Tránh vi phạm nồng độ cồn: Ký cam kết "Đã uống rượu, bia - Không lái xe"

PV
14:58 - 04/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Để tránh vi phạm nồng độ cồn, Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia, người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; ký cam kết "Đã uống rượu, bia - Không lái xe"…

Tránh vi phạm nồng độ cồn: Ký cam kết "Đã uống rượu, bia - Không lái xe"- Ảnh 1.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm lỗi vi phạm an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm nồng độ cồn

Tại Công văn 1300/UBND-TH4 do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia, người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; ký cam kết "Đã uống rượu, bia - Không lái xe"; tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật kịp thời đối với cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định.

Những trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, các đơn vị thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông theo Nghị định số 48/2023/NĐ-CP ngày 17/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức...;

Đồng thời xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm.

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện tuần tra kiểm soát, thường xuyên tổ chức phương án phù hợp để kiểm soát nồng độ cồn; chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông đúng quy định của pháp luật, trong quá trình điều tra phải xác định nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện giao thông và nguyên nhân có liên quan đến trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong công tác quản lý nhà nước, thực thi công vụ.

Trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng chức năng phải thông báo về cơ quan, đơn vị, nơi cư trú của mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị; đồng thời gửi Sở Nội vụ tỉnh để theo dõi, quản lý.

Vĩnh Phúc: 1 tháng có tới 50 trường hợp là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn

Thời gian qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn diễn ra thường xuyên, đặc biệt vẫn có nhiều trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Cụ thể, riêng trong 11 tháng đầu năm 2023, Cảnh sát giao thông Vĩnh Phúc đã xử lý hơn 9.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, ngành chức năng đã phát hiện và gửi thông báo 50 trường hợp là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ 8/2-14/2), lực lượng Cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện hơn 600 trường hợp vi phạm, tạm giữ 378 phương tiện giao thông. Trong đó, lỗi vi phạm về nồng độ cồn là 348 trường hợp; lỗi vi phạm về tốc độ là 43 trường hợp; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông 36 trường hợp.

Để công tác phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là tai nạn do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn chuyển biến tích cực, hiệu quả, bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có công văn yêu cầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông ở cấp độ cao hơn; thường xuyên phổ biến, quán triệt nội dung Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội và hạ tầng số; tăng cường phát sóng các chuyên mục, các bản tin tuyên truyền có liên quan vào các khung giờ vàng trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh....

Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận