Quảng Ninh: Quyết tâm bứt phá xây dựng "Thành phố học tập" Hạ Long
Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến cho rằng, quyết tâm, bứt phá của đội ngũ quản lý, giáo viên ngành giáo dục là "chìa khóa" xây dựng Hạ Long trở thành "Thành phố học tập".
Ngày 29/5, Thành ủy Hạ Long đã tổ chức Hội nghị Thường trực Thành ủy làm việc với ngành giáo dục và đào tạo. Hội nghị nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Tại hội nghị, đã có 207 ý kiến gửi về ban tổ chức và 13 ý kiến trực tiếp tại hội nghị xoay quanh một số vấn đề lớn như: cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, chính sách cho giáo viên, quy chế luân chuyển, tuyển dụng giáo viên, tổ chức thi nâng hạng cho giáo viên.
Cũng tại hội nghị, hiệu trưởng các trường đã đưa ra một số đề xuất gồm: Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho giáo viên có mức lương mới ra trường; chính sách phát triển giáo dục vùng cao trong đó có: Chế độ chính sách hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên đi thực hiện nghĩa vụ tại vùng cao; hỗ trợ chế độ ăn trưa, hỗ trợ học phí; hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đóng góp cho công tác giáo dục mũi nhọn, lộ trình tự chủ trong trường học, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật trong học sinh…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến cho rằng, song song với những thuận lợi, ngành giáo dục và đào tạo thành phố vẫn còn tồn tại nhiều thách thức như tình trạng như: Nhiều trường ở khu vực trung tâm có lượng lớp ít, không đáp ứng được số lượng học sinh ngày càng tăng; thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là các phường, xã trung tâm và các xã vùng cao.
Các cơ chế, chính sách cho ngành giáo dục chưa thực sự đột phá, hỗ trợ cho giáo dục ngoài công lập và các vấn đề liên quan đến biên chế vẫn còn hạn chế. Chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn thấp (đạt 68%). Ngành giáo dục thành phố chưa thực hiện quyết liệt việc đổi mới giáo dục cũng chưa huy động được nguồn lực xã hội hóa vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
"Ban thường vụ Thành ủy sẽ tiếp thu những đề xuất của ngành giáo dục thành phố cũng như của các thầy, cô giáo và cam kết sẽ giải quyết một cách sớm nhất. Đồng thời cũng tham mưu với tỉnh tiếp tục xây dựng các chính sách đối với giáo dục", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hạ Long cũng khẳng định, Ban thường vụ Thành ủy sẽ kết luận và có lộ trình cụ thể đối với ngành giáo dục. Ngành nào, lĩnh vực nào, cá nhân cấp ủy nào phụ trách phải thực hiện theo đúng cam kết và chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và trước quy chế đã đề ra.
Cụ thể, cần phải rà soát lại các quy chế, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành giáo dục về quỹ đất, về nguồn lực, đội ngũ và về an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, việc đảm bảo an ninh trật tự cho các cơ sở giáo dục để yên tâm trong công tác dạy và học tập rất quan trọng.
Các địa phương cũng hết sức quan tâm đến các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia và phổ cập giáo dục. Rà soát và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng gắn với xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các cơ sở giáo dục trên địa bàn, nhất là các cơ sở giáo dục tư thục.
Bí thư Thành ủy Hạ Long cũng yêu cầu ngành giáo dục quản lý thật tốt cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên hiện có, rà soát đồng bộ, phát hiện những gì còn thiếu, chưa đạt chuẩn đề xuất thành phố để có phương án giải quyết. Đặc biệt, nghiên cứu giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Không hài lòng với kết quả hiện nay bởi tiềm năng, lợi thế của thành phố Hạ Long là vô cùng lớn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google