Lạm thu đầu năm học: Lộ trình ngăn chặn thu sai quy định

Ngọc Ánh
18:00 - 25/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Lạm thu đầu năm học không còn là câu chuyện mới. Dù ngành Giáo dục đã chỉ đạo sát sao nhưng tình trạng lạm thu vẫn diễn ra với nhiều hình thức khác nhau. Vậy đâu là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn "căn bệnh" lạm thu này?

Lạm thu đầu năm học không chỉ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của ngành Giáo dục, mà còn gây ra tâm lý nặng nề, thậm chí bức xúc cho nhiều phụ huynh học sinh và cả xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục vi phạm là cần thiết. Song cần phải tìm ra nguyên nhân và có những giải pháp căn cơ để ngăn chặn từ gốc vấn đề này.

Cần làm đúng quy định, công khai, minh bạch

Trao đổi với Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, xã hội hóa giáo dục là một xu hướng tất yếu, là nội dung quan trọng đảm bảo sự thành công của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa tài trợ với cơ sở giáo dục.

Lạm thu đầu năm học: Lộ trình ngăn chặn thu sai quy định - Ảnh 1.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo
dục
chuyên nghiệp, Bộ Giáo
dục
và Đào tạo. Ảnh: KT

Thực tế, tại các trường học, một số cá nhân đã và đang lợi dụng xã hội hóa để lạm thu, nổi cộm là vấn đề ban đại diện cha mẹ học sinh biến tướng, hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ, trở thành "cánh tay nối dài" giúp nhà trường thu thêm các khoản sai quy định.

Việc này dẫn đến bức xúc của cha mẹ học sinh, cho rằng cần bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh.

"Nhiều trường học ở các quốc gia trên thế giới vẫn có sự hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Họ cũng đứng ra phát động, quyên góp cho giáo dục nhưng dựa trên tinh thần nguyện, không ép buộc. Ngược lại, ở Việt Nam, nói là tự nguyện nhưng thực chất là bắt buộc", nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lạm thu trong trường học đó là nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục còn eo hẹp và bộ máy quản lý yếu kém, không minh bạch.

Để triệt tiêu lạm thu, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh kiến nghị một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, nhà nước, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, tăng tỉ lệ chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo và công khai minh bạch kinh phí hỗ trợ, đầu tư.

Thứ hai, mô hình quản lý giáo dục, cơ chế kiểm soát phải đổi mới. Theo đó, cần đẩy mạnh triển khai mô hình cộng đồng quản lý, người dân tham gia giám sát và đánh giá các hoạt động của trường học, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.

Thứ ba, xử lý nghiêm hiệu trưởng nếu để xảy ra lạm thu. Trong trường hợp hiệu trưởng cố tình vi phạm, có hành vi ép buộc hoặc gợi ý, giao khoán cho giáo viên chủ nhiệm, ban đại diện cha mẹ học sinh thu các khoản trái quy định, tùy theo mức độ vi phạm có thể cách chức, thậm chí xử lý hình sự để làm gương. Tuyệt đối không để hiệu trưởng lộng quyền, độc đoán.

Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa, có chính sách thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục nhưng phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, không ép buộc.

Để duy trì được sự hỗ trợ, sự tin tưởng tuyệt đối của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục phải thật khách quan, minh bạch trong sử dụng nguồn tài trợ, thường xuyên liên lạc trao đổi, báo cáo hiệu quả sử dụng những nguồn tài trợ do các đơn vị hỗ trợ.

Các địa phương quy định rõ các khoản thu và mức thu như thế nào

Với mong muốn ngăn chặn tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục, trong năm học 2022-2023, ngoài quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các khoản thu đầu năm học, nhiều địa phương cũng đưa ra quy định chi tiết về các khoản được thu và mức thu cụ thể khác.

Năm học này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng đã quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho khối trường công lập.

Các trường chỉ được phép thu các khoản trong danh mục. Theo đó, chỉ có một khoản thu theo định kỳ gồm: mua sắm thiết bị phục vụ bán trú; học và thi nghề phổ thông; nước uống. Các khoản thu theo tháng là: tiền ăn, hỗ trợ người nấu ăn; chăm sóc bán trú; quản lý trẻ/học sinh ngoài giờ hành chính; trông ngày thứ bảy, dạy học 2 buổi/ngày… Địa phương này yêu cầu các trường công lập phải sử dụng chứng từ thu.

Lạm thu đầu năm học: Lộ trình ngăn chặn thu sai quy định - Ảnh 4.

Với mong muốn ngăn chặn tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục, nhiều địa phương đã có quy định chi tiết về các khoản được thu và mức thu cụ thể. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cũng yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện thu đúng, thu đủ chi, sử dụng đúng mục đích khoản thu, tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch trong quá trình tổ chức thu, quản lý và sử dụng. Các khoản thu phải được công khai rộng rãi đến toàn thể hội đồng sư phạm, tất cả phụ huynh và học sinh toàn trường.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục không được quy định khoản thu quỹ hội phụ huynh trường; giáo viên chủ nhiệm các lớp không được phép thay mặt ban đại diện cha mẹ học sinh để thu quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu quỹ lớp.

Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm giám sát việc triển khai hình thành kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, nghiêm cấm việc thu bình quân.

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình yêu cầu đối với mỗi khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục, các cơ sở giáo dục phải xây dựng dự toán thu, chi đồng thời tổ chức công khai, thống nhất và thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh làm căn cứ triển khai thực hiện.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục phải cắt giảm tối đa các chi phí, tiết giảm các khoản thu dịch vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục chưa thực sự cấp bách và cần thiết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học. Các trường phải phân kỳ các khoản thu hợp lý trong năm học để phù hợp với khả năng đóng, nộp của học sinh và cha mẹ học sinh.