Bài “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” - sách Ngữ văn 6, nhiều vấn đề cần thắc mắc

Nguyễn Trọng Bình
07:25 - 14/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bài văn "Đồng Tháp Mười mùa nước nổi" (tác giả Văn Công Hùng), sách giáo khoa Ngữ văn 6 – bộ Cánh Diều (từ trang 55 đến trang 58) có những vấn đề cần xem lại.

Thắc mắc về Đồng Tháp, Đồng Tháp Mười hay Tháp Mười?

Cho đến thời điểm năm 2011 (thời điểm tác giả viết bài du ký), phân chia địa giới hành chính ở Việt Nam chỉ có tỉnh Đồng Tháp trong đó có một huyện là Tháp Mười. 

Cách gọi "Đồng Tháp Mười" là cách gọi có từ thời Pháp thuộc chỉ một vùng đất ngập nước trải rộng trên 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp. Nội dung bài du kí "Đồng Tháp Mười mùa nước nổi" của tác giả Văn Công Hùng in trong sách giáo khoa khi thì tác giả gọi "Đồng Tháp" khi thì gọi "Đồng Tháp Mười", khi thì "Tháp Mười" sẽ khiến học sinh dễ nhầm lẫn về kiến thức địa giới hành chính, địa lý. 

Sai sót khó tin trong bài “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” - sách Ngữ văn 6 - Ảnh 1.

Bài du ký Đồng Tháp Mười mùa nước nổi trong sách giáo khoa Ngữ văn 6.

Thắc mắc về khái niệm lũ/mùa nước nổi

Trong bài du kí có chủ đề liên quan đến hiện tượng "mùa nước nổi" nhưng toàn bộ nội dung bên dưới gồm 6 đoạn trích không thấy tác giả đề cập đến hiện tượng này. Thay vào đó, tác giả lại đề cập đến hiện tượng "lũ". 

Theo thói quen lâu nay, người dân cả nước nói chung vẫn gọi hiện tượng nước dâng lên gây ngập ruộng đồng, vườn tược từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là "lũ". Tuy vậy, nếu so với "lũ" ở các tỉnh miền Trung thì "lũ" ở đồng bằng sông Cửu Long là hiện tượng tự nhiên có tính tuần hoàn do nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. "Lũ" ở miền Tây, vì thế, không phải là thiên tai như thường nghĩ mà "lũ" ở đây mang ý nghĩa tích cực, vì có theo phù sa cùng các sản vật thủy sản nước ngọt cho vùng đất này. 

Các nhà khoa học và người dân sống ở đồng bằng sông Cửu Long gọi "lũ" ở đây là "mùa nước nổi" để phân biệt với "lũ" với tính chất "thiên tai" ở các tỉnh miền Trung.

Về chuyện này, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng tổng chủ biên, mới đây có đưa vào bài học "Mùa nước nổi" (trang 12) ghi lại cảm nhận và suy nghĩ của nhà văn Nguyễn Quang Sáng ngay câu mở đầu như sau: "Mùa này, người làng tôi gọi là mùa nước nổi, không gọi là nước lũ vì nước lên hiền hòa…"

Tác giả bài du kí ngay câu đầu trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 viết: "Nói đến Đồng Tháp Mười là nói đến lũ" nhưng không giải thích "lũ" là cách gọi khác của "mùa nước nổi".

Sai sót khó tin trong bài “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” - sách Ngữ văn 6 - Ảnh 2.

Đồng Tháp Mười mùa nước nổi.

Ngoài ra, cả đoạn 1, tuy tác giả có nhắc đến "lũ" nhưng thực chất lại nói về chuyện không có/còn "lũ", "lũ không về". Điều đó cũng có nghĩa là chẳng có "mùa nước nổi" nào cả. Và như vậy cả đoạn 1 trong bài đọc này sẽ không có giá trị tương thích với tiêu đề bài.

Với các em học sinh lớp 6 thì cách đặt vấn đề này sẽ khó tiếp cận.

Cũng ở đoạn 1 này, tác giả có nhận định về "lũ" có phần mâu thuẫn với đoạn 6.

Tác giả viết: "Nói đến Đồng Tháp Mười là nói đến lũ", "lũ là nguồn sống của cả cư dân miền sông nước", "làm nên một nền văn hóa đồng bằng", "lũ không về" làm cho "toàn bộ đời sống bị ngưng trệ"... Nhưng ở cuối bài viết (đoạn 6) tác giả kết luận: "Người dân ở đây vui vẻ sống, hiền lành sống, năng động sống với nhịp nhàng nước kiệt, nước ròng"; "cuộc sống cứ thế trôi, bình dị và an lành, tự tin và khảng khái" tức là người dân miền Tây hôm nay cũng đã thích nghi, vẫn vui vẻ sống chứ không có chuyện "toàn bộ đời sống bị ngưng trệ".

Thắc mắc về cách giải thích nước ròng/nước kiệt

Đoạn 1 và đoạn 6 trong sách giáo khoa, tác giả có đề cập đến hiện tượng tự nhiên ở miền Tây là "nước ròng" và "nước kiệt".

Ở phần chú thích phía dưới (trang 55), những người biên soạn sách giáo khoa đã giải thích "nước kiệt" chỉ hiện tượng "nước cạn khi thủy triều xuống". Đến trang 58, các tác giả biên soạn sách chú thích "nước ròng" cũng là "nước kiệt". Chú thích trên chưa đúng hoàn toàn. Có thể nói rằng "nước ròng" ở miền Tây chỉ hiện tượng thủy triều xuống trong khoảng thời gian nhất định của một ngày.

Ngược lại với "nước ròng" là "nước lớn". Ca dao Nam bộ nói về hiện tượng "nước ròng", "nước lớn" như sau:

"Nước ròng trong ngọn chảy ra/ Nghe chồng em chết anh bôn ba qua liền"; "Nước ròng bỏ bãi xà cừ/ Mặt em có thẹo anh trừ đôi bông"; "Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi/ Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê"…

Trong khi các tác giả biên soạn sách chú thích "nước ròng" cũng là "nước kiệt" thì tác giả bài du ký lại viết: "Bởi không có lũ, nước kiệt đi thì toàn bộ vùng đất này sẽ thiếu nước ngọt nghiêm trọng, phèn nổi lên rất nhiều và đậm". Câu văn này, cho thấy tác giả bài du ký hiểu "nước kiệt" là do "lũ không về". Điểu này không khớp với chú thích mà nhóm tác giả biên soạn sách lý giải.

Thắc mắc về tên gọi địa danh, mô tả khu di tích

Tiếp theo ở đoạn thứ 2 (trang 56 của sách giáo khoa), liên quan đến tên gọi địa danh "Tràm Chim" tác giả bài du ký viết:

"… Còn Tràm Chim thì chính Hữu Nhân đã giải thích cho tôi rằng tràm chim chỉ đơn giản là tràm và chim. Trước đó, tôi nghĩ tràm là cách gọi một vùng đất nổi lên, như một cái vườn giữa hàng ngàn héc ta nước và ở đó có nhiều chim. Giống như giồng, như cù lao, như gò, như rạch, kinh…Thế mà nó đơn giản đến không ngờ là gồm những cây tràm kết thành rừng và chim thì dày đặc thành vườn".

Có thể nói, vấn đề lý giải tên gọi địa danh "Tràm Chim" hiện nay là vấn đề khá phức tạp, các nhà nghiên cứu về địa danh vẫn đang tranh luận và chưa có sự thống nhất. Và đối với học sinh lớp 6 thì tiếp cận những kiến thức vẫn còn đang tranh cãi như thế này khá khó. 

Liên quan đến khu di tích Gò Tháp ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, tác giả bài du ký viết: "Từ thành phố Cao Lãnh, Hữu Nhân chở tôi bằng xe máy gần buổi sáng thì đến khu di tích Gò Tháp. Đây là khu gò rộng 5.000 mét vuông và cao hơn 5 mét so với mặt nước biển Hà Tiên…"

Viết như trên chưa rõ tác giả đang miêu tả toàn bộ khu di tích Gò Tháp hay chỉ nói về cái "Gò Tháp" trong Khu di tích quốc gia ở tỉnh Đồng Tháp với tổng diện tích 320 ha? Thông tin ở đây chưa thực sự rõ nghĩa. 

Cần lựa chọn chính xác văn mẫu cho học sinh

Có thể nói, bài du ký "Đồng Tháp Mười mùa nước nổi" có tính chất văn chương, nhưng nếu để lựa chọn minh họa cho thể loại văn du kí dạy học sinh thì có lẽ không đảm bảo. Bài viết chỉ mang tính chất ghi chép văn học, tản mạn theo cảm xúc của tác giả chứ chưa cung cấp nhiều kiến thức chính xác, đạt chuẩn có thể đưa vào sách giáo khoa. 

Thay vào đó, nếu nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn 6 – Cánh Diều muốn học sinh có kiến thức về văn hóa và con người miền Tây qua thể loại du ký hoàn toàn có thể giới thiệu nhiều tác phẩm khác. Tác phẩm nổi tiếng "Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười" của học giả Nguyễn Hiến Lê là một ví dụ. 

Bài viết du ký lẽ ra cần phải được biên tập kỹ hơn trước khi đưa vào sách giáo khoa để làm văn liệu giảng dạy cho học sinh. Vậy nên chăng, chúng ta cần xem xét lại?  

Bài viết "Đồng Tháp Mười mùa nước nổi" là bài viết đăng trên báo Văn nghệ, số 49, năm 2011 của tác giả Văn Công Hùng. Khi lựa chọn để đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6, tập một, nhóm tác giả biên soạn đã rút ngắn và biên tập lại 6 đoạn văn từ trang 55 đến trang 58.