Từ 2/2, Bộ Công an chịu trách nhiệm chính trong phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam
Nghị định số 87/2023/NĐ-CP quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam có hiệu lực từ 2/2/2024 nêu rõ, Bộ Công an chịu trách nhiệm chính trong phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Trong đó, Bộ Công an chịu trách nhiệm chính, toàn diện trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm tiền giả.
Thẩm quyền phát hiện, thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả
Căn cứ vào Nghị định số 87/2023/NĐ-CP thì trong các hoạt động, giao dịch có liên quan đến tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, cơ quan Công an, cơ quan có thẩm quyền của Quân đội, Hải quan thực hiện đối chiếu với các đặc điểm bảo an trên tiền thật cùng loại hoặc thông báo về đặc điểm và cách nhận biết tiền Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước đã công bố để xác định là tiền thật hay tiền giả.
Trường hợp phát hiện tiền giả, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, cơ quan Công an, cơ quan có thẩm quyền của Quân đội, Hải quan thực hiện thu giữ và lập biên bản. Trường hợp phát hiện tiền nghi giả, thực hiện tạm thu giữ và lập biên bản theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này.
Thời hạn lập hồ sơ đề nghị giám định tiền giả, tiền nghi giả
Trong thời gian tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày thu giữ tiền giả hoặc tạm thu giữ tiền nghi giả, tổ chức thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả có trách nhiệm lập 1 bộ hồ sơ đề nghị giám định tiền giả trong trường hợp có yêu cầu giám định, lập 1 bộ hồ sơ đề nghị giám định tiền nghi giả theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này và gửi đến cơ quan giám định của Bộ Công an hoặc Ngân hàng Nhà nước để thực hiện giám định.
Trường hợp tổ chức, cá nhân không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước thông báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý.
Trường hợp phát hiện dấu hiệu liên quan đến hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định về giám định tiền giả, tiền nghi giả. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định tiền giả, tiền nghi giả để xác định tính xác thực của đồng tiền thực hiện lập 1 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này và nộp trực tiếp đến cơ quan giám định của Bộ Công an hoặc Ngân hàng Nhà nước.
- Tiền Việt Nam (tiền thật) bao gồm tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành, là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Tiền giả được hiểu là vật phẩm có một mặt hoặc hai mặt mô phỏng hình ảnh, hoa văn, màu sắc, kích thước của tiền Việt Nam để được chấp nhận giống như tiền Việt Nam, không có hoặc giả mạo các đặc điểm bảo an, không do Ngân hàng Nhà nước phát hành hoặc là tiền Việt Nam bị thay đổi, cắt ghép, chỉnh sửa để tạo ra tờ tiền có mệnh giá khác so với nguyên gốc.
- Tiền nghi giả là tiền có hai mặt giống tiền thật về hình ảnh, hoa văn, màu sắc, kích thước nhưng sau khi đối chiếu với các đặc điểm bảo an trên tiền thật cùng loại hoặc thông báo về đặc điểm và cách nhận biết tiền Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước đã công bố, vẫn chưa xác định được là tiền thật hay tiền giả.
Xem chi tiết Nghị định số 87/2023/NĐ-CP: TẠI ĐÂY
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google