Tầm quan trọng của sách giáo khoa với thế hệ trẻ

GS.TS. Phạm Tất Dong
06:00 - 16/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Những năm gần đây, công chúng có nhiều ý kiến xung quanh chất lượng của các bộ sách giáo khoa. Vì sao lại dấy lên sự không yên tâm về tính chuẩn mực của sách giáo khoa?

Thái độ cần thiết đối với sách giáo khoa

Trong các cuốn sách giáo khoa dùng cho học sinh phổ thông ở Nhật Bản, người ta thấy tại trang cuối cùng của cuốn sách bao giờ cũng in một lời nhắn nhủ:

sách giáo khoa

Lời nhắn cuối sách giáo khoa Nhật Bản: Sách được làm ra từ tiền thuế của người dân.

Người Nhật nhắc nhở và dạy dỗ con em họ giữ gìn sách giáo khoa một cách tế nhị và sâu sắc, bởi sách giáo khoa chứa đựng trong đó những tri thức, những kinh nghiệm xã hội được đúc kết lại như những giá trị không thể thiếu được cho sự phát triển của thế hệ trẻ. Những tri thức và kinh nghiệm ấy là cái vốn văn hóa mà nhân dân ứng trước cho từng em nhỏ.

Năm 1990, khi đọc và viết lời giới thiệu cho cuốn sách "Suốt đời tìm kiếm hòa bình", tác giả là nhà văn hóa Nhật Bản, ông Daisaku Ikeda viết: "Trí thức luôn thấy mình mắc nợ xã hội vì xã hội đã ứng trước học vấn cho họ. Xã hội luôn thấy mình mắc nợ trí thức, bởi trí thức đã góp phần lớn xây dựng xã hội".

Khi thấy người Nhật nhắc con em giữ gìn sách giáo khoa, tôi hiểu là họ cho trẻ nhỏ thấy rằng, sách giáo khoa miễn phí là sự ứng trước học vấn của nhân dân để giúp bọn trẻ lớn lên thành những con người hữu ích cho xã hội.

Sách giáo khoa miễn phí là một chính sách tuyệt vời, một thái độ trân trọng đối với việc vun trồng nhân cách của lớp người đi trước đối với thế hệ sinh sau. Rất nhiều quốc gia làm điều này. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam cũng cấp phát miễn phí sách giáo khoa thì có hàng chục triệu người nghèo và con họ sẽ hạnh phúc biết bao khi được nhà nước tạm ứng một khoản kiến thức để mỗi đứa trẻ lớn lên trong sự ưu ái của xã hội.

Đối với người Mỹ, người Nga, người Nhật, chủ trương miễn phí dùng sách giáo khoa là chuyện dễ vì đó là nước phát triển - cách hiểu này chưa thấu đáo. Triều Tiên, Cuba là những quốc gia vô cùng khó khăn về kinh tế, nhưng họ không chỉ miễn phí trong việc dùng sách giáo khoa, mà còn miễn phí hoàn toàn cho việc đào tạo từ mẫu giáo đến bậc đại học.

Cần nói thêm rằng, ở những quốc gia này, giáo dục miễn phí được thực hiện như một nguyên tắc, và giáo dục bảo đảm chất lượng tốt cũng là một nguyên tắc.

Đứa trẻ lần đầu tới trường và lần đầu tiên giở trang thứ nhất của cuốn sách giáo khoa lớp Một, chúng sẽ tiếp nhận những tác động đầu tiên của trang sách giáo khoa. Những tác động ấy thường in đậm ấn tượng vào tâm hồn trẻ. John Lock - một triết gia người Anh theo chủ nghĩa kinh nghiệm (Empericism) - cho rằng, tâm hồn đứa trẻ là một tabula rasa (tấm bảng trắng). Nhà giáo dùng sách giáo khoa để tác động vào đứa trẻ, tức là đã viết vào tấm bảng trắng chưa có tì vết đó một nét "chữ". Nét chữ xanh, đỏ, hay tím vàng thì Tabula rasa sẽ phản ánh đủ các nét như vậy, có khi không mờ theo thời gian theo suốt cuộc sống của đứa trẻ.

Chủ trương của các quốc gia phát triển về việc dùng sách giáo khoa

1. Mặc dù rất coi trọng trách nhiệm biên soạn sách giáo khoa, thẩm định chặt chẽ chất lượng sách nhưng nhiều quốc gia coi sách giáo khoa như một loại học liệu cần thiết phải tham khảo, chứ không quy định bắt buộc phải sử dụng toàn bộ nội dung của sách. Khi chủ trương thực hiện giáo dục mở, sách giáo khoa thuộc phạm trù tài nguyên giáo dục mở, được dùng song song với nhiều học liệu khác nhau như các video, phim tài liệu, các sách tham khảo khác v.v…

2. Chương trình dạy học yêu cầu các trường học phải thực hiện đầy đủ những quy định trong đó. Tuy nhiên, trong một quốc gia, mỗi vùng có thể có một chương trình giáo dục riêng.

Điều quan trọng hơn cả là giáo viên phải có năng lực truy cập các nguồn tài liệu, lựa chọn những tài liệu để xây dựng đề cương bài giảng cho sát với chương trình, từ đó tìm ra phương pháp truyền đạt nội dung bài học sao cho có hiệu quả nhất. Người ta gọi đó là cách dạy theo syllabus (xây dựng đề cương, xếp sắp nội dung sẽ trình bày v.v…).

Ở Mỹ, khi soạn bài giảng, giáo viên phải dựa vào khung chương trình. Sách giáo khoa chỉ chiếm 20% trong số những tài liệu để giáo viên xây dựng bài giảng của mình. Giáo viên luôn phải chuẩn bị những tài liệu dùng cho học sinh loại giỏi, khá và trung bình trong một lớp học ngay trong một bài giảng. Họ phát huy năng lực tiếp thu bài cho từng loại học sinh, không để học sinh khá và giỏi phải chờ học sinh trung bình mà làm chậm đi sự phát triển của chúng.

sách giáo khoa

GS.TS Phạm Tất Dong: Giáo viên phải thật sáng tạo xây dựng bài giảng của mình.

Ở Australia, hiện nay họ không in sách giáo khoa, mà chỉ công bố chương trình dạy học. Giáo viên thỏa sức sáng tạo cách dạy, miễn sao đáp ứng được chương trình. Việc này đòi hỏi rất cao công tác đào tạo sư phạm để có được những giáo viên như vậy.

3. Tuy là những quốc gia giàu có, các nước như Nhật Bản, Mỹ, Nga… cấp phát sách giáo khoa miễn phí cho học sinh; học sinh không phải mang sách giáo khoa về nhà và phải giữ sách thật cẩn thận để những học sinh khóa sau vẫn dùng sách này. Ở Nga, học sinh được phép mang sách giáo khoa về nhà, bố mẹ có trách nhiệm nhắc con giữ gìn sách thật cẩn thận.

Sách giáo khoa của nhiều nước khá ổn định, khoảng chín, mười năm mới có sự bổ sung một chút ít những nội dung mới. Song, với chế độ nhà nước chi trả tiền sách giáo khoa để học sinh miễn phí sử dụng sách, việc thay sách theo cách này không có ảnh hưởng đến việc chi phí của phụ huynh học sinh cho việc học tập của con cái.

Ở Cộng hòa Liên bang Đức, học sinh phải mua sách giáo khoa, nhưng nhà nước quy định tiền mua sách giáo khoa của học sinh không quá 100 euro. Giáo viên cần hướng dẫn phụ huynh học sinh mua những cuốn sách giáo khoa nào đó theo điều kiện cụ thể của nhà trường, không bắt phụ huynh phải mua trọn gói cả bộ sách.

Ở Mỹ, chỉ có học sinh học các trường tư mới phải mua sách giáo khoa. Nhưng, tiền mua sách chỉ chiếm khoảng 2% tổng chi phí tiền học trong năm.

Trẻ em ở NaUy được nhà nước chăm lo việc học rất chu đáo. Các em nhỏ lần đầu tiên tới trường được phát 1 chiếc iPad mới. Trong ba lô đựng tài liệu đến trường chỉ có chiếc iPad và một, hai quyển vở để ghi chép những điều cần thiết do thầy, cô giáo yêu cầu.

4. Việc chuyển sang phương thức học trực tuyến sẽ làm giảm đi việc sử dụng sách giáo khoa in. Cách thức học trực tuyến sẽ làm tăng tính linh hoạt trong học tập, trẻ sẽ được tiếp cận với nhiều tài liệu sinh động, đồng thời tăng các mối tương tác giữa chúng với thầy cô giáo và với bạn bè trong giờ học. Sách giáo khoa in sẽ không phải mang đầy ba lô khi đi học.

Lịch sử thay đổi sách giáo khoa ở Việt Nam

Từ năm 1945 đến nay, ở Việt Nam đã có 5 lần thay sách giáo khoa phổ thông.

Lần thứ nhất: Cuộc cải cách giáo dục năm 1950 quy định thực hiện hệ thống trường phổ thông 9 năm (4 năm cấp I, 3 năm cấp II, 2 năm cấp III).

Đợt cải cách giáo dục này chưa tạo nên bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh. Một số môn học bị cắt giảm vì không thiết thực đối với việc đào tạo rút ngắn trong điều kiện đất nước có chiến tranh. Giáo viên tự lên kế hoạch giảng dạy theo Chương trình do Nhà nước ban hành. Nội dung giảng dạy tập trung vào sự khẳng định chế độ dân chủ nhân dân, người cày có ruộng, tất cả phục vụ cho cuộc kháng chiến.

Lần thứ hai: Cuộc cải cách giáo dục năm 1956 đã quyết định xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm trên cơ sở thống nhất hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm (4 năm cấp I, 3 năm cấp II, 3 năm cấp III) của vùng kháng chiến với hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm của vùng mới được giải phóng. Bộ sách giáo khoa phổ thông 10 năm chủ yếu dựa vào các nội dung của chương trình giáo dục phổ thông 9 năm. Mục tiêu soạn sách giáo khoa lần này phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo xã hội chủ nghĩa công thương nghiệp…) và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Hình vẽ minh hoạ trên sách giáo khoa cũ in sâu trong kí ức mỗi người học. 

Lần thứ ba: Cuộc cải cách giáo dục năm 1979 quyết định xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm thống nhất toàn quốc (5 năm tiểu học, 4 năm phổ thông cơ sở, 3 năm phổ thông trung học).

Bộ sách giáo khoa phổ thông 12 năm vẫn chủ yếu dựa trên bộ sách giáo khoa phổ thông 10 năm, có sự cải biên cho phù hợp với điều kiện miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, phục vụ sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa là mục tiêu biên soạn các môn học.

Lần thứ tư: Sách giáo khoa phổ thông được biên soạn lại theo tinh thần Đổi mới giáo dục trong Nghị quyết 40/2000/NQ-QH10 của Quốc hội. Ta gọi đợt thay sách giáo khoa phổ thông này là đợt thay sách năm 2000. Từ đó, học sinh cả nước học theo bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra tổ chức biên soạn, nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam in ấn và phát hành. Hệ thống giáo dục phổ thông vẫn là 12 năm (5 năm tiểu học, 4 năm phổ thông cơ sở, 3 năm phổ thông trung học).

Đợt thay sách giáo khoa phổ thông này có sự tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông của một số nước phát triển và trong khu vực.

Có thể nói, từ năm 2000 trở về trước, các bộ sách giáo khoa phổ thông được phát hành trong sự hoan nghênh của xã hội. Phụ huynh học sinh yên tâm với sách giáo khoa mà con em họ sử dụng.

Lần thứ năm: Ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo". Thực hiện Nghị quyết này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương đổi mới sách giáo khoa lần thứ hai từ năm 2018.

Trong đợt thay sách giáo khoa phổ thông lần thứ năm, những người được giao nhiệm vụ làm sách tuyên bố đổi mới cơ bản bằng những ý tưởng mới mẻ như thực hiện "Một chương trình với nhiều Bộ sách giáo khoa", Dạy học "phát triển năng lực" học sinh; Dạy học theo hướng "phân hóa học sinh"; coi trung học phổ thông là cấp học hướng nghiệp, dạy học với sự tích hợp các môn học v.v…

Những bất ổn trong việc biên soạn, sử dụng, quản lý chất lượng sách giáo khoa ở Việt Nam

Từ năm 2000 trở lại đây, sách giáo khoa phổ thông thời kỳ đổi mới nhận được rất nhiều ý kiến không thật sự hài lòng. 

1. Đợt thay sách giáo khoa năm 2000 xảy ra rắc rối mà theo nhiều người, nguyên nhân chính là Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam được độc quyền về sách. Có lẽ vì lợi nhuận mà Nhà xuất bản cho tăng giá sách khá tùy tiện. Mặt khác, nhiều đầu sách được thiết kế để dùng một lần. Điều đó có nghĩa là, những cuốn sách ấy sau mỗi năm học được coi là một loại rác, học sinh sẽ vứt bỏ.

Một khi sách giáo khoa được đối xử như thế thì con người sẽ không coi trọng những sách đã học. Trong sách của nhiều gia đình coi trọng sự học, sách giáo khoa cũ vẫn được giữ gìn cẩn thận, không chỉ đơn thuần là để làm kỷ niệm, mà quan trọng hơn vì sách giáo khoa của trẻ em là nguồn tri thức ban đầu mà con người lớn lên từ đó.

2. Thật không ngờ được rằng, sách giáo khoa của thế kỷ 21 lại có sạn, hơn nữa, có nhiều sạn như nhiều vị phụ huynh, nhiều người quan tâm đến giáo dục, nhiều nhà nghiên cứu và người làm báo đã phát hiện.

Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đã loại bỏ nhiều sách có "sạn". Nhưng, sau khi lọt qua sự sàng lọc của Hội đồng, có những quyển sách được phép dùng vẫn có sạn.

Tác giả của những cuốn sách giáo khoa có sạn và người thẩm định để lọt lưới sách giáo khoa có sạn cùng cơ quan quản lý chỉ đạo nhà trường dùng sách có sạn... đều là những người có lỗi với thế hệ trẻ - thế hệ mà John Locke gọi là Tabula rasa.

3. Chủ trương "Một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa" chỉ nên áp dụng ở những quốc gia có nền hành chính giáo dục thật sự nghiêm túc và có năng lực quản lý chất lượng giáo dục và dạy học, có trình độ quản trị tốt hệ thống trường học. Vào thời điểm này, giáo dục bị buông lỏng quản lý nhiều phương diện và bất lực trước sự lũng đoạn của những người sản xuất hàng loạt các bộ sách giáo khoa.

Cách đây vài năm, có 6 bộ sách giáo khoa phổ thông xin được thẩm định để dùng trong giai đoạn sau năm 2020: "Kết nối tri thức với cuôc sống", "Chân trời sáng tạo", "Cùng học để phát triển năng lực", "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục", Bộ "Cánh diều", "Công nghệ giáo dục".

Qua các Hội đồng thẩm định, Bộ sách "Công nghệ giáo dục" do GS.TS Hồ Ngọc Đại chủ trì không được duyệt. Bộ "Cánh diều" được phép sử dụng thì lại kêu là có nhiều "sạn", phải sửa chữa, bổ sung. Bộ "Cùng học để phát triển năng lực" và Bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" tự nhiên biến mất. Nếu là Bộ sách hay thì tại sao lại để nó không tồn tại? Không ai chịu trách nhiệm về hiện tượng này.

Báo chí nói nhiều về những bộ sách nói trên và những cuộc đấu khẩu dữ dội giữa người thẩm định với người viết sách đã làm quần chúng ngoài cuộc ngao ngán, không tin vào năng lực người viết sách cũng như năng lực người thẩm định sách. Công chúng cũng không tin vào động cơ "trong sáng" của những người làm sách và phát hành sách.

4. Nhiều tháng nay, trong xã hội có nhiều người không đồng tình với việc phát hành và dùng sách giáo khoa. Phụ huynh học sinh thì kêu than về giá sách giáo khoa tăng, hơn nữa tuy chấp nhận giá sách cao mà trước ngày khai giảng năm học mới, tìm mua đủ bộ sách lớp 10 cho con phải lùng sục các nơi bán sách cả buổi mà không xong.

Các thầy, cô giáo thì phiền lòng bởi không hiểu dạy học sách giáo khoa "tích hợp" các môn học theo cách nào. Ba môn học được ghép vào một cuốn sách giáo khoa để 3 giáo viên thay phiên nhau dạy theo cuốn sách đó. Nhiều giáo viên cho rằng, chính người soạn sách "tích hợp" cũng chua chắc đã dạy được cuốn sách do chính họ soạn.

Đôi lời nói thêm về sách giáo khoa mới

Một vấn đề quan trọng cần được bàn thảo là hướng nghiệp. Không biết hướng nghiệp là gì mà lại hướng dẫn học sinh về hướng nghiệp thì quả là quá dũng cảm! Tôi nghĩ rằng, để học sinh chọn nghề không dựa trên cơ sở khoa học là có tội với thế hệ trẻ.
GS.TS. Phạm Tất Dong

Tôi được đào tạo sư phạm vào đúng năm 1950, năm cải cách giáo dục phổ thông lần thứ nhất, để trở thành giáo viên dạy học trong hệ giáo dục phổ thông 9 năm. Suốt từ cuối năm 1952 đến hết năm 1955, tôi đã dạy học trong điều kiện không có sách giáo khoa, mà chỉ được cung cấp khung Chương trình giảng dạy. 

Những giáo viên dạy cùng khối lớp đã giúp nhau tìm kiếm tài liệu có nội dung phù hợp với khung chương trình, tiến hành thảo luận để xây dựng bài giảng. Giáo viên ngày ấy khá vất vả trong việc soạn bài. Những giáo viên đứng tuổi, đã từng dạy trong nhà trường trước cách mạng tận tình giúp các giáo viên trẻ trong việc soạn bài chuẩn bị giáo cụ trực quan.

Khi bộ sách giáo khoa phổ thông dùng cho hệ 10 năm ra đời, giáo viên thời ấy rất quý vì lần đầu tiên có trong tay một bộ sách hoàn chỉnh cho cả 3 cấp học. Bộ sách đó được chúng tôi giữ gìn như một phương tiện quan trọng của nghề dạy học.

Trước sự rối nhiễu trong việc dạy học theo sách giáo khoa đổi mới hiện nay, tôi muốn nhắn nhủ những người viết sách giáo khoa rằng, nếu ai đã mắc lỗi khi đưa ra những cuốn sách giáo khoa không đủ chất lượng cần thiết thì nên đứng ra ngoài sân chơi này. 

Học sinh không phải là đối tượng để ta muốn dạy chúng thế nào cũng được!