Học tập và thi cử của người xưa

GS.TS.Phạm Tất Dong
08:10 - 23/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Học tập, thi cử là sự nghiệp lớn của đời người. Người xưa cho rằng muốn thành người tử tế, nhân hậu, biết trọng đạo lý thì phải học, còn muốn thành danh thì phải thi. Nghìn năm trước, người Việt đã chăm học và thi cử thành đạt. Từ đó hình thành nên truyền thống hiếu học, trọng thầy mà ngày nay chúng ta thừa hưởng, phát huy.

Việc học tập và thi cử ở nước ta có từ bao giờ là điều hiện không có đủ tư liệu để khẳng định, cho nên chúng ta sẽ nói đến sự nghiệp này từ khi đất nước trở thành một quốc gia tự chủ, thống nhất và bắt đầu từ năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ 2 (1070), khi vua Lý Thánh Tông cho xây Văn Miếu ở phía Nam Hoàng thành Thăng Long. 

Và nhất là năm Ất Mão (1075) khi nhà vua xuống Chiếu, tổ chức khoa thi tuyển nhân tài đầu tiên của các khoa thi Nho học ở nước ta. Đó còn gọi là khoa thi Minh kinh bác học (am hiểu sâu sắc các kinh sử, bác học là nói về học vấn uyên bác). Còn có thi Nho học tam trường, tổ chức 3 kỳ. Kỳ thi thứ ba gọi là tam trường. 

Học tập và thi cử thời xưa  - Ảnh 1.

Trưng bày “Lều chõng của thí sinh trong kỳ thi Đình” tại Hà Nội. Ảnh: Page Hoàng Thành Thăng Long

Tuy nhiên, sự nghiệp học hành và thi cử ở nước ta không chỉ bắt đầu từ năm 1075, mà trong khoảng 1.000 năm Bắc thuộc, các viên quan cai trị phương Bắc cùng nhiều trí thức Nho học từ phương Bắc xuống đã tăng cường ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo vào nước ta. 

Dấu tích ấy hiện vẫn còn, như Sĩ Nhiếp, quan cai trị được cử làm Thái thú Giao châu, đã mở trường dạy chữ Hán cho dân ta tại thôn Tiền, xã Dục Tú, huyện Từ Sơn, phủ Đông Ngàn, Bắc Ninh (nay là thôn Tiền, Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội). 

Ông còn khai mở Nho học ở nước ta. Vì thế, trong Thần tích đình thôn Tiền, Sĩ Nhiếp là Thành hoàng và được coi là Nam bang học tổ. Hơn nữa, khi nhà Hán sang cai trị đất Giao Châu, ở nước ta đã có người thi đỗ Hiếu Liêm.

Học tập thời Nho học

Để con người thành đạt, cha ông ta đã tâm đắc với triết lý: Học để làm người. Với quan điểm này, hầu như các gia đình đều cố gắng cho con đi học trường làng. Từ nhà khá giả đến người dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, tất cả đều cho con tới học thầy. 

Con nhà giàu thì học nhiều để lớn lên theo đường khoa cử. 

Con nhà nghèo thì đi học "dăm ba chữ" của Thánh hiền để sống lương thiện, sống có đạo lý. 

Tuy vậy, nhiều trẻ em ở tuổi thiếu niên đã mầy mò tự học để có thể đăng ký vào các khoa thi nhằm tạo nghiệp lớn sau này.

Việc học tập và thi cử thời xưa rất khó. Học hành ở bậc thấp tại thôn, làng đều là học tư, không có trường công do nhà nước tổ chức. Tuy vậy, người dân nào dù nghèo mấy cũng cố cho con được học dăm ba chữ. 

Thời xưa, con thường gọi cha mình là Thầy, gọi người dạy mình cũng là Thầy, coi thầy dạy học như cha đẻ ra mình.

Thầy đồ không có lương bổng. Dân có con theo học thầy phải đóng góp gạo, rau dưa... nuôi thầy. Hàng ngày, học trò đến học cùng nhau giúp việc cho gia đình thầy như quét nhà, nấu ăn, gánh nước... đỡ đần thầy. 

Thầy mất thì trò làm đám tang. Giỗ thầy thì trò lo cúng lễ. Khi học, nếu trò không thuộc bài, thầy thường dùng roi để đánh, trò không oán thầy, cha mẹ đôi khi còn nhờ thầy thật nghiêm khắc với con mình.

Học tập và thi cử của người xưa - Ảnh 3.

Hiện vật khoa cử dành cho trẻ em trải nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Ảnh: Page Hoàng Thành Thăng Long

Tam tự kinh là sách vỡ lòng bằng chữ Hán mà trẻ đến lớp đều phải học. Nội dung sách gồm hơn 1.000 chữ Hán, ghép 3 chữ có nghĩa thành một câu, có vần dễ thuộc. Thầy giảng giải cho trò ý của từng câu. 

Câu mở đầu là: Nhân chi sơ, tính bản thiện (dịch: Con người sinh ra vốn tính lành). Thầy sẽ giảng cho trò hiểu, con người lớn lên, thiện hay ác, tốt hay xấu là do nhiễm những thói quen, lối sống trong xã hội. Vì thế, để giữ bản tính tốt, con người phải chuyên cần học tập, chăm chỉ lao động...

Mỗi câu trong Tam tự kinh đều mang theo một ý nghĩa giáo dục như: Ngọc bất trác, bất thành khí (Ngọc mà không được chế tác sẽ không thành sản phẩm có giá trị); Nhân bất học, bất tri lý (Người không học tập thì không hiểu biết đạo lý làm người); Thủ hiếu đễ, thứ kiến văn (Con trẻ phải hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em); Ấu bất học, lão hà vi (Khi nhỏ mà không học thì lớn lên, mãi mãi không hiểu được việc đời).v.v...

Thầy bắt học sinh học thuộc lòng, không được quên câu nào và phải thấu hiểu giá trị triết lý nhân văn trong từng câu, từng chữ. Ngày nay, nhiều người chê trách cho đó là "học vẹt", nhưng cần thấy rằng, nhiều người được vỡ lòng qua Tam tự kinh mà đã có những phẩm chất tốt đẹp, những lối sống lương thiện.

Những người học chữ Hán hiện vẫn hay dùng sách Tam tự kinh. Học thuộc được sách, viết và nhớ được trên 600 chữ Hán trong đó là đã đọc được nhiều văn bản, hiểu được không ít điều trong sách báo hiện đại.

Tiếp sau cuốn Tam tự kinh với những nội dung triết lý của nó, học sinh được học sâu về những vấn đề luân lý "Tam cương, ngũ thường".

Tam cương là 3 mối quan hệ

Quân thần cương (Quan hệ Vua và thần dân): Dân trong nước phải trung thành với vua. 

Phụ tử cương (Quan hệ cha mẹ và con cái): Làm con phải hiếu thảo với bậc sinh thành.

Phu thê cương (Quan hệ vợ chồng): Chồng phải sống tình nghĩa với vợ, vợ phải một lòng theo chồng.

Ngũ thường là 5 việc thường ngày phải làm

Nhân: Con người sống đức độ, tử tế với mọi người...

Lễ: Lễ độ, xử thế hòa nhã, sống hòa hợp với mọi người...

Nghĩa: Sống tình nghĩa, giải quyết có tình có lý với mọi người... 

Trí: Sáng suốt, thông minh, biết phân biệt đúng sai... 

Tín: Sống với sự tin yêu của mọi người, giữ lòng tin của người khác đối với mình.

Với học sinh lớn, thầy giáo sẽ dạy dỗ theo 4 bộ sách lớn (Tứ thư) và 5 tác phẩm kinh điển Nho giáo (Ngũ kinh).

Bộ Tứ thư 

1. Đại học: Sách dùng ở bậc đại học, được dạy cho những người từ 15 tuổi trở lên. Cụm từ "Đại học" được các nhà Nho giải thích là "Đại nhân chi học", tức là học để trở thành bậc đại nhân.

2. Trung dung: Sách dạy con người hiểu được đạo Trung dung của Khổng Tử, tức là hiểu được cách nghĩ và cách làm việc ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập... để thành người quân tử, đạt được trình độ đạo đức cao hơn.

3. Luận ngữ: Sách được viết từ thời Tiền Hán (206TCN - 220TCN) tới thời Hậu Hán (947-951), do Khổng Tử và nhiều đệ tử của ông biên soạn. Hầu hết, các bài trong luận ngữ do các môn sinh đạo Khổng chép lại những điều được giảng giải để sau này không quên. Các môn sinh tái truyền cho nhau, ghi lại thành bộ sách lớn.

4. Mạnh Tử: Tác phẩm triết học, đạo đức học, chính trị học về Mạnh Tử và các môn đệ của ông. Trong sách ghi lại những điều Mạnh Tử đối đáp với vua và những điều Mạnh Tử phê bình các học thuyết của Mặc Tử, Dương Chu... Đây là bộ sách kinh điển quan trọng của Nho học.

Sách Mạnh Tử có 2 phần là Tâm học và Chính trị học.

Tâm học: Nội dung chính là: Tính thiện do Trời phú cho con người; Giáo dục lấy tính thiện làm điều cơ bản; trau dồi cái thiện để thành người lương thiện. Tâm là thần minh của Trời. Học để giữ cái Tâm, nuôi cái Tính, biết rõ lẽ Trời mà theo chính mệnh.

Chính trị học: Sách trình bày chủ trương của Mạnh Tử: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (Vua không có quyền lấy dân làm của riêng của mình, phải duy dân và vì dân. Muốn vậy phải có pháp luật công bằng, dẫu là vua cũng không được vượt qua pháp luật).

5 tác phẩm kinh điển của Ngũ Kinh

1. Kinh Thi: Tổng tập thơ ca khuyết danh của Trung Quốc, gồm những bài được sáng tác từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, khoảng 500 năm. Tổng tập này có 311 bài thơ, chia làm 3 phần lớn: Phong (Thi ca trong dân gian), Nhã (Thi ca của triều đình), Tụng (Thi ca dùng nơi tôn miếu).

2. Kinh Thư: Bộ sách ghi lại các truyền thuyết, các biến cố về các đời vua cổ, có trước Khổng Tử. Việc san định các nội dung này thuộc về công của Khổng Tử. Ông muốn rằng, đọc Kinh Thư, các đời vua sau sẽ noi gương các minh quân như Nghiêu, Thuấn chứ không độc ác, tàn bạo như Kiệt, Trụ.

3. Kinh Lễ: Là sách ghi lại lễ nghi thời trước. Khổng Tử biên soạn lại để mong dùng làm phương tiện duy trì và ổn định trật tự xã hội. Người ta còn gọi Kinh Lễ là Lễ Ký.

Vào thời Chiến quốc có bộ sách gọi là Chu lễ, ghi chép lại chế độ quan lại cùng những tập tục lễ nghi của đời Chu. Đó là điều Chu Công chế định, coi như lý tưởng về chế độ chính trị và chức trách của bách quan.

Ngoài ra, còn có bộ sách gọi là Nghi lễ, nội dung là những ghi chép các loại lễ nghi thời Tần, chủ yếu là lễ nghi của các đại sĩ phu.

Lễ ký cùng với Chu lễ và Nghi lễ được gọi là Tam lễ.

4. Kinh Dịch: Bộ sách kinh điểnh của nước Trung Hoa, bao gồm một hệ thống tư tưởng triết học của người Á Đông cổ đại. Đó là tư tưởng triết học cơ bản dựa trên cơ sở của sự cân bằng thông qua đối kháng và thay đổi.

5. Kinh Xuân Thu: Bộ Biên niên sử của nước Lỗ, còn có tên là Lân Kinh. Đây là bộ sử viết về giai đoạn từ 722 TCN đến năm 481 TCN. Nội dung bộ sử này cực kỳ xúc tích, bao gồm rất nhiều truyện và những sự kiện, hết sức khó đọc vì không dễ gì hiểu được những nghĩa trong đó.

Sau khi học xong các sách khai tâm, phải đọc rất nhiều sách và cuối cùng bắt buộc phải đọc và thuộc Tứ thư, Ngũ kinh. Nhưng, muốn dự các khoa thi, học trò phải đọc thêm rất nhiều sách sử, văn và truyện.

Người học phải đọc nhiều, thuộc lòng không biết bao điều, lại phải nắm luật làm thơ, viết văn và phải luyện viết chữ thật đẹp. Nhiều người học đã phải dày công luyện chữ, sao cho chữ trên trang viết phải như "rồng bay, phượng múa". Có người đi thi bị đánh trượt chỉ vì chữ viết xấu.

Hơn nữa, những quy định về thi cử Nho học cực kỳ khắt khe, khuôn mẫu cứng nhắc và rất nhiều điều phi lý. Vì thế, thi cử ngày xưa là một việc vô cùng khó nhọc, vất vả, có người cả đời đi thi mà chẳng bao giờ biết đỗ đạt là gì.

Thi cử Nho học

Dưới thời phong kiến, học xong các lớp tiểu tập, học trò phải thi để kiểm tra trình độ. Cuộc thi này gọi là thi hạch. Tuy chỉ là hình thức kiểm tra, không phải là cuộc thi chính thức, nhưng được điểm thi hạch cao, người học cũng rất vinh dự.

Người đỗ đầu thi hạch ở huyện được gọi là ông đầu huyện, còn ở phủ thì được gọi là ông đầu xứ.

Việc thi Nho học do Nhà nước chỉ đạo gồm 3 cấp: Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình.

Thi Hương

Thi Hương là kỳ thi quốc gia ở cấp lộ, đạo. Nhưng cũng có khoa thi Hương là kỳ thi của cả nước, vì thi ở một lộ, một đạo nhưng người ở các lộ, đạo khác cũng được phép dự thi. Những cuộc thi như vậy gọi là Trường thi.

Học tập và thi cử của người xưa - Ảnh 4.

Trường thi Nam Định năm 1897. Nguồn ảnh: manhhai | Flickr

Các trường thi đều do các quan đầu lộ, đạo tổ chức. Nhà nước Trung ương cử một hội đồng gồm một vị chủ khảo lãnh đạo chung trường thi cùng với những giám khảo. Mỗi bài thi được chấm 2 lần, lần đầu gọi là sơ khảo, lần sau gọi là phúc khảo. Tên tuổi các giám khảo tuyệt đối được giữ bí mật. Người chấm thi phải ở ngay trong trường thi, không được liên hệ với người ngoài. Những kẻ tùy tùng phục vụ trường thi đều là người không biết chữ. Các giám khảo có nhà ở trong trường thi, có lính canh nghiêm mật.

Nhà nước quây một khu đất rộng làm trường thi. Các quan coi thi có nhà ở do nhà nước lo, còn thí sinh thì tự thu xếp chỗ ở trong trường thi. Thí sinh dựng lều ở vị trí được quy định, kê chõng để nằm, kê ván làm bàn viết. Trong ngày thi, thí sinh không được rời lều của mình, tối mới được về nhà trọ. Vì thế, khi đi thi, thí sinh phải gồng gánh vật liệu dựng lều, chõng để nằm, ván kê làm bàn, túi đựng bút nghiên, giấy viết... rất cồng kềnh. Đó là hình ảnh đặc trưng của những "anh khóa lều chõng đi thi".

Ở nước ta, thi Hương có từ thế kỷ 13. Vua Minh Mạng quy định cứ 3 năm thi Hương một lần.

Từ năm 1462, thi Hương được quy định qua 4 kỳ:

Kỳ 1 (Đệ nhất trường): Gọi là thi Kinh nghĩa. Thí sinh làm một bài thi về Tứ Thư, Ngũ Kinh.

Kỳ 2 (Đệ nhị trường): Gọi là thi Chính biểu, Thí sinh phải làm bài thi về Chế, Chiếu, Biểu, mỗi môn một bài.

Kỳ 3 (Đệ tam trường): Gọi là thi thơ, phú. Thí sinh phải làm một bài thơ, một bài phú.

Kỳ 4 (Đệ tứ trường): Gọi là thi văn sách. Thí sinh làm một bài tự luận trường thiên 1.000 chữ.

Số người thi Hương thường rất đông, có khoa thí sinh lên tới hàng nghìn, nhưng cho đỗ rất ít. Người thi đỗ 3 kỳ (đỗ tam trường) gọi là sinh đồ, tức là tú tài. Mỗi kỳ thi Hương chỉ lấy 70 sinh đồ.

Người thi đỗ 4 kỳ được gọi là Cử nhân (xưa gọi là Hương cống). Mỗi kỳ thi chỉ lấy 32 người đỗ cử nhân.

Đỗ tú tài được gọi là ông Tú, xếp vào hạng tiểu khoa, không được hưởng quyền lợi gì. Nhiều người đỗ tú tài, đi thi nhiều lần để mong đạt danh hiệu cao hơn (cử nhân) nhưng không qua nổi cầu thi cử, đành nhận lại danh hiệu tú tài. Tuy nhiên, đỗ tú tài lần 2 thì được gọi là ông Mền, và nếu đỗ lần 3 thì gọi là ông Đụp. Có nhiều vị đỗ cả chục lần tú tài mà vẫn tiếp tục đi thi để mong đỗ cử nhân.

Đỗ cử nhân được xếp vào hạng trung khoa. Các vị trung khoa được nhà nước nhận vào làm việc ở các Bộ, các Nha và nhiều cơ quan khác của nhà nước.

Đỗ đầu trung khoa gọi là đỗ giải nguyên, được gọi là Thủ khoa.

Thi Hội

Thi Hội là kỳ thi diễn ra ở kinh đô. Chỉ có những người đạt danh hiệu Hương Cống, hoặc những người làm quan nhưng chưa phải là Hương Cống mới được tham dự. Từ năm 1480, những vị quan nào chưa là Hương Cống mà xin thi Hội đều phải thi phúc hạch theo thể lệ thi Hương.

Thi Hội có 4 kỳ:

Kỳ 1: Có 4 đề về Tứ thư, Luận ngữ, 4 đề về Mạnh Tử, 3 đề về Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch, 2 đề về Kinh Xuân Thu.

Kỳ 2: Thi Thơ, Phú.

Kỳ 3: Có 9 đề về Chế, Biểu, Chiếu (mỗi thể 3 đề).

Kỳ 4: Thi Văn sách, hỏi về chính trị của các đời vua trước và phân tích chỗ khác nhau và giống nhau của Tứ Thư, Ngũ Kinh.

Đỗ thi Hội là đạt mức đại khoa. Song, muốn đạt mức cao nhất trong làng khoa bảng, các vị đại khoa phải đỗ đạt trong thi Đình.

Thi Đình

Gọi là thi Đình vì các khoa thi được tổ chức tại các đình, nghè thuộc hoàng thành của nhà vua, thí sinh không phải mang lều, chõng như thi Hương. Trong khi thi, thí sinh có chỗ ngồi cho đàng hoàng. Bài thi do vua đích thân ra, các vị đại thần khoa bảng có tham gia ý kiến và thực thi theo chỉ dụ của nhà vua. Ở bậc đại khoa, kết quả có 3 mức, gọi là tam giáp theo thứ tự từ thấp đến cao:

Đệ tam giáp: Người đỗ đệ tam giác gọi là ông Nghè (vì thi trong các đình, các nghè). Danh hiệu chung cho các ông nghè là tiến sĩ, nhưng với tiến sĩ cũng có sự phân biệt: Đỗ tam giáp loại khá, gọi hẳn là tiến sĩ, đỗ tam giáp loại chung gọi là đồng tiến sĩ. Đỗ tam giáp loại thấp gọi là phó bảng (điểm thi thấp hơn 2 loại trên, được lấy đỗ, nhưng ghi tên ở bảng thứ hai, bảng kế tiếp, không ghi vào bảng chính, gọi là phó. 

Đệ nhị giáp: Những vị đỗ tam giáp, có điểm cao hơn tiến sĩ và đồng tiến sĩ, được xếp vào loại đệ nhị giáp. Họ là những ông nghè, ông tiến sĩ, nhưng được coi là học vị cao hơn, do vậy được gọi là ông hoàng giáp.

Đệ nhất giáp: Người đỗ đệ nhất giáp có số điểm cao hơn so với các ông hoàng giáp và tiến sĩ. Đệ nhất giáp mỗi khoa thi chỉ lấy 3 người, xếp theo thứ tự: Điểm cao nhất: Trạng nguyên, thứ nhì Bảng nhãn, thứ ba: Thám hoa.

Thời Lê Thánh Tông, 3 người thuộc hàng Đệ nhất giáp được xếp vào hàng Tam khôi, gọi là Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ. Đệ nhất danh (Trạng nguyên), Đệ nhị danh (Bảng nhãn), Đệ tam danh (Thám hoa).

Những tiến sĩ ở hàng đệ nhị giáp (ông hoàng giáp) gọi là Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Những tiến sĩ ở hàng đệ tam giáp (ông nghè) gọi là Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Thi Đình cốt để chọn người tài nên nhà vua thường tự ra đề. Chính Lê Thánh Tông đã ra những đề thi làm cho các sĩ tử phải ngạc nhiên bởi vì toàn hỏi về chuyện quốc gia đại sự. Có lần, Lê Thánh Tông còn yêu cầu thí sinh viết về những đúng, sai của chính nhà vua trong việc trị nước. Thí sinh phải nói lên nỗi trăn trở của mình trước đạo trị nước của triều đình.

Vũ Kiệt đã viết về chống tham nhũng trong bài thi đình. Ông chỉ ra những ông quan bất liêm, chỉ chăm chăm tìm ra chỗ hở để gây ra tệ lậu bán buôn, hoặc không giữ chắc của công, hoặc lấy của công để vun vén cho mình. Ông đưa ra sách lược: "Thần mong bệ hạ hãy tuyển những người công minh, trong sạch và ngay thẳng, lấy danh vị giao cho họ trọng trách... Nếu như các vị trưởng quan chẳng phải là người tốt mà lại bắt bọn quan lại cấp dưới phải sống trong sạch, thế chẳng khác nào nước đầu nguồn đục mà mong cho dòng trong".

Còn Lương Thế Vinh viết trong bài thi Đình đã nói về đạo trị nước của vua còn có kẽ hở "Điều trọng yếu để cai trị không ngoài sự làm sáng rõ đạo Thánh, chính nhân tâm, trừ dị đoan, nắm vững quan chức, bỏ tệ xấu, làm việc tốt..."

Qua hai ví dụ trên, ta thấy, người đứng đầu triều chính thời Lê có thái độ cầu thị và tinh thần khuyến học thật đáng trân trọng.

Những trường đào tạo nhân tài thời Nho học

Năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ thứ hai (1070) đời Lý Thánh Tông, Văn Miếu được xây dựng. Nhà vua cho đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền để bốn mùa cúng lễ.

Trong thời Lê, những học trò ở các phủ muốn được vào học tại Quốc Tử Giám đều phải trải qua các kỳ thi sát hạch. Người đạt kết quả xuất sắc mới được tuyển.

Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 5 (1236), vua Trần Thái Tông đã chọn người quản lý Quốc Tử Giám với chức vụ Đề điệu. Đến năm Nhâm Thân, niên hiệu Thiệu Long thứ 12 (1272), vua Trần Thái Tông mới đặt học quan chính thức cho trường Quốc Tử Giám, gọi là quan Tư nghiệp. Năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình thứ 1 (1434), vua Lê Thái Tông đặt chức quan Tế Tửu đứng đầu Quốc Tử Giám. Những chức đó, ngày nay gọi là Hiệu trưởng.

Ngoài Quốc Tử Giám, trong nước còn có một số cơ sở đào tạo bậc cao để tuyển chọn, sử dụng vào các chức quan lại:

Ngự tiền Cận thị cục: Cơ sở đào tạo mà học trò tham gia học phải đỗ 4 kỳ thi Hương. Học xong, triều đình bổ nhiệm làm Huyện thừa.

Chiêu Văn quán: Cơ sở đào tạo giành cho con em các quan nhất phẩm, nhị phẩm và con trưởng của quan tam phẩm.

Tú Lâm cục: Học trò ở đây là con em các quan từ tam phẩm đến bát phẩm.

Trung Thư Giám: Học trò của Giám được gọi là hoa văn, là những người viết chữ đẹp và làm toán.

Sùng Văn quán: Trường giành cho con em quan lại cao cấp và tầng lớp quý tộc.

Những quy định chặt chẽ về học tập và thi cử thời Nho học

Để được thi vào Quốc Tử Giám và các cơ sở đào tạo cao cấp, các thí sinh phải thực hiện đúng các quy định sau:

Học trò phải kính cẩn, lễ phép, không được khinh nhờn thầy để không mắc tội "vô đạo". Nếu đã theo thầy học nghiệp mà lại quên ơn thầy thì sẽ bị phạt, suốt đời không được đi thi, không được làm quan, phải từ bỏ nghề nghiệp, bị phạt 50 quan tiền cổ.

Khi đăng ký thi, phải khai rõ lý lịch ông cha, bản thân, quê quán, tuổi tác, không được khai gian. Con nhà phường chèo, con nhà phản nghịch, ngụy quan không được dự thi. Khi thi, thí sinh phải khai rõ mình chuyên sâu về kinh nào trong Ngũ kinh. Mang sách vào trường thi hoặc mượn người thi hộ sẽ bị trị tội.

Xã trưởng phải chịu trách nhiệm làm giấy bảo kết về số học sinh trong làng, xã của mình đi thi. Nếu xã trưởng che dấu những khai man của thí sinh, sẽ bị trị tội. Học sinh được xã trưởng bao che cũng cùng bị trị tội. Danh sách thí sinh và sổ dự thi phải được xã trưởng gửi lên phủ, châu, huyện.

Xã trưởng phải chọn đúng số lượng thí sinh theo quy định của triều đình: Xã lớn chọn 20 người, xã trung 15 người, xã nhỏ 10 người. Nếu số thí sinh ít hơn thì được, nhưng vượt quá số quy định đều không được phép.

Những quy định ở trường thi: Mang tài liệu vào phòng thi bị gông một tháng, sau đó bị đánh 100 roi. Thí sinh làm ồn ở trường thi, chẳng những bị đuổi, mà quan đốc học, giáo thụ, huấn đạo ở địa phương có thí sinh mắc lỗi này đều bị truy tố.

Bài thi không được phạm lỗi khiếm tị (phạm tên húy), lỗi khiếm trang (dùng chữ thô tục, thiếu trang nhã). Làm bài hay mấy mà mắc lỗi này đều bị đánh hỏng bài thi. Khi gặp chữ tôn kính (thiên, địa, hậu...) mà không sang hàng và không đài (viết cao hơn các chữ cùng dòng) cũng là khiếm trang.

Chữ viết phải chân phương, thiếu nét là phạm luật. Cuối quyển thi phải ghi rõ số chữ đã xóa, đã sửa. Trước khi thi 4 tháng, tên tuổi phải ghi danh ở địa phương để công khai, để nếu có những vấn đề về lý lịch, dân chúng sẽ có ý kiến.

Người đang chịu tang bố mẹ, ông bà nội mà là người chính trong việc lo cúng giỗ thì sau khi đoạn tang (3 năm) mới được thi. Người thân bị tội như bị xử chém, xử giảo (treo cổ), đi đầy hay đào ngũ thì thí sinh không được thi. Thân thuộc với giặc thì dù đã chết hay đã ra đầu thú, con cái và cháu không được thi. Kẻ tòng phạm, con không được thi. Làm nghề xướng ca, con không được thi. Phụ nữ không được thi.

Học tập và thi cử của người xưa - Ảnh 7.

Mô phỏng hiện vật nghiên bút giấy dành cho học trò thời xưa. Ảnh: Page Hoàng Thành Thăng Long

Thi Hương, thị Hội, thi Đình là những kỳ thi rất khó và rất nghiêm. Người đi thi phải học đêm ngày, cha mẹ hay vợ phải lo mọi việc để thí sinh chuyên tâm vào việc "đèn, sách". Sự học phải cần mẫn, chăm chỉ, chú tâm. Người xưa hay dùng thành ngữ "nấu sử sôi kinh" để nói lên sự khổ luyện của người đi thi.

Đỗ đạt là chuyện cực khó. Khoa thi Hội ít thí sinh nhất là 1.000 (khoa thi năm 1613). Có 28 khoa thi với số lượng thí sinh từ 2.000 đến 3.000 người. Có 3 khoa thi đông nhất thời Mạc: Năm 1529 có 4.000 thí sinh; năm 1604 có 5.000 thí sinh; năm 1640 có 6.000 thí sinh.

70% các khoa thi Hội chỉ lấy đỗ từ 3 đến 13 người.

Năm 1670, số người đỗ thi Hội cao nhất là 31 người.

Thi Đình lại càng khó hơn. Ban đầu thì thường là mỗi khoa thi Đình lấy đỗ 1 trạng nguyên. Nhưng vào giai đoạn 1247 – 1736, nhà nước không xét lấy một trạng nguyên nào.

Trong 844 năm tổ chức thi cử Nho học, kết quả đỗ: 46 Trạng nguyên, 48 Bảng Nhãn, 76 Thám Hoa, 2.462 Tiến sĩ, 266 Phó Bảng. Tổng cộng: 2.898 nhà khoa bảng

Mặc dù các triều vua đều cảm thấy "nhân tài ít như lá mùa thu, tuấn sĩ thưa như sao buổi sớm", nhưng không vì thế mà xét đỗ được nới rộng.

Người xưa học thật, thi thật và đỗ thật. Giờ đây, mỗi năm số nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ có khi gần bằng tổng số những tiến sĩ Nho học được đào tạo trong 844 năm (1075 – 1919).

Ngày nay, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), ta còn thấy 82 bia văn Tiến sĩ, ghi danh những nhà khoa bảng đã đỗ đạt trong khoảng 300 năm (từ năm 1442 đến năm 1779) qua những khoa thi dưới triều Lê và Mạc. Đó là pho "sử đá" đồ sộ của quốc gia, là di sản tư liệu thuộc chương trình "Ký ức thế giới" (Memory of the world) của UNESCO. 

Chiêm ngưỡng những tấm bia lịch sử đó, ta lại càng cảm thấy sự nghiệp xây dựng xã hội học tập ngày nay là quan trọng đến dường nào. Công lao của những người làm khuyến học, khuyến tài sẽ được ghi tạc vào lòng dân không bao giờ phai mờ.