Phó Chánh văn phòng tỉnh Lâm Đồng bị kỷ luật vì vi phạm nồng độ cồn
Phó chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cùng 2 cán bộ khác (1 là Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và 1 là giáo viên tiểu học) vừa bị xem xét kỷ luật về hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
TPO thông tin, ngày 20/3, Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Theo đó, từ ngày 1/1 đến 15/3, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 3 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, bao gồm 2 công chức và 1 viên chức.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng thống nhất kỷ luật hành chính bằng hình thức “Cảnh cáo” đối với ông Trần Quang Khải - Phó chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh vì đã có 2 hành vi vi phạm khi tham gia giao thông. Trong đó, Hội đồng kỷ luật đề xuất hình thức “Khiển trách” đối với hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông.
Với trường hợp ông Hà Văn Vinh - Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở đã ban hành quyết định kỷ luật hành chính bằng hình thức “Khiển trách”.
Về trường hợp vi phạm nồng độ cồn của ông Nguyễn Thế Toàn (giáo viên Trường Tiểu học Tân Văn, huyện Lâm Hà), đơn vị đang thực hiện quy trình, thủ tục xem xét xử lý kỷ luật theo quy định.
Trước đó, đêm 23/1, Công an thành phố Đà Lạt phát hiện người điều khiển ô tô mang biển kiểm soát 49A-478.18 là ông Trần Quang Khải (47 tuổi) có hành vi vi phạm điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25mg/l khí thở (0,112 mg/l); không có giấy phép lái xe. Tại thời điểm vi phạm nồng độ cồn, ông Khải khai làm nghề tự do, tuy nhiên, qua xác minh thông tin, Công an thành phố Đà Lạt xác định ông Trần Quang Khải đang giữ chức vụ Phó chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Đêm 4/2, Công an thành phố Đà Lạt xác định ông Hà Văn Vinh (56 tuổi), điều khiển xe máy mang biển kiểm soát 49B2-086.40 mà trong hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25mg/l khí thở (0,093 mg/l); không mang theo giấy phép lái xe. Lúc bị phát hiện hành vi vi phạm, ông Vinh cũng khai làm nghề tự do, tuy nhiên, công an xác định ông là cán bộ, đảng viên đang công tác tại Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng.
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP). Theo đó, mức xử phạt nồng độ cồn đối với xe máy và xe ô tô sẽ tùy thuộc vào nồng độ cồn được đo trên 100 mililít máu hoặc 1 lít khí thở.
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy
Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định rõ 3 mức phạt đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Như vậy, tài xế xe máy vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất lên tới 8.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe 2 năm.
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe ô tô
Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định rõ 3 mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn như sau:
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Như vậy, tài xế ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất lên tới 40.000.000 và tước giấy phép lái xe 2 năm.
Ngoài ra, theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì tất cả các hành vi vi phạm giao thông đến nồng độ cồn đều có thể bị tạm giữ xe, và thời hạn tạm giữ xe tối đa là 7 ngày.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google