Phép thi Hương thời vua Gia Long

Lê Tiên Long
06:41 - 11/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Vua Gia Long thống nhất đất nước năm 1802, nhưng mãi đến năm 1807, mới tổ chức kỳ thi Hương đầu tiên và định phép thi, làm cơ sở cho khoa cử suốt cả triều Nguyễn về sau.

Phép thi Hương thời vua Gia Long - Ảnh 1.

Đội thị vệ triều Nguyễn. Ảnh minh họa, nguồn: honguyenvietnam.org

Định phép thi Hương

Bộ sử nhà Nguyễn "Đại Nam thực lục" chép rằng: "Đinh Mão, Gia Long năm 6 (1807), mùa hạ, tháng 5, định phép thi Hương". 

Tuy nhiên, lúc này, cả nước mới có 6 trường thi, gồm các trường Nghệ An, Thanh Hoa (lúc này chưa đổi tên là Thanh Hóa), Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam thượng, Hải Dương. 

Trường Thanh Hoa thì Thanh Hoa và Thanh Bình (Ninh Bình ngày nay) thi chung; trường Kinh Bắc thì Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Cao Bằng thi chung; trường Sơn Tây thì Sơn Tây, Hoài Đức, Tuyên Quang và Hưng Hóa thi chung; trường Sơn Nam thượng thì Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ thi chung; trường Hải Dương thì Hải Dương và Yên Quảng (vùng Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay) thi chung. 

Mỗi trường thi đều đúc ấn "Thí trường" và ấn triện nhỏ "Văn hành công khí" (nghĩa là Cái cân văn chương là của chung) để sử dụng. Theo quy định của triều Nguyễn, việc cung đốn đồ đạc cho các trường thi đều chi tiền công.

Về quy chế đối với thí sinh, thì những học trò đi thi, trước kỳ lý trưởng sở tại phải ghi vào sổ, để loại những đối tượng không được phép dự thi gồm người có trọng tang, những người bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu toa và phạm án cướp hay phản nghịch sau năm Gia Long thứ 1.

Về quan chức trong các trường thi, thì vị Đề điệu, tức chánh chủ khảo, dùng quan tòng nhị phẩm, giám thí dùng quan tam phẩm, giám khảo dùng quan tam tứ phẩm, Phước khảo dùng quan tứ ngũ phẩm, Sơ khảo dùng quan lục thất phẩm. Về các võ quan giám sát trường thi, thì các chức thể sát, mật sát dùng cai đội các đội Thị trung và Thị nội; lại phòng thì chọn những thuộc lại các trấn, hoặc người viết chữ tinh đẹp để sung làm. Quan Tỏa viện ở nội trường thì dùng quan tham hiệp sở tại.

Luật lệ, xướng danh và yết bảng thi Hương

Quy định trong trường thi thì các quan nội trường không được mang theo thoi mực và giấy có chữ. Quan nội trường và quan ngoại trường không phải việc công thì không được gặp riêng nhau. 

Học trò vào trường không được mang theo sách vở, không được rời khỏi lều đi hỏi chữ hay thay đổi thẻ ghi tên, ai làm trái đều bị xét tội. 

Nếu quan trường với học trò có thông đồng với nhau, thì quan bị xử giáng chức hay bãi chức, học trò bị xử đồ, tức bắt làm phục dịch trong quân hoặc ở trại sản xuất công. 

Các viên thể sát, mật sát, lại phòng mà thừa dịp làm bậy, hay bọn vô lại, côn đồ lừa dối làm tiền, đều bị tội đồ. 

Học trò mượn người làm bài hay làm thay bài cho người thì xử sung quân.

Quy cách thi thì kỳ đệ nhất, ra năm đề kinh nghĩa, thí sinh làm chuyên một kinh hay kiêm năm kinh cũng được, truyện nghĩa một đề. Kỳ đệ nhị, các thí sinh làm các thể chiếu, chế, biểu mỗi thứ một đạo. Kỳ đệ tam, mỗi thí sinh làm một bài thơ Đường luật, một bài phú thể tám vần. Kỳ đệ tứ phải làm một đạo văn sách. Học trò làm bài, lấy một ngày làm hạn. Quy cách viết bài thì chữ Hán phải viết lối chân hay lối thảo.

Sau khi thí sinh nộp quyển, lại phòng soạn hiệu, phong lại, rồi đưa quyển sang quan giám khảo ở nội trường. Giám khảo chia giao cho sơ khảo để chấm, rồi đưa quyển trúng sang Phước khảo. Quyển trúng và quyển hỏng thì sơ khảo và Phước khảo đều phải ghi tên ở mặt quyển. Giám khảo duyệt lại rồi đưa những quyển trúng sang cho quan ngoại trường bình duyệt và châm chước để định lấy hay bỏ. Quyển nào văn lý có thể bỏ cũng được lấy cũng được, hay văn lý khá mà bị tỳ vết, thì quan giám khảo lưu lại để trình quan ngoại trường thẩm duyệt định bỏ hay lấy. 

Sau kỳ đệ tứ thì xướng danh. Sau Phước hạch thì yết bảng.

Về các học vị, người trúng tứ trường họi là Hương cống, trúng tam trường là Sinh đồ, đều được miễn các loại phu dịch. Hương cống thì được ban mũ áo và cho ăn yến, gọi là yến Lộc minh là tên một bài thơ trong thiên Tiểu nhã Kinh Thi tả bữa yến của vua ban cho quần thần).

Cũng như các thời đại trước, những người đỗ kì thi Hương đề được bước vào kì thi Hội (có bốn trường), sau đó vào thi Đình, ai đỗ đều đạt học vị tiến sĩ. Từ thời vua Minh Mạng, bãi bỏ hạng Đệ nhất giáp tiến sĩ, nên không có các học vị Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa), và lấy thêm một hạng dưới tiến sĩ, gọi là Phó bảng.