Trường hợp nào được miễn, giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn?

Lam Linh
19:46 - 22/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Khi công dân vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sẽ được miễn giảm tiền phạt - đó là những trường hợp nào?

Trường hợp nào được miễn, giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn?- Ảnh 1.

Nếu mức xử phạt khi vi phạm nồng độ cồn từ 2 triệu đồng trở lên thì người vi phạm có thể được miễn, giảm. Ảnh minh hoạ: Nam Nguyễn

Theo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý trên 71.400 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 182 tỷ đồng. Trong đó xử lý 29.099 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 41,25% tổng số vi phạm về trật tự, an toàn giao thông).
Độc giả đặt câu hỏi: Nhiều trường hợp bị xử phạt nồng độ cồn ở mức cao, có trường hợp lên tới vài chục triệu đồng. Với số tiền bị phạt lớn như vậy thì có được nộp phạt thành nhiều lần hay không? Và có trường hợp nào được miễn giảm tiền phạt khi vi phạm nồng độ cồn hay không?

Trường hợp nào được miễn, giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn?

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì việc miễn, giảm được áp dụng với người vi phạm luật giao thông khi bị phạt tiền từ 2 triệu đồng trở lên.

Như vậy nếu mức xử phạt khi vi phạm nồng độ cồn từ 2 triệu đồng trở lên thì người vi phạm có thể được miễn, giảm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần, bởi để được miễn, giảm trong nộp phạt vi phạm giao thông thì người vi phạm phải đáp ứng được các điều kiện đủ khác nữa.

Theo đó, việc miễn, giảm tiền xử phạt hành chính được áp dụng khi cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn.

Các trường hợp được miễn, giảm một phần tiền phạt vi phạm nồng độ cồn:

- Cá nhân vi phạm giao thông sẽ được giảm một phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt do không có khả năng thi hành quyết định khi thuộc trường hợp đã được giảm một phần tiền phạt mà tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn.

- Cá nhân vi phạm giao thông sẽ được miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt do không có khả năng thi hành quyết định khi thuộc trường hợp một trong các trường hợp:

+ Đã được giảm một phần tiền phạt theo quy định trên mà tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn;

+ Đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần nhưng gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn.

Trường hợp gặp khó khăn đột xuất về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.

Các trường hợp được miễn toàn bộ tiền phạt vi phạm nồng độ cồn

Khoản 1 Điều 76 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Cá nhân bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên;

- Cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn.

Cá nhân không có khả năng thi hành quyết định được miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76 của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn.

- Bị phạt tiền từ 2 triệu đồng trở lên, đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn.

Trường hợp gặp khó khăn đột xuất về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.

Như vậy, người vi phạm nồng độ cồn sẽ được miễn giảm toàn bộ tiền phạt khi đã được hoãn một phần tiền phạt mà tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn.

Lưu ý: Để được miễn, giảm trong những trường hợp trên thì người vi phạm cần có đơn đề nghị giảm, miễn tiền phạt kèm theo xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi học tập, làm việc gửi người đã ra quyết định xử phạt.

Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt xem xét, quyết định việc giảm, miễn và thông báo cho người có đơn đề nghị giảm, miễn biết; nếu không đồng ý với việc giảm, miễn thì phải nêu rõ lý do.

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy

Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định rõ 3 mức phạt đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe ô tô

Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định rõ 3 mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn như sau:

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hình phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Ngoài ra, theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì tất cả các hành vi vi phạm giao thông đến nồng độ cồn đều có thể bị tạm giữ xe, và thời hạn tạm giữ xe tối đa là 7 ngày.