Bia Khuyến học Thanh Hóa – dấu ấn đặc biệt của xứ Thanh

Lê Tiên Long
15:38 - 07/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hiện nay, nhiều nơi sử dụng những câu văn của người xưa như "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" để làm khẩu hiệu đề cao tri thức. Tuy nhiên, ít nơi có được một nhà bia mang danh "Bia Khuyến học" như ở thành phố Thanh Hóa.

Bia Khuyến học Thanh Hóa – dấu ấn đặc biệt của xứ Thanh - Ảnh 1.

Nơi đặt bia Khuyến học của xứ Thanh từ lâu đã mang tên Ngã ba bia, với phố xá xung quanh rực rỡ ánh đèn. Ảnh: Huy Minh

Nhà bia Khuyến học nổi tiếng xứ Thanh

Bia Khuyến học Thanh Hóa được đặt ở đường Trường Thi, khu vực là trường thi Hương của xứ Thanh thời nhà Nguyễn. Bia nằm giữa vườn hoa hình tam giác, ngã ba của ba con đường Trường Thi, Bến Ngự, Lê Hoàn giao nhau, từ lâu đã được nhân dân gọi là "Ngã ba Bia".

Công trình bia Khuyến học ở cạnh Trường Thi Hương này được dựng từ năm 1891, gồm tấm bia đá đặt trong một nhà bia. Nhà bia được xây dựng kiểu hai tầng, tám mái, ở tầng mái thứ nhất thấp hơn đắp nổi bốn con rồng quay đầu ra bốn hướng. Tầng mái thứ hai, các đầu đao cũng được uốn cong và trang trí đuôi rồng cách điệu. Nóc nhà bia trang trí hai đầu rồng cách điệu, ở giữa là mặt trời.

Nhà bia có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh đều có 3 bậc tam cấp. Kiến trúc gồm 8 cột vuông xây bằng gạch (4 cột ngoài và 4 cột trong). Giữa 4 cột trong là đế bia và bia. Công trình được xây dựng hoàn toàn bằng gạch và vữa kết dính, phần mái cũng được đắp bằng vữa kết dính giả làm ngói ống. Phần giữa tầng một và tầng hai đắp nổi bức cuốn thư và ba chữ Hán tên nhà bia. Phía dưới tầng mái thứ nhất, gắn các thanh trang trí đúc bằng bê tông.

Bia đá được đặt chính giữa nhà bia, trên một khối đá hình chữ nhật đặt làm bệ nổi liền bốn cột phía trong. Toàn bộ tấm bia đá được làm bằng một khối đá liền, trán bia như hình cánh cung, chạm khắc vân mây. Diềm bia trang trí hoa lá, bia khắc chữ cả hai mặt.

Mặt trước của bia (theo hướng Đông Nam) khắc nội dung bài biểu của Tổng đốc Thanh Hóa Nguyễn Thuật (1842-1911) dâng lên triều đình nhà Nguyễn. 

Nguyên do là năm Mậu Tý (niên hiệu Đồng Khánh năm thứ 3 - 1888), triều đình bắt sĩ tử Thanh Hóa phải vào thi ở trường Nghệ An vừa vất vả, vừa tốn kém vì phải đi bộ đường xa, bị ốm đau nên các sĩ tử phải bỏ thi nhiều. Do đó Tổng đốc Nguyễn Thuật tấu xin triều đình cho sĩ tử Thanh Hóa được thi riêng ở trường thi Thanh Hóa. 

Cụ thể, lời văn bia được dịch tóm tắt rằng:

"Tỉnh Thanh ta khính ngưỡng theo điển tích, bậc thánh thần đã hóa ơn trạch. Văn học nổi lên sầm uất, buổi đầu nhà nước vâng đặt trường chuyên thi Hương vốn để ban ơn cho kẻ sĩ mà coi trọng đất thang mộc, về sau thi phụ ở tỉnh khác. Cho tới nay, năm Mậu Thân đời Tự Đức khôi phục lại chế độ cũ, trông ngóng đường Hòe. Có lẽ ngày nay trường thi của ta lại được khôi phục như xưa".

Phần tên, chức vụ những người viết biểu được khắc vào bia: "Thái tử Thiếu bảo, Tổng đốc Thanh Hóa đổi về nhận chức Thượng thư bộ Binh, họ Nguyễn hiệu là Hà Đình (tức Nguyễn Thuật), xuất thân từ Phó bảng, quê ở Quảng Nam".

Bên cạnh Nguyễn Thuật, bia còn khắc tên các viên quan đầu tỉnh Thanh khi đó, ký chung tờ biểu với Tổng đốc, gồm: "Quang Lộc tự khanh, lĩnh chức Bố Chính sứ Vương Duy Trinh, hiệu Đạm Trai, xuất thân từ cử nhân, người Hà Nội. Thị giảng học sĩ, lĩnh Án sát sứ Tôn Thất Luận. Trước tác Thương biện Tỉnh vụ Lê Huy Phan xuất thân từ cử nhân, người tỉnh Thanh. Thị giảng viên hàn lâm lĩnh chức Đốc học Nguyễn Duy Tiến, xuất thân từ cử nhân".

Cuối bia khắc ngày tháng, tên người viết chữ, người khắc bia: "Ngày 16 tháng 3 năm Thành Thái thứ 3 (1891), thân sĩ tỉnh Thanh cung kính tạc bia. Giám biện, giáo thụ phủ Hà Trung, cử nhân Nguyễn Lương Bính, huyện Quảng Xương. Huấn đạo Nguyễn Úy viết chữ".

Sau bài biểu là tóm tắt chiếu chỉ của triều đình cho phép như lời của Tổng đốc Thanh Hóa do ba vị quan ở triều đình ký. Mặt sau (theo hướng Tây Bắc) là lời tụng của các sĩ phu Thanh Hóa ca ngợi công ơn của Tổng đốc và các quan triều đình đã quan tâm đến việc học và thi, làm nức lòng sĩ tử và phát triển việc học của tỉnh Thanh.

Bia khuyến học cổ vũ việc học của cả nước nói chung

Do các lý do này, mà Bia Khuyến học chính là một dấu tích quan trọng trong việc cổ vũ việc học và thi, tôn vinh trí thức, tinh thần hiếu học không chỉ của nhân dân Thanh Hóa mà của cả nước nói chung. Từ tên gọi dân gian và ý nghĩa sâu sắc của tấm bia, khi thị xã Thanh Hóa mới đặt tên phố xá, đã gọi nơi dựng bia khuyến học là phố Trường Thi, đường Trường Thi và sau này là phường Trường Thi, thuộc thành phố Thanh Hóa ngày nay.

Với nhà bia xinh đẹp đặt giữa vườn hoa thoáng mát, đã tạo thành một công trình kiến trúc có điểm nhấn của thành phố Thanh Hóa. Đây là một di tích khá quan trọng không chỉ trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa nói chung, mà đặc biệt trong lĩnh vực khuyến học, đào tạo nhân tài nói riêng. 

Vì lẽ đó, Bia Khuyến học đã được tỉnh Thanh Hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1998.

Ngày nay, nhiều địa phương đã có các hình thức khác nhau để ghi nhớ công lao của tiền nhân trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục, tôn vinh công tác khuyến học, khuyến tài, nhưng tấm bia Khuyến học ở đường Trường Thi thành phố Thanh Hóa là một công trình có bề dày lịch sử, ghi dấu ấn đặc biệt của một vùng đất hiếu học.