"Bóng đen" lạm thu tiền trường bao giờ mới chấm dứt?

Nguyễn Khanh
17:23 - 02/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Năm học 2023-2024 mới diễn ra được 1 tháng nhưng dư luận nhiều phen phải bất bình về tình trạng lạm thu tiền trường. Sự việc cứ tiếp diễn và năm nào cũng lặp lại.

Trong thâm tâm, phụ huynh nào cũng không muốn con mình bị xáo trộn tâm lý, không muốn con mình bị thầy cô, nhà trường để ý nên nếu như tiền trường nằm trong phạm vi chấp nhận được thì họ thường chọn cách im lặng. Nếu các khoản tiền trường quá cao, quá vô lý thì phụ huynh mới phải lên tiếng trước công luận. 

Nhức nhối tiền trường đầu năm học

Thực tế cho thấy, nhiều trường công lập hiện nay còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất do các hạng mục đầu tư đều có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước. Vì thế, việc kêu gọi xã hội hóa là một cách để đầu tư những hạng mục nhỏ trong nhà trường, lớp học được tươm tất hơn, giúp cho học sinh có nơi học tập thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, việc kêu gọi xã hội hóa núp dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh hiện nay ở một số trường đang kêu gọi và chi quá đà, quá sức chịu đựng của một bộ phận phụ huynh học sinh. Mặc dù các khoản xã hội hóa hiện nay được hướng dẫn là thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Thế nhưng, đa phần những nơi xảy ra lạm thu đều thực hiện theo cách cào bằng. Nói là "tự nguyện" nhưng đó là kiểu tự nguyện bắt buộc. Từ đây, gây ra bất bình cho chính những phụ huynh trong lớp và ngay cả dư luận xã hội.

Điểm lại một số sự việc đóng góp tiền trường trong những tuần vừa qua, dễ dàng nhìn thấy có nhiều khoản kêu gọi đóng góp không phù hợp, dẫn đến niềm tin vào của phụ huynh đối với ngôi trường mà con mình đang học bị mai một.

"Bóng đen" lạm thu tiền trường bao giờ mới chấm dứt? - Ảnh 2.

Nhiều trường học đã phải trả lại số tiền đã lạm thu đầu năm học 2023-2024.

Chẳng hạn, sáng 10/9/2023 vừa qua, Trường Trung học phổ thông Thanh Miện III (Hải Dương) tổ chức họp phụ huynh toàn trường. Tại buổi họp này, nhà trường đã thông báo kế hoạch học tập và các khoản thu năm học 2023 - 2024 cụ thể tới từng khối. Chiều cùng ngày, một phụ huynh của lớp 10D đã đề nghị giáo viên chủ nhiệm lớp cung cấp chi tiết các khoản thu, khoản đóng góp của học sinh. Giáo viên chủ nhiệm lớp 10D là bà Vũ Thị Thủy đã in một tờ giấy, trong đó có ghi cụ thể từng khoản thu theo phụ huynh lên tới 8.715.000 đồng. Trong đó có các khoản: xã hội hoá 300.000 đồng, gửi xe 360.000 đồng/năm; đồng phục 1.464.000 đồng, bảo hiểm thân thể 300.000 đồng/năm; học thêm hè 920.000 đồng; học thêm 2.176.000 đồng; sổ liên lạc điện tử 150.000 đồng/năm… Rõ ràng, nhìn vào các khoản thu, có nhiều khoản không hợp lý.

Vụ việc được dư luận quan tâm nhiều nhất trong những ngày vừa qua là tiền quỹ lớp lên đến 10 triệu đồng của lớp 1/2, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh). Thế nhưng, khi đóng tiền xong, phụ huynh lại bức xúc và sửng sốt với cách chi tiền quỹ lớp của ban đại diện cha mẹ học sinh. Bởi vì chỉ trong một thời gian chưa đầy 1 tháng, ban đại của lớp đã chi hơn 260 triệu đồng với 17 mục. Trong đó, khoản chi lớn nhất là ứng trước cho nhà thầu sửa chữa phòng học số tiền 150 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các khoản chi mua quà cho học sinh, đồ trang trí lớp, chi phí văn nghệ, sơn bàn ghế, lót gạch bên hông lớp học, mua micro gắn loa,…

Tiền quỹ lớp của học sinh lớp 1 mà phụ huynh lớp 1/2, Trường Tiểu học Hồng Hà phải đóng lên đến 10 triệu đồng có lẽ là trường hợp khá hiếm cho đến thời điểm này. Thế nhưng, đến thời điểm được phản ánh thì đã có 31/32 phụ huynh đã đóng tiền thu được là 310 triệu đồng. Chính vì phụ huynh bức xúc nên Phòng Giáo dục và Đào tạo Bình Thạnh kết luận trường chi sai và phải trả lại tiền cho phụ huynh và Trường Tiểu học Hồng Hà đã tổ chức họp phụ huynh và trả lại tiền ngay trong đêm 28/9 vừa qua. Thế nhưng, nguồn tiền nào để trả cho phụ huynh khi mà các hạng mục của lớp 1/2, Trường Tiểu học Hồng Hà đã chi vẫn là điều thắc mắc của nhiều người.

Hiệu trưởng nhà trường không thể vô can

Theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, ngày 22/11/1011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh từ sự ủng hộ tự nguyện và nguồn tài trợ hợp pháp khác. Trưởng ban này phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp lên kế hoạch chi tiêu kinh phí và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể thống nhất ý kiến. Việc thu, chi phải bảo đảm công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo quyết toán kinh phí tại các cuộc họp phụ huynh.

Các khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp là: Bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh; trông coi phương tiện đi lại của học sinh; vệ sinh lớp trường, lớp; khen thưởng giáo viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường...

Đối chiếu các khoản thu của nhiều trường học với Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, dễ dàng thấy có rất nhiều khoản thu hiện nay không phù hợp. Tuy nhiên, một số vụ việc xảy ra ở những trường phổ thông được báo chí phản ánh thì phần nhiều hiệu trưởng nhà trường đều nói không biết, hoặc đó là do Ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi, đứng ra làm.

Nói như vậy là cách thoái thác trách nhiệm. Chẳng hạn như lớp 1/2, Trường Tiểu học Hồng Hà được thợ vào phá nền, lát nền, sửa sang lại phòng học trong nhiều ngày, xe vật liệu vào trường mà hiệu trưởng lại không hay biết? Thử hỏi, cho dù Ban đại diện phụ huynh lớp đứng ra tổ chức mà giáo viên chủ nhiệm không báo cho hiệu trưởng sao? Giáo viên chủ nhiệm nào dám tự ý làm? Với quy chế hiện nay, chỉ cần thay, hay sửa 1 chiếc quạt máy trong lớp học mà không báo hiệu trưởng thì giáo viên còn bị phê bình, kỷ luật như chơi chứ đừng nói là thay đổi hiện trạng cả 1 phòng học.

Nhưng đâu chỉ mình trường Tiểu học Hồng Hà mà tình trạng lạm thu hiện nay diễn ra khắp nơi. Vì thế, các khoản tiền trường, quỹ xã hội hóa nếu hiệu trưởng không đồng ý thì Ban đại diện phụ huynh nào dám thu, dám kêu gọi? Bởi, phần nhiều các trường hiện nay đang thực hiện theo kiểu "thu hộ"; "giữ hộ". Đó là tiền cho dù ai kêu gọi thì giáo viên chủ nhiệm cũng "thu hộ" và nộp cho kế toán nhà trường "giữ hộ". Còn Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ việc ký vào các kế hoạch hay các khoản chi mà thôi.

Nói trắng ra, nếu nhà trường không "bật đèn xanh" đố phụ huynh nào dám kêu gọi đóng góp và cũng chẳng có mấy phụ huynh lại "tự nguyện" đóng tiền trường không phải là khoản bắt buộc. Vì thế, nếu xảy ra lạm thu tiền trường, cơ quan chức năng cách chức lấy vài hiệu trưởng để làm gương thì lạm thu tiền trường ắt sẽ giảm, sẽ không gây bức xúc cho xã hội như thời gian qua.