Ca mắc cúm A tăng bất thường, người dân cần tăng cường phòng bệnh

Nhật Minh
11:15 - 20/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Những ngày gần đây, nhiều bệnh viện tại Hà Nội đã ghi nhận số ca cúm A tăng bất thường. Điều đáng nói cúm A thường rất ít xuất hiện vào mùa nắng nóng.

Theo Bệnh viện nhi Trung ương cho biết, gần đây số trẻ mắc cúm A có biểu hiện nặng phải nhập viện cấp cứu có xu hướng tăng nhanh.

Điển hình là bệnh nhi ở Nghệ An mắc cúm A/H5N1 rất nặng, nhập viện trong tình trạng phải thở oxy tổn thương phổi nặng nề, suy hô hấp.

Ca mắc cúm A tăng bất thường, người dân tuyệt đối không được chủ quan - Ảnh 1.

Lo ngại các ca bệnh nhi mắc cúm A tăng nhanh. Ảnh: Bộ Y tế

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Tạ Tuấn Anh, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi bị tổn thương phổi rất nặng, đã phải điều trị ECMO, nhưng tình trạng chung rất nặng nề, các chỉ số chức năng sống vẫn được duy trì, nhưng tổn thương phổi hồi phục rất chậm.

Được biết, trước đó trẻ sốt cao nhiều ngày, điều trị ở tuyến dưới 7 ngày nhưng không thuyên giảm mà càng sốt cao, ho. Sau đó, được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp nặng và tổn thương phổi nặng nề. Khi xác định bệnh nhi mắc cúm A/H5N1 gia đình cho biết, trước đó bệnh nhân không có tiền sử tiếp xúc với gia cầm.

Hiện nay, tại Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhi mắc cúm A, tăng hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Có bệnh nhi sốt cao, nôn, tụt huyết áp, gia đình đưa đi cấp cứu thì mới biết con mắc cúm A.

Tương tự, tại Khoa Nhi của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng ghi nhận số ca nhập viện tăng cao bất thường so với cùng thời điểm năm trước.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, trưởng khoa bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, các năm trước, dịch sốt xuất huyết xuất hiện trước, sau đó mới đến cúm A, nhưng năm nay chúng tôi ghi nhận sự đảo ngược. Sốt xuất huyết ở đây vài ca nhưng bệnh nhân cúm A lại tăng".

Bác sĩ Hường cho hay, các bệnh nhân cúm A vào viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, suy hô hấp,... Tuy nhiên, sau khi can thiệp sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, có thể ra viện.

Cúm A là một căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và dễ lây lan thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng...

Triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau. Sốt do cúm A sẽ đi kèm các triệu chứng như viêm họng nhẹ, đôi khi sẽ hắt hơi, ho.

Trước sự gia tăng bất thường của dịch cúm A, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên có những biện pháp phòng tránh cho bản thân, tránh tập trung đông người và nên đi tiêm vaccine để phòng bệnh. Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy nên tiêm phòng nhắc lại hằng năm.

Ngoài ra, cần đảm bảo biện pháp vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thường xuyên vệ sinh không gian sống. Cúm A là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do vậy tránh tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị cúm và đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để hạn chế lây nhiễm.

Bình luận của bạn

Bình luận