Nhìn nhận đầy đủ về học tập trong Tổ chức và Tổ chức học tập
Việc đưa học tập vào Tổ chức đã có những bước phát triển mạnh ở nhiều doanh nghiệp lớn, khi họ muốn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự của mình ở tầm cao hơn và bản thân doanh nghiệp trở thành một "Tổ chức học tập" có quy mô lớn.
Học tập trong Tổ chức
Tổ chức được hiểu như một đơn vị đo lường rất linh hoạt.
Học tập trong Tổ chức là quá trình mà trong đó các nhà quản lý – lãnh đạo cùng các thành viên phải học tập để đối phó với những tình huống mới, những vấn đề mới để trở thành những người có những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết.
Hoàn cảnh tạo nên sự bức thiết mà Tổ chức cần tổ chức học tập thường là:
- Sự cạnh tranh về nhân lực giữa các Tổ chức như trình độ chuyên môn chênh lệch, cơ cấu nhân lực bất hợp lý.v.v...
- Năng suất lao động thấp hơn các Tổ chức khác, từ đó, sức cạnh tranh sụt giảm, sự phát triển của Tổ chức có nguy cơ chậm lại vì lạc hậu.
- Chất lượng nhân lực không đáp ứng được yêu cầu của công việc đặt ra, đặc biệt là lao động trong Tổ chức bị "mù" về các kỹ năng hành dụng hoặc thiếu hụt những kỹ năng cần thiết.
- Việc trang bị lại những kỹ năng mới, những công nghệ mới mà việc sử dụng của nhân viên, của cán bộ phải học mới vận hành được.
- Quan hệ giữa các cá nhân trong Tổ chức cần phải thay đổi do sự gắn bó có vấn đề nảy sinh.
Trước yêu cầu phải tiến hành học tập trong Tổ chức, người thiết kế các kế hoạch học tập phải tính đến những năng lực mới sẽ được tạo ra, đặc biệt là những năng lực nhận diện những xu thế mới của sự phát triển tổ chức, năng lực phán đoán và nhận định tình huống, năng lực tự đánh giá bản thân của mỗi người trong tổ chức, năng lực tự học để bổ sung thêm kiến thức và kỹ năng, năng lực sắp xếp công việc một cách hợp lý và khoa học của từng cá nhân.
Như trên đã nói, trong khi nuôi dưỡng việc học của từng thành viên thì bản thân Tổ chức cũng phải học, mà cụ thể là, phải tích lũy những kinh nghiệm riêng để từ đó xây dựng lề lối làm việc, thói quen cần thiết cũng như văn hóa lao động của Tổ chức theo phương thức "vừa học vừa làm" (Learning by doing).
Năm 1976, Kolb đưa ra mẫu hình một chu trình học hỏi kinh nghiệm để từ kinh nghiệm đã có, tiếp tục tích lũy để những kinh nghiệm mới được bổ sung.

Chu kỳ học hỏi kinh nghiệm (Experiential Learning cycle)
Tổ chức có thể thông qua học tập mà trực tiếp xây dựng kinh nghiệm cho mình, nhưng chu trình cũng có thể gián tiếp, đi từ kinh nghiệm của Tổ chức khác để khảo sát, phân tích, rút ra kết luận cần thiết, tức là tạo nên một kinh nghiệm mới, phù hợp với Tổ chức của mình.
Tổ chức học tập
Tổ chức học tập là một tập hợp người được xếp sắp thành một bộ phận của một hệ thống nào đó, được giao những nhiệm vụ cụ thể, mà để hoàn thành tốt những gì được giao, bộ phận đó luôn duy trì được quá trình tạo ra, lưu trữ, chia sẻ, chuyển giao tri thức để bộ phận công tác của mình có được những kinh nghiệm. Nhờ những kinh nghiệm, Tổ chức được cải thiện theo thời gian, tạo ra ngày càng nhiều những kiến thức, bao gồm bất kỳ chủ đề nào để làm cho Tổ chức ngày càng hoạt động tốt hơn.
Tổ chức học tập là một mô hình, mà để bảo đảm kết quả học tập theo yêu cầu chung của hệ thống thì mô hình phải bảo đảm những điều kiện sau:
a. Người lãnh đạo tổ chức phải có tầm nhìn về viễn cảnh phát triển Tổ chức, từ đó có chiến lược phát triển việc học tập trong Tổ chức.
Mỗi thành viên trong Tổ chức đều có một vị trí làm việc cố định. Do đó, nội dung học tập của họ không hoàn toàn giống với nội dung mà đồng nghiệp trong Tổ chức có nhu cầu. Vì thế, Tổ chức có bao nhiêu thành viên thì trong tổ chức sẽ có bấy nhiêu kế hoạch học tập cá nhân.
Kết quả học tập của mỗi thành viên trong Tổ chức được đánh giá ở những năng lực mới hoặc những năng lực được nâng cao. Trong những năng lực đó, trước hết là những năng lực chuyên môn – nghề nghiệp và đồng thời là những năng lực bổ trợ, bao gồm những kỹ năng mềm. Ngoài ra, mọi thành viên còn cần xây dựng cho mình những năng lực thích nghi với môi trường làm việc mới do sự phát triển nghề nghiệp tạo ra. Cuối cùng là những năng lực kiến tạo trong tổ chức lao động.
b. Trong tổ chức học tập phải có được hệ tài nguyên giáo dục mở, đáp ứng được yêu cầu của mọi kế hoạch học tập cá nhân (Individual learning Plant – ILP). Hệ tài nguyên đó như một kho tri thức mà sự bổ sung những kiến thức và kỹ năng mới là liên tục.
Việc xây dựng hệ tài nguyên giáo dục này tất nhiên là để phục vụ cho sự phát triển những năng lực của tất cả thành viên trong tổ chức.
c. Để từng cá nhân phát huy được kết quả tự học, trong kho tri thức (mà hiện tại là kho tri thức điện tử) phải có được ngân hàng các câu hỏi với những giải đáp cặn kẽ, sự tư vấn sâu sắc. Người tự học qua đó có thể bớt được sự giúp đỡ trực tiếp của người khác khi xử lý kết quả các bài học của mình.
d. Cuối cùng là sự quản lý sau đào tạo (After training Management) để sử dụng, bố trí công việc cho người học, đồng thời tính đến những vòng học tiếp sau của họ.
Đơn vị học tập trong hoàn cảnh xã hội hiện nay
Đến đây, việc định nghĩa thuật ngữ "Đơn vị học tập" là không cần thiết, mà chỉ được hiểu thuật ngữ này chỉ là sự chuyển ngữ từ thuật ngữ "Tổ chức học tập" như trên kia đã trình bày. Điều này có nghĩa là, trong các văn kiện về xã hội học tập ở Việt Nam, thuật ngữ "Đơn vị học tập" nếu cần dịch sang tiếng Anh thì dịch là "Learning Organization" hay tiếng Pháp là "Organisation d’apprentissage".
Năm 2012, tại Hà Nội, UNESCO đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Diễn đàn Việt Nam: Học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập". Có 45 nhà khoa học từ 17 quốc gia đã tham dự với nhiều tham luận có giá trị tham khảo quan trọng. Tại Hội thảo này, Katherine Muller Marin, đại diện Văn phòng UNESCO ở Việt Nam đã có bài phát biểu, nhấn mạnh việc ứng dụng các công nghệ học tập hiện đại và đề nghị Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng "Tổ chức học tập".
Ngày 09/01/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 89/QĐ-TTg, phê duyệt nhiều Đề án, trong đó có Đề án 281 về xây dựng các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập trên địa bàn hành chính cấp xã.
Ngày 06/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư 22/2020/TT-BGDĐT "Quy định về đánh giá, xếp loại đơn vị học tập cấp huyện và cấp tỉnh".
Ngày 25/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 387/QĐ-TTg phê duyệt chương trình xây dựng các mô hình học tập cấp xã giai đoạn 2021 – 2030.
Như vậy, Đơn vị học tập đã được các văn bản pháp lý cho hoạt động đến hết thập niên 2020 – 2029.
Việc triển khai xây dựng mô hình "Đơn vị học tập" trong những năm tới cần được chú ý tới những vấn đề quan trọng sau đây:
Sự biến đổi nhanh chóng và khôn lường của thế giới
- Mấy năm gần đây có 2 sự kiện đã làm cho thế giới VUCA có những tác động rất tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe con người.
Sự kiện thứ nhất là Đại dịch COVID-19 đã làm đình đốn sự phát triển kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Nhiều quốc gia đã phải đối mặt với sự khủng hoảng về lương thực, thực phẩm, thuốc men, nạn lạm phát, sự quá tải của bệnh viện và sự chết chóc vì dịch bệnh.v.v...
Sự kiện thứ hai là cuộc chiến Nga – Ucraina với những hệ lụy của nó.
Ngoài 2 sự kiện đó còn có nhiều sự kiện khác như sự biến đổi khí hậu, nạn ô nhiễm không khí và thiếu nước ngọt, những căng thẳng về chạy đua vũ trang, những căng thẳng về địa – chính trị...
Thế giới VUCA thể hiện 4 đặc điểm sau:
Sự biến động (Volatility) trong đời sống xã hội như giá cả leo thang, thiếu hụt năng lượng, dịch bệnh bùng phát thất thường và những quy định chống dịch bệnh luôn phải thay đổi.
Sự bất định (Uncertainty) về đời sống, sản xuất, thương mại... Ngay việc học tập hàng ngày của trẻ em cũng rất khó lường trước.
Sự phức tạp (Complexity) về quan hệ xã hội, về tranh chấp chủ quyền của một số quốc gia...
Sự mơ hồ (Ambiguity) trước những xu hướng thay đổi trong phát triển, trong sự nhận diện tình huống.
Để chuẩn bị cho thế hệ trẻ vào đời và để nâng cao năng lực thích ứng với thế giới VUCA đầy biến động khó lường, các chuyên gia giáo dục, các chính khách, các doanh nghiệp trông đợi nhiều ở sự phát triển các kỹ năng sau đây cho con người: Kỹ năng hợp tác (Collaboration), Kỹ năng giao tiếp (Communication), Kỹ năng tư duy phản biện (Critical Thinking), Kỹ năng sáng tạo (Creativity), Kỹ năng học tập suốt đời (Lifelong Learning).
Nhiều người đang kỳ vọng ở đơn vị học tập trong việc giải mã nhiệm vụ giáo dục nói trên.
Sự chuyển đổi số quốc gia
Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia" theo Quyết định 749/QĐ-TTg (03/6/2020) nhằm vào mục tiêu: Xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; Phát triển các doanh nghiệp công nghệ số.
Theo Chương trình, người dân là trung tâm của chuyển đổi số, thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số.
Mọi người dân phải học tập để nâng cao năng lực số (Digital Competence) để thay đổi phương thức sống, lao động, giao tiếp.
- Sống thích nghi và làm chủ bản thân trong môi trường số. Cuộc sống trong thế giới tự nhiên và xã hội hiện thực sẽ ngày càng chiếm ít thời gian hơn so với cuộc sống hiện thực - ảo (Virtual Reality).
- Các hoạt động học tập, mua bán, vui chơi, du lịch, khám chữa bệnh và các mối giao tiếp với chính phủ, đối tác trong kinh doanh, dịch vụ, với bạn bè và người thân sẽ hầu như được giải quyết trực tuyến.
- Những thành phố xanh, khu đô thị thông minh, thành phố học tập và thành phố hạnh phúc, những trường học và cơ sở đào tạo trực tuyến... đều đòi hỏi ở người dân sự học hỏi liên tục như một lẽ sống: Thức ăn, nước uống, không khí và tri thức số sẽ phải được hấp thụ vào cơ thể từng giờ, từng ngày, bởi chỉ ngừng được cung cấp những chất "dinh dưỡng" đó, con người sẽ bị loại trừ ra khỏi xã hội.
Đơn vị học tập – một mô hình cấu thành nên xã hội học tập – sẽ có trách nhiệm với người dân trong việc giúp họ thích ứng với môi trường số.
Ứng dụng các công nghệ hiện đại
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên những nền tảng kỹ thuật tiên tiến đã làm cho trình độ lao động chuyên môn – nghề nghiệp qua hệ thống đào tạo của xã hội 3.0 trở nên bất cập.
Những trụ cột công nghệ mới của nền sản xuất hiện đại đầu thế kỷ XXI là:
Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence – AI)
Trí tuệ nhân tạo (trí tuệ thông minh nhân tạo) đến nay đã thành loại công nghệ lõi quan trọng trong tiến trình chung của thế giới hiện đại. Trong sản xuất, giao thông, vận tải... máy móc mà trước đây điều khiển bởi con người thì giờ đây nó giống như một cơ thể mà linh hồn là AI.
Hệ thống dữ liệu lớn (Big Data)
Dữ liệu lớn (có khi còn dùng tính từ khổng lồ để diễn đạt) là tập các dữ liệu quy mô rất lớn và rất phức tạp mà cách xử lý truyền thống không thể đáp ứng trong phân loại, bảo quản, phân phối, chia sẻ. Những tập dữ liệu này có thể bao gồm các dữ liệu có cấu trúc, không có cấu trúc và bán cấu trúc.
Hiện nay, công nghệ Big Data được ứng dụng rất phổ biến ở lĩnh vực Ngân hàng, y tế, giáo dục... Tài nguyên giáo dục mở là một tập dữ liệu lớn, nó tạo ra một phương thức học tập suốt đời thông qua học trực tuyến (Online Learning).
Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT)
Người ta còn gọi công nghệ này là Mạng lưới vạn vật kết nối Internet với tư cách là liên mạng, trong đó các thiết bị, phương tiện được sử dụng tại nơi làm việc, các văn phòng, các cơ sở sản xuất được nhúng với các thiết bị điện tử, phần mềm, cơ cấu chấp hành cùng với khả năng kết nối mạng máy tính để giúp người sử dụng thiết bị thu thập và chuyển tải dữ liệu tốt hơn.
Trong học tập của mỗi người, IoT có thể giúp vào việc sau:
- Tăng kỹ năng truy cập các dữ liệu cần tham khảo sau mỗi bài học: thông qua các web, video, các tư liệu số hóa, người học sẽ hiểu sâu hơn những gì vừa được học.
- IoT có thể kết nối các trường học, các học viện trên thế giới, giúp cho người học có thêm trải nghiệm.
- Chỉ cần có một cuốn sách giáo khoa điện tử, với công nghệ IoT, con người sẽ mang theo mình một thư viện sách tham khảo.
- Sách giáo khoa điện tử với công nghệ 3D về các dữ liệu sẽ vô cùng sinh động, học không bao giờ chán.
In 3D (Robot 3D)