Có bị tăng mức phạt khi vi phạm nồng độ cồn nhiều lần?

Lam Linh
13:02 - 29/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Theo quy định của pháp luật, hành vi vi phạm nồng độ cồn nhiều lần, tái phạm được xác định là tình tiết tăng nặng. Người vi phạm có thể bị phạt ở mức cao nhất tại khung quy định.

Có bị tăng mức phạt khi vi phạm nồng độ cồn nhiều lần?- Ảnh 1.

Tài xế xe máy vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất lên tới 8.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe 2 năm. Ảnh minh họa từ IT

Độc giả đặt câu hỏi: Tôi vừa bị phạt 7.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe vì vi phạm nồng độ cồn. Xin hỏi, trong thời gian này, nếu tôi tôi tiếp tục vi phạm nồng độ cồn khi lái xe thì có bị tăng mức xử phạt hay không?

Hành vi vi phạm nồng độ cồn nhiều lần, tái phạm được xác định là tình tiết tăng nặng

Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng đối với người điều khiển xe máy nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Căn cứ vào điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính) thì việc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:

- Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó.

- Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.

Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đã được quy định cụ thể tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất thì sẽ bị xử phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Theo quy định pháp luật, mức phạt tiền cụ thể sẽ được áp dụng là mức trung bình của khung hình phạt là 7.000.000 đồng.

Tuy nhiên, đây không phải là mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn dù là vi phạm lần đầu. Bởi việc xác định mức xử phạt cao hay thấp hơn mức trung bình còn phải tùy thuộc vào các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng được áp dụng (nếu có).

Đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn 2 lần trong thời gian ngắn, ngoài việc bị xử phạt tước giấy phép lái xe, thì hành vi vi phạm nồng độ cồn nhiều lần, tái phạm còn được xác định là tình tiết tăng nặng. Vậy nên, người vi phạm trong trường hợp này có thể sẽ bị áp dụng mức hình phạt tối đa là 8.000.000 đồng.

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP). Theo đó, mức xử phạt nồng độ cồn đối với xe máy và xe ô tô sẽ tùy thuộc vào nồng độ cồn được đo trên 100 mililít máu hoặc 1 lít khí thở.

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy

Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định rõ 3 mức phạt đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Như vậy, tài xế xe máy vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất lên tới 8.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe 2 năm.

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe ô tô

Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định rõ 3 mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn như sau:

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Như vậy, tài xế ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất lên tới 40.000.000 và tước giấy phép lái xe 2 năm.

Ngoài ra, theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì tất cả các hành vi vi phạm giao thông đến nồng độ cồn đều có thể bị tạm giữ xe, và thời hạn tạm giữ xe tối đa là 7 ngày.

Bình luận của bạn

Bình luận