũng không có nhiều để sử dụng các phần tổ chức quá ồn ào, phô trương từ việc lạm chi Quỹ phụ huynh. 

Các bậc phụ huynh và đặc biệt là ban đại diện cha mẹ học sinh (Ban phụ huynh) luôn là những người cần nắm rõ các quy tắc vận hành của Quỹ, thu/chi trên tinh thần vừa phải, chừng mực, đủ để duy trì và chăm sóc các hoạt động, nhưng cũng không quá dư thừa, để tránh cho con mình rơi vào quá nhiều các hoạt động tiêu khiển, giải trí quá mức không cần thiết ...

Xây dựng một tinh thần đoàn kết và cộng đồng giữa các phụ huynh trong vấn đề thu/chi Quỹ phụ huynh cũng là một vấn đề khéo léo, tế nhị, cần có người đứng đầu đủ tâm huyết, tỉnh táo và chuẩn mực điều hành công việc. Với chức năng là cầu nối giữa phụ huynh và nhà trường, Ban phụ huynh không chỉ tập trung vào vấn đề tài chính, còn có thể là cầu nối tháo gỡ những vướng mắc, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng kịp thời từ các gia đình tới nhà trường và ngược lại. Từ đó, có thể giúp xây dựng tinh thần đoàn kết và cộng đồng trong trường học. Khi cả trường học và phụ huynh cùng đóng góp vào mục tiêu giáo dục và phát triển của học sinh, nó tạo ra một tinh thần đoàn kết và cộng đồng mạnh mẽ.

Nhìn chung, Quỹ phụ huynh có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng mô hình giáo dục đa dạng và phát triển cộng đồng trường học. Sự hỗ trợ tài chính và tinh thần của quỹ này đóng góp vào việc tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh và giúp phát triển tương lai của họ. Hơn nữa, nó khuyến khích sự tương tác tích cực giữa trường học và phụ huynh, đóng góp vào sự hài lòng và thành công của cả hai phía. Tuy nhiên, tất cả những người tham gia đều phải cùng nhau xây dựng và vận hành Quỹ trên cơ sở tin cậy, minh bạch và hiệu quả. 

Quỹ phụ huynh: Đừng để "biến tướng"! - Ảnh 5.

Việc quản lý, sử dụng các khoản tài trợ phải theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và không để thất thoát, lãng phí. Ảnh minh họa: IT

Để việc quản lý Quỹ được minh bạch và hiệu quả, đòi hỏi phải thực hiện sổ sách rõ ràng, báo cáo và kiểm toán theo định kỳ. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư được cân đối với những mục tiêu rõ ràng theo kế hoạch được chia sẻ đầy đủ tới các thành viên, sẽ giúp việc chi tiêu được tính toán kỹ lưỡng, phát huy được tác dụng lâu dài. Ban phụ huynh cũng cần hiểu, biết và tuân thủ đúng chức năng của Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.

Theo đó, một trong những vấn đề quan trọng và Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp các khoản không tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. 

Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT các khoản không được thu bao gồm

- Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;

- Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

- Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;

- Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;

- Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;

- Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.


Bình luận của bạn

Bình luận