Việt Nam - điểm đến lý tưởng cho dân “du mục kỹ thuật số”
Việt Nam nằm trong top 10 điểm đến tốt nhất thế giới cho những "du mục kỹ thuật số" do Tạp chí The Travel bình chọn.
Tháng 2/2022, tạp chí du lịch nổi tiếng The Travel của Canada đã công bố danh sách top 10 điểm đến cho những "du mục kỹ thuật số", xét trên các yếu tố như yên bình, chi phí sinh hoạt, con người, công nghệ, điều kiện sống và giải trí.
Việt Nam đứng thứ 8/10 trong bảng xếp hạng này. Giới "du mục kỹ thuật số" đánh giá Việt Nam là một đất nước yên bình, người dân thân thiện, thời tiết dễ chịu, tỉ lệ tội phạm thấp, điều kiện sống dễ cân bằng giữa công việc và nhu cầu thư giãn, giải trí. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin và kỹ thuật phát triển cũng là một trong những điểm mạnh của Việt Nam.
The Travel nhận định, mặc dù Việt Nam chưa phải quốc gia phát triển nhất nhưng lại là môi trường lý tưởng cho những người trẻ lựa chọn lối sống "du mục kỹ thuật số" tới trải nghiệm và khám phá. Chi phí sinh hoạt hợp lý cũng là một trong những yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho những "du mục kỹ thuật số". Chỉ với 420 USD, du khách có thể thuê căn hộ một phòng ngủ tại thành phố lớn và trang trải chi phí ăn uống trong một tháng.
Theo kết quả cuộc khảo sát Expat Insider 2022, Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách những nơi đáng sống nhất cho người nước ngoài năm 2022, tăng 3 bậc so với vị trí thứ 10 trong Expat Insider 2021 năm ngoái.
Expat Insider là khảo sát thường niên do tổ chức InterNations - cộng đồng người nước ngoài lớn nhất thế giới - thực hiện. InterNations hiện có hơn 4 triệu thành viên, đã khảo sát với gần 12.000 người tham gia sống và làm việc ở nước ngoài tại 52 quốc gia.
Expat Inside là khảo sát đo lường mức độ hài lòng của người nước ngoài tại nước cư trú, bao gồm các chỉ số: chất lượng cuộc sống, khả năng định cư dễ dàng, cơ hội việc làm, tài chính cá nhân, nhà ở, ngôn ngữ,...
Danh sách những điểm đến hàng đầu cho người nước ngoài trong năm 2022 theo kết quả khảo sát của Expat Inside lần lượt là: Mexico, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, UAE, Việt Nam, Thái Lan, Australia và Singapore.
Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 80% số người được hỏi hài lòng và có cuộc sống thoải mái với mức chi phí sinh hoạt tại Việt Nam. 68% cảm thấy được trả lương công bằng dựa trên ngành nghề, bằng cấp và chức vụ của họ.
Các lĩnh vực phổ biến nhất mà người nước ngoài làm việc ở Việt Nam là giáo dục (21%); sản xuất và kỹ thuật (15%); quảng cáo, tiếp thị và truyền thông (13%).
Cũng theo khảo sát này, Việt Nam đứng thứ 9 về chỉ số định cư dễ dàng trong tổng số 52 quốc gia. 84% người nước ngoài được hỏi đều cho rằng cư dân địa phương thân thiện, 83% cảm nhận được chào đón tại đây và 71% cảm giác "như đang ở nhà".
Đối với cuộc sống xa quê hương, việc tạo được mạng lưới kết nối cá nhân rất quan trọng. Việt Nam đứng thứ 7/10 trong số các quốc gia dễ dàng kết bạn. 54% số người được khảo sát quen nhiều người bạn mới và hài lòng với cuộc sống xã hội của họ tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, vẫn còn những vấn đề mà một bộ phận người nước ngoài chưa hài lòng, như môi trường (đặc biệt là ô nhiễm không khí, tiếng ồn tại các thành phố lớn), dịch vụ hành chính tại địa phương, rào cản ngôn ngữ, phương tiện giao thông công cộng,…
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng cho những người "du mục kỹ thuật số" muốn cân bằng giữa công việc - cuộc sống, giữa chi phí sinh hoạt và nhu cầu khám phá, giải trí. Với bề dày lịch sử, nền văn hóa đặc sắc, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nền ẩm thực phong phú và đa dạng, Việt Nam là đất nước không thể bỏ qua cho bất kỳ ai muốn trải nghiệm những điều mới mẻ.
Những thành phố thu hút đông đảo "du mục kỹ thuật số"
Tại Việt Nam, những "du mục kỹ thuật số" có cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở những thành phố lớn sôi động và nhộn nhịp, cho đến những thị trấn ven biển yên tĩnh hay vùng nông thôn trong lành, tùy thuộc vào sở thích, mong muốn và nhu cầu công việc.
8 địa điểm tại Việt Nam được đông đảo các "du mục kỹ thuật số" bình chọn là "đáng sống" ở Việt Nam bao gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt.
Mới đây, ấn phẩm Đông Nam Á của tạp chí Travel & Leisure vừa công bố giải thưởng Asia’s Best Awards 2022 nhằm đưa ra gợi ý về các điểm đến du lịch hấp dẫn trong khu vực. Danh sách này được dựa trên bình chọn của khách du lịch từ khắp thế giới.
Theo đó, có 3 thành phố của Việt Nam xuất hiện trong danh sách 10 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á (Best cities in Southeast Asia) đó là: Đà Nẵng (hạng 3), Hà Nội (hạng 5) và thành phố Hồ Chí Minh (hạng 8).
Phú Quốc và Côn Đảo cũng góp mặt ở hạng mục 10 hòn đảo hấp dẫn nhất Đông Nam Á (Best island in Southeast Asia). Trong đó, Phú Quốc ở vị trí thứ 4 và Côn Đảo xếp thứ 10.
Du lịch Việt Nam đang phục hồi và bứt phá
Hiện nay, các chính sách du lịch của Việt Nam đã được khôi phục gần như trước đại dịch: không cách ly, không xét nghiệm COVID-19, không yêu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19, không khai báo y tế trước khi nhập cảnh.
Nhờ vậy, du lịch đã có những tín hiệu phục hồi tích cực. 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602.000 lượt, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành tăng 94,4% so với cùng kỳ 2021 do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.
Dữ liệu từ Google cũng cho thấy Việt Nam liên tục nằm trong top điểm đến dẫn đầu thế giới với lượng tìm kiếm thông tin du lịch tăng cao.
Hồi sinh nhanh chóng sau đại dịch, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang dồn lực tái cơ cấu và đầu tư phát triển du lịch an toàn, du lịch xanh, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng theo đúng chủ đề của Năm Du lịch quốc gia 2022 Việt Nam là “Điểm đến du lịch xanh”.
Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường, tăng tốc phát triển ngành du lịch, trong 6 tháng cuối năm 2022, Tổng cục Du lịch tập trung phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để triển khai, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế. Đồng thời nghiên cứu xây dựng các mô hình mới về phát triển du lịch như mô hình liên kết phát triển vùng, phát triển du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng..., làm tốt công tác quy hoạch hệ thống phát triển du lịch.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google