Dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ để lì xì Tết có phạm pháp?

Lam Linh
22:52 - 26/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Theo phong tục, vào dịp Tết Nguyên đán, người dân thường sử dụng tiền mới, tiền lẻ để mừng tuổi hay cúng lễ. Do đó năm nào cũng vậy, thị trường đổi tiền, thu phí luôn nhộn nhịp từ trước Tết. Vậy dưới góc độ pháp lý thì đây có phải là hành vi vi phạm pháp luật?

Mọi hành vi thu đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng chênh lệch, trao đổi tiền trên mạng không được phép đều vi phạm quy định pháp luật. Ảnh minh họa từ IT

Mọi hành vi thu đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng chênh lệch, trao đổi tiền trên mạng không được phép đều vi phạm quy định pháp luật. Ảnh minh họa từ IT

Tràn lan quảng cáo đổi tiền mới trên mạng xã hội dịp Tết

Cận Tết, dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ lại trở nên sôi động trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo khi nhiều người rao đổi tiền với mức phí rất cao, tùy thuộc vào mệnh giá. Với tiền mệnh giá nhỏ, phí đổi càng cao, còn nếu đổi với số lượng lớn thì phí đổi sẽ thấp hơn.

Do tiền mới, tiền lẻ khan hiếm dịp Tết nên nhiều người chấp nhận đổi tiền mới với mức chênh lệch dao động từ 5-16%, thậm chí đến 20-30% tùy theo loại mệnh giá, số lượng tiền cần đổi và thời điểm đổi tiền.

Cụ thể, trên nhiều trang mạng xã hội, bảng giá đổi tiền ở các mệnh giá như: tiền mệnh giá 20.000 đồng có phí đổi 80.000-140.000 đồng/triệu đồng; tiền mệnh giá 50.000 đồng có phí đổi 45.000-50.000 đồng/triệu đồng; tiền mệnh giá 100.000 đồng có phí đổi 30.000-35.000 đồng/triệu đồng.

Ngoài ra, nếu đổi từ 5 cọc trở lên, tiền mệnh giá 50.000 đồng có phí đổi 35.000 đồng/triệu đồng; tiền mệnh giá 100.000 đồng có phí đổi 15.000 đồng/triệu đồng. Đối với loại tiền lướt, mới 98-99% thì chi phí đổi tiền sẽ rẻ hơn so với tiền mới 100%.

Cận Tết, dịch vụ đổi tiền mới trở nên sôi động trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Cận Tết, dịch vụ đổi tiền mới trở nên sôi động trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Làm dịch vụ đổi tiền dịp Tết có thể bị xử phạt đến 40 triệu đồng

Theo Điều 12 và 13 của Thông tư số 25/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới có trách nhiệm thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân.

Ngoài quy định trên thì không có quy định nào khác về việc thu, đổi tiền. Vậy có thể hiểu pháp luật hiện hành chỉ quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông chứ chưa có quy định về việc thu, đổi tiền cũ vẫn đủ tiêu chuẩn lưu thông sang tiền mới. Đồng thời chỉ có các cơ quan, tổ chức nêu trên mới có chức năng thu, đổi tiền.

Vậy nên mọi hành vi thu, đổi tiền để "ăn" chênh lệch, thu phí mà không thuộc trường hợp được phép đổi tiền theo quy định tại Thông tư số 25/2013/TT-NHNN có thể coi là hành vi phạm pháp trong lĩnh vực ngân hàng.

Căn cứ vào điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng.

Bên cạnh đó, điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP cũng quy định về mức phạt tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Do đó, khi tổ chức thực hiện hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết để hưởng chênh lệch sẽ bị xử phạt từ 40-80 triệu đồng.

Thực tế có thể thấy, mọi cá nhân ai cũng muốn có tiền mới để dùng vào dịp Tết. Đặc biệt việc dùng tiền mới để lì xì được coi là một cách cầu chúc may mắn, điều lành và điều tốt cho gia đình và bạn bè vào những ngày đầu năm mới. Thậm chí nhiều người muốn đổi tiền mới để đầu năm được sử dụng tiền mới với hy vọng may mắn đến với chính bản thân mình. Do đó, nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ để lì xì hay đi lễ chùa vào dịp Tết là một nhu cầu chính đáng.

Song, pháp luật đã giới hạn một số cơ quan, tổ chức mới có chức năng thu, đổi tiền và tiền được đổi phải là tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông chứ không phải tiền cũ. Nhận thấy rằng, pháp luật quy định là vậy nhưng dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ vẫn trở nên nở rộ vào thời điểm cận Tết.

Vì vậy, thay vì xử lý hành vi đổi tiền mới thì Ngân hàng Nhà nước có thể chuẩn bị một nguồn tiền mới đủ để đáp ứng nhu cầu này quanh năm, tránh đổ dồn vào dịp Tết Âm lịch.

Hoặc có thể ban hành một quy định chặt chẽ hơn về việc thu một mức phí hợp lý để phục vụ cho dịch vụ đổi tiền mới nhằm bù đắp cho chi phí thu-đổi, chi phí in ấn tiền mới và tránh được tình trạng thu đổi tiền trái phép với mức phí "trên trời".