Những bộ sách giáo khoa đã thay trong hơn 10 năm qua

Hà Vy
21:28 - 02/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cách viết sách giáo khoa, chọn sách và dùng sách hiện nay đang bộc lộ khá nhiều bất cập dẫn đến người học không chỉ phải mua sách giá cao mà sách giáo khoa không thể dùng lại như trước đây.

Nếu tính từ thời điểm năm 2006 (thời gian mà Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức ban hành chương trình giáo dục phổ thông năm 2000) cho đến năm 2020, thời gian thay sách giáo khoa chưa tới 20 năm nhưng học sinh tiểu học đã phải thay đến vài bộ sách.

Sự lãng phí này, đang đè nặng trên vai phụ huynh mà đặc biệt là những gia đình thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn.

Những bộ sách giáo khoa đã thay trong hơn 10 năm qua - Ảnh 2.

Sách giáo khoa ngày nay tuổi thọ ít hơn nhiều so với các bộ sách trước đây, học trò không được viết vào sách để sách còn được dùng lại. Minh hoạ: IT/image

Những bộ sách giáo khoa sớm "chết yểu"

Năm học 2011-2012, có ít nhất 6 tỉnh đầu tiên trong cả nước thí điểm mô hình trường học mới VNEN được thực hiện bắt đầu từ lớp 2 rồi đến lớp 5.

Nếu tính từ thời điểm thay sách giáo khoa (năm 2006) đến thời điểm áp dụng chương trình VNEN vào giảng dạy thì bộ sách giáo khoa lớp 2, 3, 4 và lớp 5 lúc bấy giờ mới thay được khoảng 6 năm.

Dù những bộ sách giáo khoa hiện hành thời điểm đó còn rất mới thì phụ huynh ở những trường học áp dụng chương trình VNEN cũng đành phải bỏ đi để thay bằng bộ sách giáo khoa VNEN. 

Bộ sách giáo khoa VNEN thời đầu tiên chỉ có 3 môn Toán, tiếng Việt và Tự nhiên và Xã hội. Toán, tiếng Việt được in tới 8 cuốn (4 cuốn tập 1 và 4 cuốn tập 2).

Môn Tự nhiên và Xã hội được in thành 2 cuốn. Học sinh mua sách và chỉ mới học được một năm thì đồng loạt phải thay bộ sách giáo khoa VNEN khác vì có một số nội dung và hình thức được thay đổi, điều chỉnh.

Nhà xuất bản đổi mẫu mã từ 4 cuốn sách giáo khoa cho 2 tập (tập 1 và 2) đổi thành 2 cuốn như bình thường. Sách Tự nhiên và xã hội gồm 2 cuốn nay chỉ còn lại một cuốn. Cùng với đó, một số nội dung cũng được chỉnh sửa khác đi.

Thế là, một lần nữa, phụ huynh lại phải bỏ bộ sách giáo khoa vừa mới học được một năm để mua lại bộ sách giáo khoa khác cho con học đồng bộ. 

Mô hình trường học mới VNEN tồn tại được khoảng ít năm (tỉnh thành duy trì nhiều nhất là 6 năm, có nơi chỉ mới 1, 2 năm) cũng bị "khai tử". Năm 2018, trước làn sóng tẩy chay chương trình VNEN, nhiều tỉnh thành đã lặng lẽ chuyển về chương trình hiện hành thời điểm đó.

Nhiều trường học lại bắt đầu lại thay sách giáo khoa từ sách VNEN trở về sách giáo khoa hiện hành. Phụ huynh tiếp tục mua bộ sách giáo khoa khác cho con học. 

Năm học 2020-2021, sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được áp dụng đối với học sinh lớp 1. Giai đoạn này đánh dấu sự xuất hiện của 5 bộ sách giáo khoa.

Bộ sách giáo khoa lớp 1 của chương trình hiện hành lúc đó lại được thay thế bằng bộ sách giáo khoa mới. Điều khác ở đây là, mỗi trường, mỗi địa phương lại có bộ sách giáo khoa khác nhau.

Tuy nhiên, mới học được 2 tuần, một số "hạt sạn" trong sách giáo khoa lớp 1 đã được phát hiện. Điều đáng nói là, không chỉ một bộ sách mà toàn bộ 5 bộ sách đều phải chỉnh sửa. Có bộ sách phải điều chỉnh rất nhiều kiến thức.

Thế là, dù mới ra đời 1 năm nhưng những bộ sách giáo khoa này cũng cùng chung số phận với những bộ sách giáo khoa khác vì không thể dùng lại. Phụ huynh lại tiếp tục bỏ tiền ra mua những bộ sách giáo khoa vừa được điều chỉnh.

Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 trong cả nước học 5 bộ sách giáo khoa. Năm bộ sách này gồm: Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Chân trời sáng tạo và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.

Năm học 2021-2022, có 2 bộ sách giáo khoa lớp 1 "biến mất", không tiếp tục xuất bản và lớp 1 chỉ còn lại 3 bộ sách giáo khoa. 

Sự "biến mất" của 2 bộ sách kéo theo một số trường học đã chọn 2 bộ sách giáo khoa trước đó là bộ Cùng học để phát triển năng lực, và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục ở lớp 1 năm trước phải chọn lại sách cho lớp 1 năm học 2021-2022.

Sách lớp 1 là do nhà trường chọn nhưng các bộ sách từ lớp 2 đến lớp 12 lại do Uỷ ban nhân dân địa phương chọn. Thế là, nhiều trường học đã chọn bộ sách lớp 1 trước đó phải chọn lại bộ sách lớp 1 khác vào năm học sau để trùng với bộ sách lớp 2, lớp 3 của địa phương chọn.

Ví dụ: năm học 2020-2021, trường A. đã chọn bộ sách lớp 1 Chân trời sáng tạo nhưng lớp 2 cả tỉnh chọn bộ sách lớp 2, lớp 3 là Cánh Diều. Để dễ dàng cho việc dạy, việc học, việc tập huấn, sinh hoạt chuyên môn nên nhiều trường cũng đã đổi sách lớp 1 sang bộ Cánh Diều.

Tương tự, lớp 1 có trường đã chọn bộ sách Cánh Diều nhưng lớp 2, lớp 3, lớp 6 tỉnh lại chọn bộ sách Chân trời sáng tạo nên những trường đã chọn bộ sách Cánh Diều trước đó cũng đồng loạt tổ chức chọn lại sách Chân trời sáng tạo.

Vậy là, một bộ sách giáo khoa cũng mới chỉ học 1 đến 2 năm cũng đành bỏ đi để chọn bộ sách giáo khoa khác (mặc dù là một sự chọn lựa đồng thuận của giáo viên và cả phụ huynh) nhưng sự nuối tiếc về lãng phí vẫn không tránh khỏi.

Lo lắng khi địa phương có lãnh đạo mới, liệu có kéo theo sự thay đổi sách?

Hiện tại, việc chọn sách giáo khoa đang thuộc thẩm quyền của mỗi địa phương. Trong thực tế, nhiều tỉnh, thành đã chọn chung một bộ sách giáo khoa cho các khối lớp để dễ tập huấn, dễ sinh hoạt chuyên môn, dễ dạy và dễ học. Tuy thế, hiện vẫn chưa có quy định về tuổi thọ của những bộ sách khi đã được chọn.

Vì thế, nhiều người vẫn lo nghĩ, nếu như địa phương ấy có lãnh đạo mới, lại chọn một bộ sách khác thì sao? Không đơn giản chỉ thay đổi một bộ sách của một khối lớp nào đó, mà sẽ ảnh hưởng đến nhiều khối lớp còn lại.

Việc thay đổi sách thế này đã kéo theo sự lãng phí hàng trăm nghìn bộ sách giáo khoa. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến việc huy động tủ sách dùng chung của các trường học hiện nay cũng bị hạn chế. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới và Luật Giáo dục 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" là hướng đi đúng nhằm đa dạng hóa cách tiếp cận, khuyến khích nhiều nhà khoa học, nhà giáo cùng viết sách, giúp ngành giáo dục có cơ hội chọn được nhiều bộ sách chất lượng cả về nội dung và giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, cách viết sách, chọn sách và dùng sách hiện nay đang bộc lộ khá nhiều bất cập dẫn đến người học không chỉ phải mua sách giá cao mà sách giáo khoa không thể dùng lại như trước đây.

Khắc phục tình trạng này không còn cách nào khác ngoài việc phải đổi mới từ khâu biên soạn (bộ sách phải được biên soạn một cách chỉn chu) đến việc chọn sách, dùng sách. Cần có thêm quy định về tuổi thọ của những bộ sách tránh tình trạng sách mới dùng một năm đã tổ chức chọn lại.