Nỗ lực của Việt Nam gia nhập Mạng lưới "Thành phố học tập" toàn cầu
"Thành phố học tập" toàn cầu tạo sự bình đẳng trong việc phát huy tiềm năng con người, thúc đẩy sự phát triển cá nhân, phát triển bình đẳng và công bằng xã hội, tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.
Lịch sử ra đời, định nghĩa của UNESCO về "Thành phố học tập"
Từ thập niên 90, chương trình “Hướng tới một xã hội Châu Âu không ngừng học tập” đã phát triển và sử dụng định nghĩa sơ khai về thành phố học tập như sau: Một thành phố, thị trấn hoặc khu vực được gọi là “học tập” nếu nhận thức và thấu hiểu được vai trò chủ chốt của học tập trong việc phát triển sự thịnh vượng, bền vững của xã hội, thỏa mãn nhu cầu cá nhân và huy động toàn bộ nguồn nhân lực, vật chất và tài chính một cách sáng tạo, thận trọng nhằm phát huy tối ta tiềm năng của tất cả công dân trong phát triển thành phố đó.
Tuy nhiên, mỗi thành phố lại có những đặc điểm khác biệt về văn hóa, sắc tộc, cấu trúc xã hội, đa dạng quan điểm và tín ngưỡng. Vì vậy, trong bối cảnh xây dựng Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu, UNESCO định nghĩa: Một “Thành phố học tập” là một thành phố đầu tư vào chất lượng học tập suốt đời cho mọi công dân nhằm:
Thứ nhất, giải phóng tất cả tiềm năng của công dân thành phố đó.
Thứ hai, đầu tư vào sự phát triển bền vững tại nơi làm việc.
Thứ ba, khơi dậy và tiếp thêm năng lượng cho các cộng đồng dân cư của thành phố.
Thứ tư, thúc đẩy động lực làm việc của lãnh đạo thành phố.
Thứ năm, khai thác giá trị sáng tạo của các đối tác cấp địa phương, khu vực và quốc tế.
Thứ sáu, đảm bảo thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Hoàn thành những nhiệm vụ trên, thành phố giải phóng được sức mạnh nội sinh và tận dụng tất cả tài nguyên, từ đó tạo ra năng lực của cá nhân, kết nối xã hội, phát triển bền vững về cả văn hóa và kinh tế.
Bộ tiêu chí đánh giá về "Thành phố học tập toàn cầu"
Giải thưởng "Thành phố học tập" nhằm ghi nhận và trao thưởng cho những nỗ lực vượt bậc trong phát triển thành phố học tập của các cộng đồng trên toàn thế giới. Giải thưởng này sẽ được trao cho các thành phố đạt được tiến bộ đột phá trong việc thúc đẩy học tập suốt đời cho mọi người dân, bao gồm: thúc đẩy cơ hội học tập từ cơ bản tới đại học một cách bình đẳng cho mọi người; thúc đẩy học trong gia đình và trong cộng đồng; tạo điều kiện học tập phục vụ công việc và tại nơi làm việc; mở rộng việc sử dụng các công nghệ học tập hiện đại; tăng cường chất lượng và tính toàn diện trong học tập; thúc đẩy văn hóa học suốt đời.
Các thành phố đề cử xét nhận tặng thưởng "Thành phố học tập" của UNESCO sẽ được đánh giá dựa trên 35 tiêu chí, được phân vào các nhóm chính như sau:
Một là, thành phố đề cử phải cam kết mạnh mẽ sẽ tạo và mở rộng các cơ hội đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân, và trên phương diện này thành phố thể hiện khả năng lãnh đạo chính trị, tầm nhìn, khả năng dự đoán và quản lý.
Hai là, có kế hoạch hành động toàn diện và khả thi nhằm huy động nguồn lực và thu hút đối tác từ nhiều khu vực.
Ba là, có các khu vực tập trung (ưu tiên) rõ ràng và các mục tiêu theo từng giai đoạn.
Bốn là, thành phố đề cử phải có đang triển khai thực hiện những chiến lược vững chắc nhằm giải quyết các thách thức cụ thể của thành phố.
Năm là, có chính sách, thực tiễn và dự án nào hiệu quả để các thành phố khác học tập.
Sáu là, các hoạt động thành phố học tập của thành phố đề cử phải có ảnh hưởng tích cực tới trao quyền cho cá nhân, gắn kết xã hội, phát triển kinh tế, thịnh vượng văn hóa và phát triển bền vững.
Các "Thành phố học tập" tại Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam có 5 thành phố nằm trong mạng lưới 294 thành phố học tập toàn cầu trên thế giới được UNESCO công nhận, đó là: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Vinh (Nghệ An), thành phố Sa Đéc và Cao Lãnh (Đồng Tháp), thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương).
Như vậy, Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên tại Việt Nam có hai thành phố học tập toàn cầu. Để đạt được thành quả ấn tượng này là nhờ có sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân địa phương.
Những năm qua, thành phố Sa Đéc đã tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy cơ hội học tập từ cơ bản đến đại học bình đẳng cho mọi người. Cùng với đó là thúc đẩy việc học trong gia đình, trong cộng đồng và xây dựng văn hóa học tập suốt đời nhằm giúp người dân có cuộc sống ổn định và có thể hội nhập sâu rộng với thế giới, tạo ra động lực phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững hơn.
Bên cạnh đó, thành phố Sa Đéc cũng củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình: tổ dân phòng hoặc tổ dân phố khuyến học; tổ nhân dân tự quản khuyến học; gia đình hiếu học; dòng họ hiếu học; dòng họ học tập; đơn vị học tập và cộng đồng học tập cấp xã...
Đồng thời, tăng cường các hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho các tầng lớp nhân dân có điều kiện học tập nhằm hướng đến một xã hội học tập. Sau nhiều nỗ lực, tháng 9/2020, thành phố Sa Đéc đã vinh dự trở thành một phần trong Mạng lưới những thành phố học tập toàn cầu.
Chỉ sau hai năm từ khi Sa Đéc được công nhận là thành phố học tập toàn cầu, tháng 9/2022, thành phố thứ hai của Đồng Tháp - Cao Lãnh tiếp tục được ghi danh vào mạng lưới danh dự này. Không chỉ vận dụng những kinh nghiệm đã có, tỉnh Đồng Tháp còn nỗ lực thúc đẩy văn hóa đọc trong người dân thông qua việc thu hút đầu tư và xây dựng đường sách đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cao Lãnh. Nhờ đó, mọi người dân đều có điều kiện tiếp cận với nền tri thức của nhân loại.
Thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) hoàn thành 34/35 tiêu chí của UNESCO về xây dựng "Thành phố học tập"
Tháng 3/2020, thành phố Vinh có 29/35 tiêu chí đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO. Sau thời điểm đó, thành phố Vinh tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí liên quan đến bình đẳng giới, tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực của kinh tế và các hoạt động khác của con người đối với môi trường tự nhiên, tỉ lệ số hộ sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia.
Sau nhiều hoạt động thiết thực, truyền thông về giáo dục và đào tạo cũng như về xây dựng xã hội học tập để mọi tầng lớp nhân dân hiểu, chia sẻ và ủng hộ, thành phố Vinh đã được UNESCO công nhận là một trong những thành phố học tập toàn cầu vào ngày 3/9/2020.
Để làm được điều đó, thành phố Vinh đã chủ động gắn kết hoạt động xây dựng xã hội học tập với các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Cùng với đó là xây dựng, nhân rộng những mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập".
Về cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp, trang thiết bị dạy học, hệ thống nhà văn hóa cộng đồng, các trung tâm học tập cộng đồng tại các phường xã, khối xóm luôn được thành phố quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hàng năm.
Cùng với đó, tỉnh Nghệ An nói chung và thành phố Vinh nói riêng cũng chú trọng phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng các mô hình học tập, chú trọng đào tạo từ xa, học qua mạng internet.
Đồng thời, củng cố vững chắc kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục trên phạm vi toàn tỉnh, tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề và tổ chức để công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước được tham gia các khóa đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ.
Tính đến tháng 6/2023, thành phố Vinh đã có 34/35 tiêu chí đạt chuẩn theo quy định của UNESCO về thành phố học tập. Bên cạnh năm thành phố kể trên, các thành phố khác như Hạ Long, Bắc Ninh, Nam Định, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Biên Hòa, Bình Dương, Cần Thơ… cũng đang được đề nghị xem xét, chuẩn bị các điều kiện để đăng ký gia nhập mạng lưới này.
Việc trở thành thành viên của mạng lưới "Thành phố học tập" toàn cầu sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ và mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân thành phố.
Bên cạnh nâng cao uy tín và sự công nhận của cộng đồng quốc tế, gia tăng khả năng thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, sự thịnh vượng và phát triển bền vững của thành phố, trở thành một phần của mạng lưới "Thành phố học tập" toàn cầu còn giúp các thành phố có cơ hội tiếp cận với các chuyên gia, cộng đồng quốc tế, tham gia các hội nghị học tập của UNESCO trên toàn thế giới.
Ngoài ra, các thành phố thành viên cũng sẽ được tự do tiếp cận với các công cụ đo lường và giám sát, các tài liệu học tập để từ đó đạt được mục tiêu xây dựng thành phố học tập, đóng góp vào sự phát triển bền vững của bản thân thành phố đó cũng như của cả thế giới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google